Chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố sẽ hỗ trợ Việt Nam tăng cường trinh sát, do thám và thu thập thông tin tình báo hàng hải, trong bối cảnh Trung Quốc không che giấu tham vọng thâu tóm biển Đông.
Trong thông cáo gửi cho báo chí hôm qua, Mỹ thông báo sẽ trợ giúp Việt Nam 40 triệu đôla để tăng cường năng lực hàng hải trong vòng hai năm tới.
Ngoài ra, Hoa Kỳ cũng sẽ giúp đỡ các cơ quan hàng hải của Việt Nam tăng cường khả năng kiểm soát và chỉ huy.
Thêm nữa, Mỹ cũng lặp lại tuyên bố trước đây rằng sẽ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương liên quan tới hàng hải để tăng cường năng lực cho Việt Nam cũng như mở rộng các cuộc thao dượt và huấn luyện giữa hai nước, tập trung vào các vấn đề cứu nạn và nhân đạo.
Khi chúng ta có kẻ cướp nó đang đánh vào nhà, có hàng xóm láng giềng đến giúp đỡ thì phải biết cách liên minh với ông láng giềng đó. Nhưng phải biết chọn ông láng giềng nào có khả năng nhất để mà liên minh. Đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược.Giáo sư Tương Lai, cựu thành viên nhóm tư vấn thủ tướng, nói.
Số tiền mà Hoa Kỳ trợ giúp Việt Nam nằm trong gói viện trợ mới trị giá 259 triệu đôla nhằm giúp “các đồng minh và đối tác [của Mỹ] tăng cường khả năng hàng hải nhằm xử lý các thay đổi nhanh chóng trong khu vực”.
Thông báo của Mỹ được đưa ra khi Tổng thống Obama có mặt ở Philippines để dự hội nghị thượng đỉnh APEC.
Hôm nay, sau cuộc gặp tới Tổng thống nước chủ nhà, ông Benigno Aquino, ông Obama đã kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc xây dựng trên các hòn đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở biển Đông.
Cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước đồng minh diễn ra một ngày sau khi Việt Nam và Philippines nâng mối quan hệ song phương lên tầm chiến lược.
Giáo sư Tương Lai, người từng làm trong ban cố vấn của thủ tướng Việt Nam, cho rằng việc Mỹ cam kết giúp Việt Nam cải thiện lĩnh vực hàng hải cũng như việc Hà Nội và Manila củng cố quan hệ là những bước đi mang tính biểu tượng. Ông nói thêm với VOA Việt Ngữ:
“Đó là một biểu tượng có ý nghĩa. Trong có nội lực là chính, là phải quyết tâm bằng mọi cách giữ vững độc lập dân tộc. Nó đòi hỏi một đường lối độc lập tự chủ, mà đường lối độc lập tự chủ đó là phải biết liên minh với ai để tăng thêm sức mạnh cho mình. Khi chúng ta có kẻ cướp nó đang đánh vào nhà, có hàng xóm láng giềng đến giúp đỡ thì phải biết cách liên minh với ông láng giềng đó. Nhưng phải biết chọn ông láng giềng nào có khả năng nhất để mà liên minh. Đó là vấn đề có ý nghĩa chiến lược”.
Trong một diễn biến khác liên quan tới biển Đông, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng hôm nay đã đăng đàn để trả lời các câu hỏi của các đại biểu quốc hội về nhiều vấn đề, trong đó có biển Đông và mối quan hệ với Trung Quốc.
Người đứng đầu chính phủ Việt Nam nói rằng lập trường quan điểm, chủ trương của đảng và nhà nước là “rõ ràng, nhất quán, cơ bản là phù hợp và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thách thức”. Ông Dũng nói thêm:
“Trước hết là chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia. Với phát triển kinh tế xã hội phải tăng cường quốc phòng an ninh, quan hệ đối ngoại, tăng cường khối đại đoàn kết và sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế về chân lý, lẽ phải của chúng ta; gìn giữ hòa bình, ổn định để tạo môi trường cho xây dựng, phát triển và bảo vệ tổ quốc".
Trước hết là chân thành làm hết sức mình để tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác, bình đẳng cùng có lợi, cùng phát triển với Trung Quốc trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, Việt Nam cũng kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia.Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố.
Một ngày trước đó, trong khi đặt câu hỏi chất vấn cho ông Dũng, đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa từ TP HCM nói rằng “đa số nhân dân không đồng ý nhận viện trợ từ Trung Quốc”.
Ông Nghĩa đặt câu hỏi rằng nhận viện trợ hay vay vốn ODA của Trung Quốc cho dù rẻ thì sau này có kiện để đòi lãnh thổ được không?
"Nếu trưng cầu ý dân thì tôi tin đa số nhân dân sẽ không đồng ý nhận viện trợ hay vay tiền từ Trung Quốc vì còn nhiều nguồn khác để vay", ông nói.
Về vấn đề quan hệ Việt – Trung, cũng như phát biểu của Thủ tướng Dũng, giáo sư Tương Lai nhận định:
“Nguyễn Tấn Dũng chính là người đầu tiên nêu lên vấn đề rằng không thể đem chủ quyền thiêng liêng của đất nước để đổi lấy tình hữu nghị viển vông và lệ thuộc. Đó là một tuyên bố rất dứt khoát, và có một ý nghĩa rất lớn, lần đầu tiên nói rằng Việt Nam không thể lệ thuộc Trung Quốc được. Nhưng mà cái tập thể này, cái đường lối này, cái bộ chính trị này mới có khả năng đưa ra một quyết sách. Chứ còn cá nhân một thủ tướng, trong cái cơ chế đảng lãnh đạo mang tính toàn trị này, và không hề có chuyện tam quyền phân lập, thì ông Tổng bí thư ông đã nói rõ trong phát biểu của ông ta với Tập Cận Bình vừa rồi rằng phải giữ nguyên nguyên trạng, không làm xáo trộn vấn đề. Trong một bài viết gần đây, tôi đã phân tích rõ rằng không thể gọi là giữ nguyên nguyên trạng được. Nếu mà giữ nguyên nguyên trạng ấy thì làm sao mà có quyết sách đối phó lại với Tập Cận Bình?”
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm Việt Nam và phát biểu trước quốc hội hồi đầu tháng này.
Chỉ một ngày sau khi rời Việt Nam, ông Tập tuyên bố rằng các hòn đảo trên biển Nam Trung Hoa (biển Đông) “là lãnh thổ của Trung Quốc từ thời xa xưa”, và chính phủ Trung Quốc “phải có trách nhiệm để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi lãnh hải chính đáng”.
Cũng giống như nhiều cư dân mạng, giáo sư Tương Lai chỉ trích các vị đại biểu đã “không dám” bày tỏ thái độ khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tới cơ quan lập pháp của Việt Nam.