Đường dẫn truy cập

Mùa xuân Myanmar: Việt Nam từng thúc giục tướng lĩnh mở cửa


Cách đây hơn một thập niên, cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt còn tới Myanmar để tư vấn cho các lãnh đạo quân đội về cách mở cửa kinh tế và khéo quan hệ với phương tây.
Cách đây hơn một thập niên, cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt còn tới Myanmar để tư vấn cho các lãnh đạo quân đội về cách mở cửa kinh tế và khéo quan hệ với phương tây.

Cách đây hơn một thập niên, cố Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt còn tới Myanmar để tư vấn cho các lãnh đạo quân đội về cách mở cửa kinh tế và khéo quan hệ với phương tây.

Chẳng gì Hoa Kỳ cũng bỏ cấm vận với Việt Nam, một nước cựu thù và cộng sản độc đảng, từ năm 1994. Trong khi đó Washington chỉ bắt đầu nới lỏng cấm vận với Myanmar hồi năm 2012.

Ông Kiệt từng là nhà lãnh đạo cởi mở bậc nhất ở Việt Nam; tư duy của ông thoáng tới mức bị chính các lãnh đạo cộng sản kiểm duyệt. Đây là điều khiến những gì ông tư vấn cho giới lãnh đạo quân sự Myanmar rất hữu ích.

Kể từ sau chuyến thăm của ông Kiệt hồi năm 2010, Myanmar đã tổ chức cuộc bầu cử dân chủ và trả lại sự tự do cho người dân, điều mà có lẽ ông Kiệt lúc cuối đời có thể mong muốn cho Việt Nam và cũng là điều hiện chưa biết khi nào sẽ đến.

Myanmar trở thành tấm gương để Việt Nam noi theo trong gần một thập niên qua cho tới cuộc đảo chính hồi đầu tháng Hai.

Cuộc đảo chính là ngôn ngữ của phương tây; Việt Nam trong tư cách uỷ viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cùng Trung Quốc, Nga và Ấn Độ đã công khai phản đối coi đó là cuộc đảo chính. Vì lý do này Hà Nội đã bị coi là “tàn ác” vì đứng nhìn quân đội giết hại dân thường. Việt Nam thậm chí sẽ là chủ tịch Hội đồng Bảo an trong tháng Tư.

Chỉ trong vòng hai tháng qua, chính quyền quân đội ở Miến Điện đã xả súng không thương tiếc vào người dân phản đối đảo chính. Hơn 500 người, trong đó có cả trẻ em, đã bị bắn chết.

Mùa xuân 2021 đang làm người ta nhớ lại cuộc nổi dậy hồi mùa hè năm 1988 của người dân Myanmar. Khi đó chính quyền quân đội cũng thảm sát hàng ngàn người. Đó cũng là năm bà Aung San Suu Kyi, khi đó tình cờ đang từ Anh về thăm mẹ ốm ở Myanmar theo đài NPR của Hoa Kỳ, trở thành lãnh đạo đối lập.

Hình ảnh phát đi từ Myanmar cho thấy những hành động thú tính của binh lính với người biểu tình: từ kéo lê họ trên mặt đường, đấm đá và thậm chí bắn tỉa những ai dám xuống đường.

Nhiều người Myanmar đã nói với các hãng truyền thông lý do họ biểu tình. Có bà mẹ đã để lại đứa con một tuổi cho chồng và dặn ông tiếp tục cuộc sống mới nếu chẳng may bà bị bắt hay thậm chí bị bắn chết, theo BBC. Bà nói bà không muốn con bà lớn lên trong một đất nước bị quân đội cai quản. Bà cũng nói thế hệ của bà sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu đòi tự do và dân chủ thay vì đợi thế hệ con cái.

Các lãnh đạo biểu tình hiện đang có cuộc gây quỹ trên toàn cầu. Gần 90.000 người từ các quốc gia khác nhau đã đóng góp hơn chín triệu đô la trong hơn hai tuần qua. Tại Anh hiện cũng đang có phong trào vận động người Anh ký thỉnh nguyện thư đòi chính phủ thúc giục Liên Hiệp Quốc gửi lính gìn giữ hoà bình tới Myanmar. Chính quyền Anh sẽ phải có phản ứng nếu thỉnh nguyện thư có trên 10.000 chữ ký. Hiện hơn 4.500 người đã ký.

Cũng giống như Việt Nam, Myanmar đang muốn giảm sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Cả hai nước đều mua nhiều vũ khí của Nga; trên thực tế Myanmar đứng thứ hai trong số các nước Đông Nam Á về chi phí mua vũ khí của Nga trong năm 2019, chỉ sau Việt Nam. Nga và Việt Nam cũng nằm trong số chỉ có tám nước mới đây gửi đại diện tới tham gia lễ kỷ niệm ngày thành lập quân đội Myanmar.

Trong lúc có nhiều lời kêu gọi phương tây tăng cường trừng phạt Myanmar, một học giả Ấn Độ chỉ ra rằng nếu phương tây chơi được với các nước độc đảng và độc đoán như Việt Nam và Trung Quốc, nước thậm chí đang bị tố cáo diệt chủng ở Tân Cương, thì không có lý do gì họ không thể giữ chính sách đối thoại với Miến Điện. Ông Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu chiến lược của Trung tâm nghiên cứu chính sách tại New Delhi, cũng chỉ ra chuyện phương tây vẫn giữ quan hệ khá bình thường với Thái Lan dù trên thực tế các tướng lĩnh đang cầm quyền ở đó.

Cuộc trấn áp đòi hỏi tự do và dân chủ ở Myanmar hồi năm 1988 và hiện nay cho thấy con đường chông gai của tiến trình đòi thực quyền. Với tư duy và cách làm việc không giống ai của chính quyền cộng sản ở Việt Nam, cộng thêm với vị trí ở vùng trũng về tự do và dân chủ của thế giới, tự do và dân chủ có thể còn tiếp tục là giấc mơ của hơn một thế hệ nữa.

  • 16x9 Image

    Nguyễn Hùng

    Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG