Đường dẫn truy cập

Mỹ là nước của di dân


Toà nhà Sở Di Trú Hoa Kỳ tại Phoenix, Arizona. Hình minh hoạ.
Toà nhà Sở Di Trú Hoa Kỳ tại Phoenix, Arizona. Hình minh hoạ.

Ai là vị tổng thống Mỹ trục xuất di dân bất hợp pháp nhiều nhất? Tổng thống Bill Clinton trục xuất nhiều hơn người tiền nhiệm, George W.H. Bush. Năm 2012, trong khi tranh cử lần thứ nhì, Tổng thống Barack Obama đã bị tố cáo với nhãn hiệu “Tổng Tư lệnh Trục Xuất” (Deporter-in-chief). Nhưng ông George W. Bush đã qua mặt ông Obama. Tổng thống Donald Trump có thể vượt qua thành tích của tất cả những người tiền nhiệm. Ông từng hứa trong nhiệm kỳ sắp tới sẽ trục xuất từ 15 đến 20 triệu di dân bất hợp pháp, theo Time.

Hàng triệu di dân không giấy tờ hợp pháp đang bị giam giữ ở Mỹ, ai cũng đồng ý nên trục xuất hết. Nhưng trục xuất hàng chục triệu người sẽ rất phức tạp, mất nhiều thời gian, và rất tốn tiền.

Phải tìm cho ra hàng trục triệu dân không giấy tờ chưa bị bắt. Phải xây dựng hàng trăm ngàn trại giam cho họ tạm trú. Phải huy động cảnh sát, quân đội. Nhưng không phải ai cũng đồng ý. Mỗi người nhận được lệnh trục xuất đều có quyền phản đối và kiện chính phủ Mỹ, theo đúng hiến pháp. Các vụ kiện này có thể kéo dài không biết bao nhiêu năm. Tòa án Di dân của Mỹ còn ứ đọng một số lượng lớn các ca di dân bất hợp pháp chưa được đem xử. Nếu tòa ra lệnh trục xuất, rồi làm sao gửi tất cả dân bất hợp pháp này về nước gốc của họ? Đa số từ Venezuela, Columbia hoặc Nicaragua, vân vân, đã lẻn vào Mexico để mượn đường qua Mỹ. Các quốc gia đó có chịu gánh lấy những đứa con lưu lạc này hay không?

Chi phí cho việc trục xuất hết di dân bất hợp pháp sẽ tốn đến $315 tỷ mỹ kim, theo báo mạng Newsweek ngày 29/11/ 2024. Đó là chưa kể những thiệt hại gây ra trong cả nền kinh tế Mỹ. Các nông trại không thể tìm được người làm chịu lãnh lương thấp như các di dân bất hợp pháp. Giá thực phẩm sẽ tăng lên. Nhiều công trường xây cất sẽ thiếu người làm việc. Sẽ khó tìm ra đủ số người làm lao công trong bệnh viện, săn sóc người già hay người bệnh tại nhà, đời sống hàng triệu dân Mỹ bị ảnh hưởng. Các quán ăn, ngay trong vùng Little Saigon ở California, sẽ khó kiếm người làm phụ bếp, rửa chén, bưng thức ăn hoặc quét dọn!

Nhiều người nói rằng di dân đã cướp việc làm của người Mỹ bản xứ vì họ chấp nhận lãnh lương thấp. Theo Andy J. Semotiuk, trên tạp chí Forbes ngày 29 tháng 11, 2024 thì nhiều cuộc nghiên cứu đã chứng tỏ ý kiến này không đúng. Giáo sư Paul Krugman, Đại học MIT, đã lý luận: Nếu di dân chiếm làm công việc của dân bản xứ thì trong mấy năm qua, khi số di dân lên cao, tỷ số người bản xứ thất nghiệp phải tăng lên. Nhưng điều này không xảy ra; tỷ số xuống thấp chưa từng thấy. Ngày 7 tháng 6, Tổng thống Joe Biden mới khoe rằng trong hơn ba năm nước Mỹ đã tạo thêm được 15.6 triệu công việc làm, thất nghiệp bằng hoặc xuống dưới 4 phần trăm trong 30 tháng liền, thời gian dài nhất trong nửa thế kỷ.

Ông Paul Krugman nhớ lại trước đây vài chục năm ông cũng nghĩ rằng các di dân đã tranh giành công việc của người lao động bản xứ. Bây giờ ông và nhiều nhà kinh tế khác công nhận rằng di dân thường tìm và nhận làm những việc mà dân bản xứ không làm. Trong thực tế, trong mấy năm gần đây, số di dân vào Mỹ lên cao nhưng đồng lương tối thiểu ở Mỹ cũng tăng lên. Lương bổng tăng đẩy lạm phát lên cao. Tuy nhiên, không thể nói di dân là nguyên nhân gây ra lạm phát; mà có thể nói ngược lại. Sau bệnh dịch Covid-19, nhiều người Mỹ ngần ngại không muốn đi làm vì lo nhiễm bệnh; các xí nghiệp phải tăng lương để thu hút nhân công, giá hàng hóa cũng lên theo. Chính nhờ nhiều di dân mới vào Mỹ, đi tìm việc làm và nhận đồng lương thấp cho nên lạm phát không lên cao quá và đã dần dần giảm xuống.

