Đường dẫn truy cập

Trung Quốc lắp đặt tên lửa hành trình ở Trường Sa


Tên lửa hành trình chống hạm YJ của Trung Quốc được trình diễn trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tên lửa hành trình chống hạm YJ của Trung Quốc được trình diễn trong dịp kỷ niệm 70 năm Chiến tranh Thế giới thứ II.

Trung Quốc vừa lắp đặt tên lửa hành trình chống hạm và hệ thống tên lửa đất đối không trên ba tiền đồn ở Biển Đông, kênh tin tức Mỹ CNBC dẫn các nguồn thạo tin từ tình báo Mỹ cho biết hôm 2/5.

Nếu được xác nhận, sự kiện này sẽ đánh dấu việc triển khai tên lửa lần đầu tiên của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, nơi Việt Nam và một số nước tuyên bố chủ quyền.

Trung Quốc không hề đề cập đến bất kỳ việc triển khai tên lửa nào, chỉ nói rằng các cơ sở quân sự của mình ở quần đảo Trường Sa đơn thuần là để phòng thủ, và nước này có thể làm bất cứ điều gì trên lãnh thổ của mình.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói nước này có chủ quyền không thể chối cãi trên quần đảo Trường Sa, và việc triển khai phòng thủ cần thiết phục vụ cho nhu cầu an ninh quốc gia và không nhắm vào bất kỳ quốc gia nào.

“Những ai không có ý hung hăng thì không cần phải lo lắng hay sợ hãi”, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh nói với các nhà báo tại Bắc Kinh.

Trung Quốc “hy vọng các bên liên quan nên có cái nhìn khách quan và bình tĩnh”, bà Hoa nói thêm.

CNBC trích dẫn các nguồn tin giấu tên nói rằng theo đánh giá tình báo của Hoa Kỳ, các tên lửa đã được chuyển đến Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn trong vòng 30 ngày qua.

Bộ Quốc phòng Mỹ, vốn phản đối việc Trung Quốc lắp đặt các cơ sở quân sự trên các tiền đồn đã xây dựng ở Biển Đông, đã từ chối bình luận với Reuters.

Một chuyên gia về Biển Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) ở Washington, ông Greg Poling, nói việc triển khai tên lửa trên các tiền đồn là sự kiện quan trọng.

“Đây sẽ là những tên lửa đầu tiên ở quần đảo Trường Sa, dù là loại đất đối không hay loại chống hạm”, Reuters dẫn lời ông Poling nói.

Chuyên gia của CSIS cho biết thêm rằng việc triển khai như thế này đã được tiên đoán trước, khi Trung Quốc xây dựng các nhà chứa tên lửa trên các bãi đá vào năm ngoái và triển khai các hệ thống tên lửa trên đảo Phú Lâm nằm xa hơn về phía bắc.​

Lính Trung Quốc tuần tra trên đảo Phú Lâm, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Lính Trung Quốc tuần tra trên đảo Phú Lâm, nơi Việt Nam tuyên bố chủ quyền.

Theo ông Poling, đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong hành trình Trung Quốc thống trị Biển Đông, một tuyến thương mại quan trọng toàn cầu.

“Trước đây, nếu anh là một trong những nước có tuyên bố chủ quyền, thì anh biết rằng Trung Quốc đang theo dõi mọi bước đi của anh. Còn bây giờ, anh biết là anh đang hoạt động trong phạm vi tên lửa của Trung Quốc. Đó là một mối đe dọa tiềm ẩn lớn”, ông Poling nói.

Bản tin của CNBC cho biết tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B cho phép Trung Quốc tấn công các tàu trong vòng 295 hải lý. Còn loại tên lửa tầm xa đất đối không HQ-9B có thể nhắm mục tiêu máy bay, máy bay không người lái và tên lửa hành trình trong phạm vi 160 hải lý.

Tháng trước, Đô đốc Hoa Kỳ Philip Davidson, người được đề cử đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, nói rằng cơ sở hoạt động sắp tới của Trung Quốc ở Biển Đông có vẻ đã hoàn chỉnh.

“Điều duy nhất còn thiếu là bố trí lực lượng”, ông nói. Khi yếu tố này đã được bổ sung, “Trung Quốc sẽ có thể mở rộng ảnh hưởng đến hàng ngàn dặm về phía nam và phô diễn sức mạnh sâu vào tới Châu Đại Dương”.

Đô đốc Davidson cho rằng Trung Quốc có thể sẽ dùng các căn cứ để thách thức sự hiện diện trong khu vực của Hoa Kỳ, và “dễ dàng áp đảo các lực lượng quân sự của bất kỳ quốc gia nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông”.

Ông nói thêm:

“Trung Quốc hiện có khả năng kiểm soát Biển Đông trong mọi tình huống xảy ra chiến tranh với Hoa Kỳ”.

XS
SM
MD
LG