NEW DELHI —
Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ đã gặp lãnh tụ đối lập Narendra Modi, chấm dứt hành động tẩy chay kéo dài một thập niên đối với nhân vật đang là ứng viên có triển vọng nhất để trở thành vị thủ tướng kế tiếp của Ấn Độ. Từ New Dehli, thông tín viên Anjana Pasricha tường thuật rằng lãnh tụ của phe Quốc gia Ấn Độ giáo đã bị bác đơn xin chiếu khán nhập cảnh Hoa Kỳ hồi năm 2005 vì vai trò của ông trong vụ bạo động giáo phái tại tiểu bang do ông lãnh đạo vào năm 2002.
Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ Nancy Powell và lãnh tụ đảng Bharatiya Janata (BJP), Narendra Modi, thân mật bắt tay nhau trước khi ngồi xuống đàm đạo hôm thứ Năm tại Gandhinagar, thủ phủ tiểu bang Gujarat, là tiểu bang đang do lãnh tụ đối lập Ấn Độ này lãnh đạo.
Giới phân tích chính trị nói rằng sở dĩ có cái bắt tay đó là bởi vì ông Modi có khả năng trở thành người lãnh đạo chính phủ kế tiếp của Ấn Độ. Ông là ứng viên thủ tướng của đảng đối lập BJP, trong khi các cuộc thăm dò cho thấy đảng này có khả năng đánh bật Đảng Quốc Đại ra khỏi vị thế cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào tháng 5 tới đây.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đã gạt lãnh tụ đảng BJP sang một bên vì những cáo buộc cho rằng ông đã không hành động đủ để ngăn chận những vụ bạo loạn lan tràn tại Gujarat hồi năm 2002, gây tử vong cho gần 1.000 người, đa số là tín đồ Hồi giáo.
Ông Modi bác bỏ những lời cáo buộc ấy. Tòa án Tối cao không tìm ra đủ chứng cớ để truy tố ông.
Trong bối cảnh uy tín của ông Modi nổi lên trên chính trường Ấn Độ trong năm qua, một số nước, kể cả Liên hiệp Âu Châu và Australia, đã hàn gắn các quan hệ với ông.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Hoa Kỳ, ông Lalit Mansingh, nói có phần chắc Hoa Kỳ cũng sẽ làm điều đó.
“Thật là hết sức bối rối cho người Mỹ nếu họ không công nhận một vị lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ. Chúng ta không nói tới chuyện liệu ông Modi có sẽ được bầu hay không, nhưng sự thể này sẽ dẫn tới một tình huống bất thường mà tôi tin người Mỹ muốn tránh xảy ra.”
Hoa Kỳ thu hồi chiếu khán nhập cảnh của ông Modi dựa trên một luật lệ của Mỹ nghiêm cấm một số giới chức nước ngoài nhập cảnh Hoa Kỳ, nếu họ bị quy trách về “những vụ vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo.”
Vấn đề hóc búa liên quan tới visa nhập cảnh của ông Modi dường như không được mang ra thảo luận, tuy nhiên giới phân tích chính trị nói cuộc gặp gỡ giữa ông và Đại sứ Mỹ là dấu hiệu cho thấy Washington sẵn sàng cấp visa cho ông Modi.
Đại sứ quán Hoa Kỳ không bình luận gì về việc này, mà chỉ mô tả cuộc gặp gỡ này nằm trong khuôn khổ chính sách của Hoa Kỳ là tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao của các chính đảng chủ yếu của Ấn Độ trước cuộc bầu cử sắp tới. Đại sứ quán Mỹ nói Đại sứ Nancy Powell tiếp tục nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác Mỹ-Ấn là một mối quan hệ quan trọng và có tính chiến lược.
Giới phân tích nói vụ Hoa Kỳ tẩy chay ông Modi trong thời gian dài có phần chắc sẽ không phương hại tới các quan hệ giữa hai nước, nếu đảng BJP lên nắm quyền.
Ông Lalit Mansingh chỉ ra rằng ông Modi có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của rất nhiều người xuất thân từ tiểu bang Gujarat và hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, và cộng đồng này muốn thấy một mối quan hệ vững chắc giữa hai nước.
“Trong tất cả các chính đảng, đảng BJP là đảng có một hệ thống khá mạnh ở nước ngoài, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi có một cộng đồng Gujarat đông đảo và năng động. Tôi đoán rằng đa số trong cộng đồng là những ủng hộ viên của đảng BJP, cho nên tôi tin rằng các quan hệ song phương sẽ không bị tác động.”
Trong suốt chiến dịch vận động bầu cử của ông, ông Modi đã thu hút những đám đông lớn. Ông đã tìm cách thể hiện hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên cường, có thể giúp đẩy mạnh nền kinh tế Ấn Độ, đồng thời có khả năng cai trị tốt một quốc gia đã quá chán ngán với những vụ tai tiếng tham nhũng đã phương hại tới uy tín của chính quyền do Đảng Quốc Đại lãnh đạo.
Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy Đại sứ Hoa Kỳ tại Ấn Độ Nancy Powell và lãnh tụ đảng Bharatiya Janata (BJP), Narendra Modi, thân mật bắt tay nhau trước khi ngồi xuống đàm đạo hôm thứ Năm tại Gandhinagar, thủ phủ tiểu bang Gujarat, là tiểu bang đang do lãnh tụ đối lập Ấn Độ này lãnh đạo.
Giới phân tích chính trị nói rằng sở dĩ có cái bắt tay đó là bởi vì ông Modi có khả năng trở thành người lãnh đạo chính phủ kế tiếp của Ấn Độ. Ông là ứng viên thủ tướng của đảng đối lập BJP, trong khi các cuộc thăm dò cho thấy đảng này có khả năng đánh bật Đảng Quốc Đại ra khỏi vị thế cầm quyền trong cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào tháng 5 tới đây.
Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đã gạt lãnh tụ đảng BJP sang một bên vì những cáo buộc cho rằng ông đã không hành động đủ để ngăn chận những vụ bạo loạn lan tràn tại Gujarat hồi năm 2002, gây tử vong cho gần 1.000 người, đa số là tín đồ Hồi giáo.
Ông Modi bác bỏ những lời cáo buộc ấy. Tòa án Tối cao không tìm ra đủ chứng cớ để truy tố ông.
Trong bối cảnh uy tín của ông Modi nổi lên trên chính trường Ấn Độ trong năm qua, một số nước, kể cả Liên hiệp Âu Châu và Australia, đã hàn gắn các quan hệ với ông.
Cựu Đại sứ Ấn Độ tại Hoa Kỳ, ông Lalit Mansingh, nói có phần chắc Hoa Kỳ cũng sẽ làm điều đó.
“Thật là hết sức bối rối cho người Mỹ nếu họ không công nhận một vị lãnh đạo được bầu lên một cách dân chủ. Chúng ta không nói tới chuyện liệu ông Modi có sẽ được bầu hay không, nhưng sự thể này sẽ dẫn tới một tình huống bất thường mà tôi tin người Mỹ muốn tránh xảy ra.”
Hoa Kỳ thu hồi chiếu khán nhập cảnh của ông Modi dựa trên một luật lệ của Mỹ nghiêm cấm một số giới chức nước ngoài nhập cảnh Hoa Kỳ, nếu họ bị quy trách về “những vụ vi phạm nghiêm trọng đối với quyền tự do tôn giáo.”
Vấn đề hóc búa liên quan tới visa nhập cảnh của ông Modi dường như không được mang ra thảo luận, tuy nhiên giới phân tích chính trị nói cuộc gặp gỡ giữa ông và Đại sứ Mỹ là dấu hiệu cho thấy Washington sẵn sàng cấp visa cho ông Modi.
Đại sứ quán Hoa Kỳ không bình luận gì về việc này, mà chỉ mô tả cuộc gặp gỡ này nằm trong khuôn khổ chính sách của Hoa Kỳ là tiếp xúc với các nhà lãnh đạo cấp cao của các chính đảng chủ yếu của Ấn Độ trước cuộc bầu cử sắp tới. Đại sứ quán Mỹ nói Đại sứ Nancy Powell tiếp tục nhấn mạnh rằng quan hệ đối tác Mỹ-Ấn là một mối quan hệ quan trọng và có tính chiến lược.
Giới phân tích nói vụ Hoa Kỳ tẩy chay ông Modi trong thời gian dài có phần chắc sẽ không phương hại tới các quan hệ giữa hai nước, nếu đảng BJP lên nắm quyền.
Ông Lalit Mansingh chỉ ra rằng ông Modi có được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của rất nhiều người xuất thân từ tiểu bang Gujarat và hiện đang sinh sống tại Hoa Kỳ, và cộng đồng này muốn thấy một mối quan hệ vững chắc giữa hai nước.
“Trong tất cả các chính đảng, đảng BJP là đảng có một hệ thống khá mạnh ở nước ngoài, đặc biệt tại Hoa Kỳ, nơi có một cộng đồng Gujarat đông đảo và năng động. Tôi đoán rằng đa số trong cộng đồng là những ủng hộ viên của đảng BJP, cho nên tôi tin rằng các quan hệ song phương sẽ không bị tác động.”
Trong suốt chiến dịch vận động bầu cử của ông, ông Modi đã thu hút những đám đông lớn. Ông đã tìm cách thể hiện hình ảnh của một nhà lãnh đạo kiên cường, có thể giúp đẩy mạnh nền kinh tế Ấn Độ, đồng thời có khả năng cai trị tốt một quốc gia đã quá chán ngán với những vụ tai tiếng tham nhũng đã phương hại tới uy tín của chính quyền do Đảng Quốc Đại lãnh đạo.