Đường dẫn truy cập

Mỹ kêu gọi Hy Lạp giải quyết vụ khủng hoảng tài chính


Một người về hưu chờ nhận lãnh tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng quốc gia bị đóng cửa ở Athens, ngày 29/6/2015.
Một người về hưu chờ nhận lãnh tiền bên ngoài chi nhánh Ngân hàng quốc gia bị đóng cửa ở Athens, ngày 29/6/2015.

Bộ trưởng Tài chánh Hoa Kỳ Jack Lew hối thúc thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tìm kiếm một giải pháp lâu bền đối với vụ khủng hoảng tài chánh của Hy Lạp để tránh gây thiệt hại cho kinh tế toàn cầu. Theo tường thuật của thông tín viên Victor Beattie của đài VOA, các thị trường có phản ứng tiêu cực đối với việc các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa và tình trạng bế tắc trong cuộc đàm phán giữa Athens với Liên hiệp Châu Âu về vấn đề nợ nần.

Bộ trưởng Lew hôm chủ nhật nói với vị thủ tướng của Hy Lạp rằng việc tìm kiếm một giải pháp lâu bền để đưa Hy Lạp vào con đường tiến tới cải cách và phục hồi trong khuôn khổ của khối euro gồm 19 nước là phù hợp với lợi ích của Hy Lạp, Châu Âu và kinh tế toàn cầu. Ông kêu gọi Athens duy sự ổn định tài chánh và nói rằng điều quan trọng là các bên tiếp tục cố gắng để đạt được một giải pháp bao gồm cả cải cách lẫn khả năng giảm nợ, xoá nợ.

Một ngày trước đó, ông Lew đã có những cuộc nói chuyện riêng rẽ với bà Christine Lagarde, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế, và các vị bộ trưởng tài chánh của Pháp và Đức.

Hôm qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đã thảo luận với Thủ tướng Đức Angela Merkel về điều mà Tòa Bạch Ốc gọi là tầm quan trọng vô cùng lớn của việc Hy Lạp cải cách và tăng trưởng bên trong khối euro.

Ông Gary Hufbauer, một chuyên gia của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson ở Washington, nói rằng Hoa Kỳ rất lo ngại về những ảnh hưởng rộng lớn hơn của vụ khủng hoảng tài chánh Hy Lạp.

"Hoa Kỳ e rằng sự hỗn loạn ở Hy Lạp có thể có tính chất truyền nhiễm và sẽ tạo ra những sự nghi ngờ về Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Italy, và sẽ tạo ra những vấn đề khó khăn và sẽ gây bất hoà ở Châu Âu ảnh hưởng tới quyết tâm của Châu Âu đối với Nga về tình hình Ukraine."

Sau khi cuộc điều đình giữa chính phủ Hy Lạp với các chủ nợ quốc tế đổ vỡ hôm thứ bảy, Ngân hàng Trung ương Châu Âu hôm chủ nhật quyết định không triển hạn chương trình cho vay khẩn cấp, buộc Athens phải đóng cửa các ngân hàng của nước này cho tới ngày 6 tháng 7, đóng cửa thị trường chứng khoán trong ngày thứ hai, và hạn chế các khoản rút tiền của cá nhân ở mức 60 euro một ngày.

Đất nước Hy Lạp thức dậy sáng 29/6 với các ngân hàng bị đóng cửa và các máy rút tiền tự động trống rỗng
Đất nước Hy Lạp thức dậy sáng 29/6 với các ngân hàng bị đóng cửa và các máy rút tiền tự động trống rỗng

Thủ tướng Tsipras cho biết ông sẽ để cho dân chúng Hy Lạp quyết định trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5 tháng 7 về việc có chấp nhận đề nghị cứu nguy mới nhất hay không. Nếu đề nghị được chấp nhận Hy Lạp sẽ phải áp dụng thêm các biện pháp kiệm ước, có thể bao gồm việc tăng thuế và cắt giảm tiền hưu trí. Nhà lãnh đạo Hy Lạp hối thúc dân chúng bỏ phiếu chống đề nghị này.

Ông Garry Hufbauer cho biết Hy Lạp phải trả cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế gần 1,8 tỉ đô la trước thứ 3 và đó là lúc kế hoạch cứu nguy quốc tế hiện nay đáo hạn, và 8 tỉ đô la sẽ không còn được cung cấp cho Athens nữa.

Ông Patric Chovanec, một nhà phân tích của Công ty Quản lý Tài sản Silvercrest, cho rằng tuy Hy Lạp là nước có nền kinh tế tương đối nhỏ, việc Hy Lạp rời khỏi khu vực euro của có thể tạo ra một tiền lệ với những ảnh hưởng rất tai hại.

"Những vấn đề tồn tại ở Hy Lạp và những vấn đề tranh cãi giữa Hy Lạp và phần còn lại của Châu Âu, nhất là những nước chủ nợ ở Châu Âu, cũng tồn tại ở những nước khác: ở Tây Ban Nha, ở Bồ Đào Nha, và thậm chí ở Italy. Cho nên mối lo ngại ở đây là những gì xảy ra ở Hy Lạp sẽ tạo ra một tiền lệ: nếu là xoá nợ thì nó sẽ tạo ra một làn sóng của những sự đòi hỏi xoá nợ, hay là nó sẽ diễn ra dưới hình thức vỡ nợ hoặc thậm chí là ra khỏi khu vực euro. Do đó, bất kể những gì sẽ xảy ra ở Hy Lạp, mối lo ngại không chỉ hạn chế ở Hy Lạp mà còn là tiền lệ mà nó tạo ra cho những nền kinh tế khác ở Châu Âu đang gặp khó khăn.

Mặc dầu vậy, ông Hufbauer cho rằng nếu Hy Lạp rời khỏi khu vực euro thì điều đó sẽ tăng cường quyết tâm của những thành viên còn lại. Ông nêu ra 3 lý do để khiến Hy Lạp là một trường hợp độc đáo.

"Một là mức nợ của họ cao gấp mấy lần tổng sản phẩm quốc nội. Hai là họ không có khả năng để quản lý vụ khủng hoảng và thực hiện bất kỳ biện pháp cải cách nào. Và ba là họ đã bầu ra một chính phủ có thái độ ương ngạnh, có thể nói là thân Cộng Sản."

Ông Hufbauer cho rằng một khi rời khỏi khu vực euro, Hy Lạp sẽ quay lại sử dụng đồng drachma và nền kinh tế của họ sẽ tiếp tục co cụm.

Ngày hôm nay, giá trị chứng khoán toàn cầu, cùng với đồng euro và giá dầu lửa, đã bị sút giảm mạnh.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG