Myanmar hôm 29/8 bác bỏ một báo cáo của các nhà điều tra Liên Hiệp Quốc và nói rằng cộng đồng quốc tế đã đưa ra “cáo buộc sai lầm”, theo Reuters.
Báo cáo của Liên Hiệp Quốc đánh dấu lần đầu tiên tổ chức này kêu gọi một cách rõ ràng phải truy tố các tướng lĩnh hàng đầu Myanmar về tội diệt chủng trong cuộc đàn áp dã man người Hồi giáo Rohingya vào năm ngoái.
“Lập trường của chúng tôi là rõ ràng, và tôi muốn khẳng định mạnh mẽ rằng chúng tôi không chấp nhận bất kỳ nghị quyết nào của Hội đồng Nhân quyền”, người phát ngôn của chính phủ Myanmar, Zaw Htay, nói trong một cuộc phỏng vấn được công bố trên truyền thông nhà nước.
Nhóm tìm hiểu thực tế về Myanmar được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thành lập vào tháng 3 năm ngoái, trong khi Myanmar vẫn không cho phép các điều tra viên của Liên Hiệp Quốc nhập cảnh vào nước này.
Phát ngôn viên Zaw Htay nói thêm: “Đó là lý do vì sao chúng tôi không đồng ý và chấp nhận bất kỳ nghị quyết nào do Hội đồng Nhân quyền đưa ra”.
Phát ngôn viên Myanmar nói rằng đất nước ông “không khoan nhượng bất kỳ vi phạm nhân quyền nào” và đã thành lập một ủy ban điều tra để phản hồi lại “những cáo buộc sai lầm” do Liên Hiệp Quốc và “các cộng đồng quốc tế khác” đưa ra.
Đầu năm nay, chính phủ Myanmar đã thành lập một hội đồng gồm hai thành viên Myanmar và hai thành viên quốc tế, đó là nhà ngoại giao Philippines Rosario Manalo và cựu đại sứ Nhật Bản tại Hoa Kỳ Kenzo Oshima, để điều tra về các vụ vi phạm nhân quyền.
Myanmar phủ nhận hầu hết các cáo buộc, nói rằng quân đội chỉ phản ứng lại mối đe dọa từ các phiến quân Rohingya, những người đã tấn công vào các đồn cảnh sát trên khắp bang miền tây Rakhine.
“Nếu có bất kỳ trường hợp nào vi phạm nhân quyền, chỉ cần cung cấp cho chúng tôi bằng chứng rõ ràng, ghi nhận ngày giờ để chúng tôi có thể có hành động pháp lý đối những người vi phạm”, Reuters dẫn lời phát ngôn viên Zaw Htay nói.
Bộ Ngoại giao Malaysia hôm 29/8 nói rằng trách nhiệm của Myanmar là hành động chống lại những người đổ lỗi cho tội ác diệt chủng ở bang Rakhine.
Nếu Myanmar chứng minh “không sẵn lòng hoặc không có khả năng bảo đảm công lý”, thì Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nên vào cuộc và thiết lập một cơ chế tư pháp quốc tế để xử lý những cá nhân chịu trách nhiệm về tội ác, Bộ này cho biết.
“Malaysia sẽ tiếp tục nói về cảnh ngộ của người Rohingyas. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục kêu gọi hỗ trợ quốc tế cho chính phủ Bangladesh, nơi gần một triệu người Rohingyas đang tị nạn”, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nói trong một tuyên bố.
Khoảng 700.000 người Rohingya đã phải trốn chạy sang nước láng giềng Bangladesh trong cuộc đàn áp quân sự ở bang miền tây Rakhine, theo các cơ quan của LHQ. Trước đó, gần 200.000 người Rohingya cũng đã sống trong các trại tị nạn ở Bangladesh nhiều năm qua.
Tại thủ đô Dhaka của Bangladesh, Bộ trưởng Ngoại giao Shahriar Alam đã nói với các nhà báo rằng Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một “báo cáo toàn diện, thực tế và quan trọng nhất kể từ vụ tấn công hồi tháng 8 năm ngoái”.
Ông Alam nói rằng Myanmar đương nhiên sẽ bác bỏ báo cáo, nhưng ông nói thêm rằng: “Điều đó không quan trọng. Thế giới biết mọi chuyện”.
Trong cùng ngày Liên Hiệp Quốc công bố báo cáo, Facebook đã đóng tài khoản của tướng Min Aung Hlaing và các quan chức quân đội hàng đầu khác, cáo buộc họ sử dụng mạng xã hội này để truyền bá “thù hận và thông tin sai lạc”.
Trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Tư, phát ngôn viên Zaw Htay nói rằng chính phủ không ra lệnh cấm, và đặt câu hỏi về hành động này. Ông nói việc này gây ra “chỉ trích và sợ hãi trong dân chúng”.
Chính phủ dân sự của Myanmar chia sẻ quyền lực với quân đội, vốn là lực lượng kiểm soát các cơ quan chủ chốt bao gồm vấn đề về nhà ở và nhập cư.