Các giới chức Mỹ cho biết cả Washington lẫn Bắc Kinh đều muốn hoà bình và phát triển cho các nước Phi châu và đang hợp tác với nhau tại châu lục này. Phát biểu này đánh dấu một sự thay đổi trong cách nói của Mỹ, là nước từng chỉ trích là Trung Quốc chỉ muốn khai thác tài nguyên thiên nhiên của Phi châu.
Trong nhiều năm nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã ra sức tranh giành ảnh hưởng ở Phi châu. Và dựa trên các số liệu kinh tế, Trung Quốc đã giành được phần thắng, một phần là nhờ vào những dự án đầu tư trên khắp khu vực và kim ngạch thương mại lên tới 220 tỉ đô la hồi năm ngoái, cao hơn ba lần lượng mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Phi châu.
Tuy nhiên, trong lúc hai đại cường thế giới này tiếp tục tăng cường các hoạt động đầu tư và những nỗ lực ngoại giao, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Đông Á Thái Bình Dương, bà Susan Thornton, nói rằng đôi bên muốn sống chung hoà bình ở Phi châu.
Bà phát biểu như sau trong cuộc họp báo hồi tuần trước về chuyến viếng thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Mỹ hồi cuối tháng 9:
"Trước hết, có một việc hiển nhiên nhưng cần được nhắc lại là các quyền lợi của Hoa Kỳ và Trung Quốc ở Phi châu rất phù hợp với nhau. Cả hai nước chúng tôi đều muốn thấy phát triển kinh tế và ổn định chính trị và hoà bình ở châu lục này. Do đó chúng tôi hoan nghênh những sự đóng góp của Trung Quốc cho hoà bình và an ninh của Phi châu, chẳng hạn như bố trí binh sĩ gìn giữ hoà bình tại những khu vực ảnh hưởng bởi những vụ xung đột, và sự tham dự của Trung Quốc trong những nỗ lực như nỗ lực chống hải tặc ở vùng biển ngoài khơi vùng Sừng Phi châu".
Bà Thornton nói Hoa Kỳ cũng hoan nghênh những sự đóng góp của Trung Quốc trong lãnh vực nhân đạo, như những nỗ lực nhằm góp phần chận đứng đà lây lan của dịch Ebola ở Tây Phi, và những dự án cơ sở hạ tầng do Trung Quốc thực hiện mà bà nói là góp phần xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh.
Những phát biểu của bà Thornton không giống như những tuyên bố của Tổng thống Barack Obama, là người rõ ràng là muốn chỉ trích Trung Quốc khi ông nói với các nhà lãnh đạo Phi châu trong một chuyến công du hồi tháng 7 rằng “quan hệ kinh tế không thể chỉ đơn giản là xây dựng cơ sở hạ tàng của các nước bằng lao động nước ngoài hay khai thác tài nguyên thiên nhiên của Phi châu.”
Quan điểm cạnh tranh của ông Obama có lẽ cũng ảnh hưởng tới cái nhìn của các nước Phi châu đối với hai đối tác thương mại lớn nhất của châu lục. Nam Phi, một cách đặc biệt, dường như muốn phá vỡ sự cân bằng đó qua việc bày tỏ xu hướng ngả về phương đông. Xu hướng này có thể thấy được qua việc Nam Phi gia nhập khối kinh tế BRICS, gồm 5 nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Trong chuyến viếng thăm Trung Quốc hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Nam Phi Zacob Zuma rõ ràng là muốn chỉ trích Hoa Kỳ khi ông nói rằng “Trong tư cách là một đại cường thế giới, Trung Quốc đã trước sau như một chỉ dùng sức mạnh của mình để bảo vệ hoà bình và an ninh trên toàn thế giới, chứ không phải để xâm lăng.”
Trong cuộc tiếp xúc với báo chí Phi châu qua đường truyền internet, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Thornton, nói rằng không có vấn đề cạnh tranh và cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc đều muốn hợp tác ở Phi châu để phục vụ cho lợi ích chung.
Bà Thornton nói: "Chuyện này hoàn toàn không phải là một sự cạnh tranh giữa Mỹ với Trung Quốc để giành quyền khống chế hay ảnh hưởng. Chuyện này là để mang lại lợi ích cho khu vực đó và cho các nước đó, và để giúp họ ứng phó với những thách thức cấp bách nhất mà họ đang đối mặt với thời điểm này".
Một tình huống thoải mái như vậy chắc chắn là một việc gây phấn khởi cho tất cả mọi người, nhưng các nhà quan sát cho rằng những hình ảnh tươi sáng đó về sự hợp tác Mỹ-Trung ở Phi châu rõ ràng là không phù hợp với những lời lẽ mà các vị tổng thống đã đưa ra.