Di dân còn tạo được một ảnh hưởng tốt lâu dài trên quỹ hưu bổng xã hội (Social Security) và y tế của chính phủ Mỹ (Medicare). Hầu hết các di dân bất hợp pháp đều ở tuổi đang làm việc và sẽ còn làm việc nhiều năm nữa. Trong thời gian đó, mỗi lần lãnh lương họ đều phải “đóng thuế” cho các quỹ Social Security và Medicare, các chủ nhân tự động cắt tiền thuế gửi cho các quỹ trên. Nhưng họ thường không có nhu cầu, không rút ra đồng nào từ các quỹ xã hội của nước Mỹ. Không những thế, vì quy chế đi làm không hợp pháp, sau này họ cũng không thể thụ hưởng trên số tiền mà họ đã đóng góp.

Di dân, hợp pháp hay không, giúp kinh tế Mỹ đủ người làm việc; vì thế giúp cho lạm phát bớt lên mạnh và giữ mức lãi suất không cao.

Trước cơn bệnh dịch Covid, các nhà kinh tế làm việc cho quốc hội Mỹ tiên đoán trong năm 2024 có thể tạo thêm từ 60,000 đến 100,000 công việc làm mới mà không lo gây lạm phát vì số người tìm việc làm cũng vào khoảng đó, theo tin CNBC, ngày 17 tháng 6, 2024. Nếu số người không đủ so với số việc làm thì sẽ phải tăng lương cho công nhân, kéo vật giá tăng theo. Nhưng trong tháng Năm năm nay, số công việc làm mới tăng vọt lên tới 272,000 mà lạm phát không vọt lên quá cao; vì thị trường lao động đã được tiếp viện với các di dân mới từ biên giới phía Nam vào nước Mỹ. Nhờ thế, khi chủ tịch Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, Jerome Powell, tăng lãi suất để ngăn lạm phát, ông không bắt buộc phải đưa lên mức quá cao – lãi suất cao có thể khiến kinh tế giảm tốc độ phát triển.

Nước Mỹ do các di dân thành lập, và phát triển nhờ tiếp tục thu hút di dân mới. Từ nay đến cuối thế kỷ 21, dân số các nước tiến bộ ở châu Âu, dân số Nhật Bản và Trung Quốc đều di xuống. Chỉ có dân số Mỹ hy vọng sẽ còn giữ vững được, chính là nhờ hấp dẫn di dân mới.

Stuart Anderson, trên mạng Foster News, cho biết một nghiên cứu của cơ quan National Foundation for American Policy tìm ra rằng 55% các công ty mới lập (startup) ở Mỹ trị giá $1 tỷ đô la có ít nhất một di dân góp công thành lập. Trong số các doanh nghiệp loại này, California được 33 công ty đặt đại bản doanh, sau đến New York (8), Massachusetts (5), Illinois (2), Florida (1) and Washington state (1). Những di dân nổi tiếng đã vào nước Mỹ phải kể đến Albert Einstein, đến từ Thụy Sĩ, Áo, Hungary và Đức; Jerry Yang, đồng sáng lập Yahoo! gốc Đài Loan; Sergey Brin di cư từ Liên Xô cũ, cùng với Larry Page lập ra công ty Google. Phải kể thêm, bà Melania Trump, từ Slovenia, Nam Tư cũ, sang Mỹ làm người mẫu trước khi kết hôn với ông Donald Trump.

  • 16x9 Image

    Ngô Nhân Dụng

    Ngô Nhân Dụng là bút hiệu của Đỗ Quý Toàn khi phụ trách mục Bình Luận trên Nhật báo Người Việt, từ năm 1995 khi ông về định cư tại Quận Orange, California, cho tới Tháng Hai năm 2020. Trước đó ông dạy môn Tài chánh học (Finance) ở các Đại học McGill và UQAM tại Montréal, Canada là nơi gia đình ông tới tị nạn từ năm 1975. Năm 1989, trước khi bức Tường Berlin sụp đổ, ông xuất bản cuốn Đổi Mới Kinh Tế dưới bút hiệu Vương Hữu Bột, kể kinh nghiệm thay đổi cơ cấu nền kinh tế cộng sản ở các nước từ Hungary, Trung Quốc, tới Nga và các nước Đông Âu. Cuốn sách xuất bản gần đây nhất, ký tên Ngô Nhân Dụng, là Đứng Vững Ngàn Năm – Nhờ đâu nước Việt vẫn còn sau ngàn năm Bắc thuộc?

    Cuốn sách đầu tiên ký tên Đỗ Quý Toàn xuất bản ở California là Yêu Con Dạy Con Nên Người Việt, do nhà Văn Nghệ ấn hành, năm 1979. Ông cũng đã in nhiều tập thơ từ năm 1965 và tập tiểu luận Tìm Thơ Trong Tiếng Nói do Thanh Văn xuất bản năm 1992.

    Trong blog này Ngô Nhân Dụng sẽ viết tiếp những bài Bình Luận về các vấn đề thời sự thuộc các lãnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, dưới mắt nhìn của một người Việt sống xa quê hương.

    Đây là một blog cá nhân được đăng tải trên Đài VOA nhưng không nhất thiết tương đồng với quan điểm của đài và của chính phủ Hoa Kỳ.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG