Đường dẫn truy cập

Mỹ: Sẽ có hậu quả cho việc TQ quân sự hóa Biển Đông


Tàu chiến và chiến đấu cơ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông, ngày 12 tháng 4, 2018.
Tàu chiến và chiến đấu cơ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc diễn tập ở Biển Đông, ngày 12 tháng 4, 2018.

Mỹ đã nêu quan ngại với Trung Quốc về hoạt động quân sự hóa mới nhất của nước này ở Biển Đông và sẽ có những hậu quả trong ngắn hạn và dài hạn, Tòa Bạch Ốc khẳng định ngày 3/5.

Đài CNBC của Mỹ hôm 2/5 đưa tin Trung Quốc đã gắn các phi đạn hành trình chống hạm và hệ thống phi đạn địa-đối-không trên ba tiền đồn ở Biển Đông. CNBC dẫn các nguồn tin biết trực tiếp về tình báo của Mỹ.

Khi được hỏi về bản tin, phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi đã biết rõ chuyện Trung Quốc đang quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi đã nêu quan ngại trực tiếp với phía Trung Quốc về vấn đề này và sẽ có những hậu quả ngắn hạn và dài hạn."

Bà Sanders không nói những hậu quả đó có thể là gì.

Một quan chức Mỹ, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết tình báo Mỹ đã nhìn thấy một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã chuyển một số hệ thống vũ khí đến quần đảo Trường Sa trong tháng qua, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

CNBC dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng theo đánh giá tình báo của Mỹ, các phi đạn vừa kể đã được chuyển đến các bãi Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa trong vòng 30 ngày qua.

Đây sẽ là những đợt triển khai phi đạn đầu tiên của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, nơi mà Việt Nam và các nước lân cận cũng có những tuyên bố chủ quyền chồng chéo.

Bộ quốc phòng Trung Quốc không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ ngoại giao Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và việc triển khai phòng thủ là cần thiết vì nhu cầu an ninh quốc gia và không nhắm vào bất kỳ nước nào.

"Những ai không có ý định gây hấn không cần phải lo lắng hay sợ hãi," phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói.

CNBC cho biết phi đạn hành trình chống hạm YJ-12B cho phép Trung Quốc tấn công tàu trong phạm vi 295 hải lý. Đài này cho biết các phi đạn tầm xa, địa đối không HQ-9B có thể nhắm mục tiêu vào các máy bay, máy bay không người lái và phi đạn hành trình trong phạm vi 160 hải lý.

Tháng trước, Đô đốc Philip Davidson, người được đề cử làm chỉ huy Bộ Tư lệnh Mỹ ở Thái Bình Dương, cho biết Trung Quốc có thể sử dụng "các căn cứ sắp hoạt động" ở Biển Đông để thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực và "sẽ dễ dàng áp đảo lực lượng quân sự của bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông."

XS
SM
MD
LG