Đường dẫn truy cập

Nam Triều Tiên hoãn ký hiệp định quân sự với Nhật Bản


Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yutaka Yokoi mở họp báo sau khi việc ký kết hiệp định đình hoãn
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nhật Bản Yutaka Yokoi mở họp báo sau khi việc ký kết hiệp định đình hoãn
Nam Triều Tiên đã yêu cầu đình hoãn vào phút chót việc ký kết một hiệp định chưa từng có từ trước đến nay với Nhật Bản, cho phép chia sẻ các dữ liệu quân sự bí mật. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Steve Herman từ Seoul, nguyên do của việc trì hoãn là những vấn đề nhạy cảm về chính trị ở Nam Triều Tiên.

Hiệp định trao đổi tình báo quân sự sẽ là hiệp định đầu tiên giữa Seoul và Tokyo kể từ khi Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên.

Hai lân quốc lâu nay vẫn gườm nhau, cùng có những mối quan ngại quốc phòng về Bắc Triều Tiên và Trung Quốc.

Việc ký kết giữa ngoại trưởng Nhật Bản và đại sứ Nam Triều Tiên dự trù sẽ diễn ra tại Tokyo vào chiều hôm nay. Nhưng ngay trước khi hai bên đặt bút ký, có tin là Seoul đã yêu cầu hoãn lại để có thể giải thích hiệp định cho đảng cầm quyền và các thành viên đối lập tại Quốc Hội đang lo ngại.

Các chính trị gia phản đối điều mà họ gọi là sự thiếu minh bạch trong tuần này của chính phủ Nam Triều Tiên khi chấp thuận hiệp định, cũng như cảm nghĩ bài Nhật còn vương vất nhưng rất mạnh trong dân chúng.

Nhà khảo cứu kỳ cựu tại Viện Phân tích Quốc phòng Triều Tiên, ông Park Chang-kwoun nói trong khi Nam Triều Tiên và Nhật Bản có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ và liên hệ xã giao nồng ấm hơn trong tư cách là hai lân quốc theo thể chế dân chủ, thì ngược lại, mối quan hệ quân sự rất yếu.

Ông Park nói hiệp định mới sẽ tăng cường sự tin tưởng và giúp Seoul giải tỏa những mối quan ngại về Bình Nhưỡng bởi vì Nhật Bản và Nam Triều Tiên có thể chia sẻ thông tin tình báo về các chương trình của Bắc Triều Tiên trong việc theo đuổi bom hạt nhân và các loại vũ khí có sức tàn sát hàng loạt.

Nhưng ông Park cảnh báo rằng vì những căng thẳng lâu đời về lịch sử và lãnh thổ giữa Nam Triều Tiên và Nhật Bản, những mối quan ngại của nhân dân Nam Triều Tiên về sự hợp tác chặt chẽ hơn với Nhật Bản cần phải được giải tỏa.

Bán đảo Triều Tiên đã bị đặt dưới sự chiếm đóng tàn ác của Nhật Bản trong gần phân nửa thế kỷ thứ 20 và nhiều người ở Nam Triều Tiên vẫn còn những cảm nghĩ bài Nhật.

Các tổ chức dân sự Nam Triều Tiên và các nhà chính trị đối lập đã lên án hiệp định quân sự, và một số người cho rằng hiệp định này sẽ là một sự tha thứ trên thực tế cho những hành vi tàn ác của họ trong thời chiến.

Vào ngày hôm trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nam Triều Tiên Cho Byung-jae, đã tìm cách hạ giảm tầm quan trọng của Hiệp định Tổng thể về Thông tin Quân sự và An ninh.

Ông Cho nói có những dự đoán thiếu chính xác và những sự hiểu lầm về hiệp định, và ông lập luận rằng hiệp định này thực sự không tập trung vào việc chia sẻ bí mật quân sự. Ông giải thích rằng nó giống như một cái bát, và những gì sẽ được bỏ vào trong cái bát ấy là một vấn đề tách biệt hoàn toàn chưa được xác định.

Hình thức tránh né như thế của nhiều phát ngôn viên chính phủ gây bất mãn cho các phóng viên và làm nhiều chính trị gia nổi giận.

Chính phủ lâu nay vẫn im lặng về những chi tiết cụ thể của hiệp định. Tin tức của giới truyền thông nói hiệp định có nghĩa là Nam Triều Tiên và Nhật Bản có thể chia sẻ tình báo về Bắc Triều Tiên, và Seoul sẽ được tiếp cận các hình ảnh và dữ liệu thâu thập được từ các vệ tinh thám thính và các chuyến bay trinh sát của Nhật Bản.

Một phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản nói với đài VOA rằng Tokyo sẽ “theo đuổi thành quả cuối cùng” của một điều gì đó mà họ coi là có ý nghĩa chiến lược cho cả hai nước, cũng như cho Hoa Kỳ. Phát ngôn viên không muốn nêu danh tính này đã bầy tỏ sự thông cảm những vấn đề nhậy cảm chính trị trong nước mà chính phủ Nam Triều Tiên phải đương đầu khi chung quyết thỏa thuận, và nói rằng sự trì hoãn bất ngờ “không phải là ngày tận thế.”

Trong một dấu hiệu của các mối quan hệ 3 chiều chặt chẽ hơn, hải quân của Hoa Kỳ, Nam Triều Tiên và Nhật Bản đã tiến hành các cuộc thao diễn hải quân chung hồi tuần trước ngoài khơi bán đảo Triều Tiên. Và trong tuần tới Nam Triều Tiên sẽ tham gia một cuộc diễn tâp hàng hải ở Nhật Bản.

Hoa Kỳ vẫn duy trì nhiều căn cứ quân sự ở cả Nhật Bản lẫn Nam Triều Tiên.

Các giới chức ở Nam Triều Tiên nêu ra rằng Nam Triều Tiên đã sẵn có các hiệp định chia sẻ tình báo hay các biên bản ghi nhớ có liên quan với 24 nước khác, trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Ðức, Israel và Pakistan.

Hiệp định với Nhật Bản sẽ là một trong các hiệp định quan trọng nhất. Tuy nhiên, hiện thời hiệp định không thể được ký kết cho đến khi kết thúc cuộc thảo luận tại Quốc hội vào tuần tới.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG