Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết đảm bảo rằng Bắc Triều Tiên chấm dứt chương trình hạt nhân của họ, nhưng các cuộc đàm phán cấp cao hôm nay cho thấy Bắc Kinh và Washington không đồng ý về cách đáp lại cuộc thử nghiệm hạt nhân mới đây của Bắc Triều Tiên, về các các biện pháp trừng phạt lẫn các dấu hiệu bất tán thành khác.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị họp hơn 5 tiếng đồng hồ ở thủ đô Trung Quốc – lâu hơn nhiều so với lịch trình đã định. Sau đó, giới chức của Trung Quốc nói rằng nước ông sẵn sàng ủng hộ một nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc chống lại chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng ông không thảo luận gì về biện pháp trừng phạt cụ thể nào và cho rằng không nên để mọi hành động quốc tế chống lại Bắc Triều Tiên khiêu khích thêm căng thẳng gia.
Ông Vương cho biết: "Chúng tôi cũng đồng ý là Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên hành động thêm và thông qua một nghị quyết mới. Trong trường hợp cần thiết, Trung Quốc sẵn sàng tiến hành một cuộc thảo luận toàn diện và cặn kẽ với Hoa Kỳ và tất cả các bên với tinh thần trách nhiệm. Đồng thời, chúng tôi phải nói rõ là nghị quyết mới không nhắm tới việc khích động căng thẳng và gây bất ổn ở bán đảo Triều Tiên, mà là nhắm tới mục tiêu mang vấn đề hạt nhân ở bán đảo này trở lại với con đường đúng đắn là con đường đối thoại".
Ngoại trưởng Kerry cho rằng cần phải có được đồng thuận về một nghị quyết mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc, nhưng chưa có được thỏa thuận về các tiêu chí của nghị quyết. Ông nói thêm rằng Trung Quốc có thể nắm giữ một vai trò quan trọng hơn trong việc kiềm chế Bắc Triều Tiên.
Ông Kerry nói: "Như tôi đã công khai nói tới trước đây - đây không phải là một điều bí mật, Hoa Kỳ mạnh mẽ tin tưởng là Trung Quốc có một khả năng đặc thù bởi vì vai trò đặc biệt của họ và những mối liên hệ của họ với Bắc Triều Tiên, một khả năng có thể giúp cho chúng tôi rất nhiều để giải quyết thách thức này".
Ông Kerry nói rằng những biện pháp chế tài Iran, một nước không có vũ khí hạt nhân, còn nhiều hơn những biện pháp chế tài Bắc Triều Tiên, là nước có vũ khí hạt nhân.
Ông Kerry và ông Vương Nghị cho biết họ cũng đã thảo luận về vấn đề tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, nhưng không đề cập gì tới những biện pháp nhằm giảm bớt những mối căng thẳng vì vấn đề này.
Trong chuyến viếng thăm một ngày đến Trung Quốc, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ cũng đã hội kiến Chủ tịch Tập Cận Bình và các giới chức khác trong chính phủ Trung Quốc.
Về vấn đề quan hệ của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên, các chuyên gia phân tích cho rằng Bắc Kinh đôi khi dường như ngần ngại áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt Bình Nhưỡng, vì các lợi ích đối kháng nhau của 2 nước.
Ông Scott Snyder, một chuyên gia nghiên cứu về Triều Tiên tại Hội đồng Đối ngoại, nói: “Đối với Trung Quốc, thách thức là quân bình nhu cầu trừng phạt Bắc Triều Tiên với các mối quan tâm của họ về sự ổn định ở Bắc Triều Tiên. Do đó, họ muốn thúc đẩy, nhưng lại không muốn đẩy quá mạnh. “
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Tony Blinken, người đã đến châu Á trước ông Kerry, đã thảo luận về tình hình Bắc Triều Tiên với các đối tác phía Nhật Bản và Nam Triều Tiên.
Ông Blinken nói họ đoàn kết chặt chẽ “trong việc cực lực lên án cuộc thử nghiệm này và trong quyết tâm áp đặt những cái giá mà Bắc Triều Tiên phải trả khi làm lơ trước các nghĩa vụ quốc tế.”
Về các vụ tranh chấp lãnh hải trong Biển Đông, căng thẳng khu vực đã bùng ra về những khẳng định chủ quyền chồng chéo giữa Trung Quốc và các nước láng giền châu Á Thái Bình Dương, kể cả Đài Loan, Việt Nam và Philippines.
Vụ mới nhất gây nghiêm trọng cho tranh chấp diễn ra khi Trung Quốc thử nghiệm một phi đạo trên một trong những hòn đảo nhân tạo ở biển – các công trình xây dựng mà các toán nhân viên Trung Quốc đã dựng lên bằng cách nạo vét đủ chất liệu chất lên những bãi đá để dựng thành các công trình vĩnh viễn.
Ông Kerry đáp máy bay đến Bắc Kinh hôm nay từ Cambodia, nơi ông đã mở các cuộc họp về các vấn đề nhân quyền và các khả năng thương mại song phương. Ông cũng đã đi thăm Lào hồi đầu tuần này.