Người ta nói rằng một cỗ xe muốn đi nhanh, thì phải có động cơ mạnh và có phanh ‘ăn’, thì ở trong trường hợp này của chúng ta, động cơ lại hướng vào một hướng khác và cái phanh thì nhiều khi là không ‘ănLê Đăng Doanh
Trong khi thị trường xuất hiện những mặt hàng tiền tỷ, thì tin cho hay, cũng có nhiều người dân phải chạy vạy để có một cái Tết no đủ. VOA Việt Ngữ đã hỏi chuyện chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, và trước hết ông nhận định về tình hình kinh tế Việt Nam trong năm Quý Tỵ vừa qua:
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Việt Nam năm Quý Tị đã vượt qua được đáy của đường cong của nền kinh tế, tức là năm 2013, đã tăng trưởng 5,42%, cao hơn năm 2012. Việt Nam cũng đã kiềm chế được lạm phát ở mức 6,02%, giữ được tỷ giá ổn định, tăng được xuất khẩu đến 15%, và tăng được dự trữ ngoại tệ lên khoảng 3 tháng nhập khẩu. Đấy là những thành tựu đáng ghi nhận.
Tuy vậy, nền kinh tế còn xa mới có thể nói là ‘lột xác’ bởi vì những mục tiêu về đổi mới mô hình tăng trưởng, về tái cấu trúc nền kinh tế trong đó có việc tái cấu trúc ngân hàng thương mại và giải quyết nợ xấu, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công và gần đây nhất là có nhiệm vụ là phải tái cấu trúc hệ thống ngân sách vì ngân sách năm 2013 gặp khó khăn khá là nghiêm trọng. Tất cả những việc ấy đang còn ở phía trước. Và năm Rắn sắp qua đi, nhưng chúng ta chưa làm được cái việc lột xác để có thể lớn mạnh lên.
VOA: ‘Kinh tế khó khăn’ dường như là câu cửa miệng của người dân khi năm cũ sắp qua đi. Theo quan sát của ông, người dân Việt Nam chuẩn bị đón Tết ra sao?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Người dân Việt Nam chuẩn bị đón Tết thì bao giờ cũng là hết sức sôi nổi và hào hứng. Người dân bây giờ đang đổ xô ra đường để đi mua sắm. Nhưng sức mua thì giảm sút rõ rệt. Có một sự tương phản rất rõ nét là các phố có hàng hóa bán hạ giá thì rất đông người còn các cửa hàng mà bán hàng cao cấp thì chỉ có người đến xem, chứ rất ít người mua.
Tuy vậy, cũng phải thấy rằng trong năm 2013, số ô tô bán được ở Việt Nam tăng lên so với lại 2012 và sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội Việt Nam cũng rõ nét hơn. Những người nghèo thì khó khăn trong việc sắm Tết, và điều đó thấy rất rõ. Bây giờ hoa đào, quất còn đứng đầy đường và tôi không chắc là đến 30 Tết người ta có thể mua hết.
Nhưng mà những người giàu thì sẵn sàng có thể bỏ ra hàng mấy chục triệu để mua một cây đào thế, để mua một cây mai, vân vân. Tất cả những cái đó nó tương phản một cách rất rõ rệt. Đấy là cái điều, theo tôi, rất đáng lo ngại.
VOA: Ông có đề cập tới chuyện Việt Nam cần phải cải cách thể chế trong năm Giáp Ngọ, vì sao lại như vậy, thưa ông?
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh: Nền kinh tế thị trường ở Việt Nam là do nhà nước Việt Nam xây dựng ra và nhà nước Việt Nam sẽ định hình nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa như thế nào?
Nghị quyết Đại hội đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 11 năm 2011 đã quyết định là phải đổi mới chính trị đi kèm theo đổi mới kinh tế, và đổi mới thể chế kinh tế thị trường như là một khâu đột phá bên cạnh khâu đột phá thứ hai là tạo ra một sự phát triển vượt bậc về kết cấu hạ tầng và đột phá thứ ba tức là có cải thiện rõ rệt về nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.
Vấn đề cải cách thể chế năm 2013 chưa làm được bao nhiêu. Vậy thì đến năm 2014 là rất cấp bách. Muốn cải cách được doanh nghiệp nhà nước thì phải cải cách bộ máy thể chế, phải thay đổi lại các luật lệ, và muốn để cho các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào khoa học công nghệ, thì cũng phải cải cách các động lực mà hiện nay dẫn doanh nghiệp Việt Nam vào đầu cơ đất, vào việc khai thác khoáng sản và vào việc tàn phá môi trường.
Tất cả những điều đó phải có sự thay đổi về mặt thể chế. Nếu không có thì động lực đúng đắn không phát huy được, mà chế tài cũng không có thể ngăn cản được những hành động làm sai. Vì vậy người ta nói rằng một cỗ xe muốn đi nhanh, thì phải có động cơ mạnh và có phanh ‘ăn’, thì ở trong trường hợp này của chúng ta, động cơ lại hướng vào một hướng khác và cái phanh thì nhiều khi là không ‘ăn’.