Đường dẫn truy cập

Nạn thất nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn duy trì mức cao nhất Việt Nam


Người dân buôn bán gạo ở tỉnh Hậu Giang, Việt Nam, tháng 3/2016.
Người dân buôn bán gạo ở tỉnh Hậu Giang, Việt Nam, tháng 3/2016.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vốn được xem là nơi có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế, nhưng ít nhất từ đầu năm đến nay, nơi này luôn có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất Việt Nam, báo chí trong nước đưa tin.

Gần đây nhất, các trang tin của Tuổi Trẻ và Nhà Đầu Tư hôm 12/12 trích lời tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh nói trong hội nghị công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long 2023 rằng tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm của ĐBSCL “vẫn cao nhất nước”, vì thế thu nhập bình quân của ĐBSCL luôn thấp hơn bình quân cả nước.

Ông Tự Anh, thuộc Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam, là trưởng nhóm nghiên cứu soạn ra bản báo cáo được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hôm 12/12 ở thành phố Cần Thơ, Tuổi Trẻ, Nhà Đầu Tư và một số tờ báo trong nước cho biết.

Theo tìm hiểu của VOA, kể từ đầu năm nay, báo chí Việt Nam đã nhiều lần đưa tin, dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, nói rằng tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong đất nước luôn thuộc về ĐBSCL trong các quý.

Tỷ lệ này của vùng đạt mức 2,64% vào quý 1 năm nay, đồng nghĩa với gần 220.000 người thất nghiệp; sang quý 2, tỷ lệ này tăng lên thành 3,01%; và quý 3 là 2,87%.

Bản báo cáo về kinh tế ĐBSCL mới được công bố nêu ra thực tế rằng vùng này có lượng người lao động di dân đến các khu vực khác thuộc hàng cao của cả nước. Phần lớn người trong độ tuổi lao động từ 18-35 hiện nay của vùng đều tập trung tại các địa phương phát triển công nghiệp như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai..., theo bản báo cáo.

Tuy nhiên, tiến sĩ Tự Anh lưu ý rằng ngay cả khi có tình trạng di dân rồi, lực lượng lao động còn lại “vẫn thất nghiệp cao, vẫn thiếu việc làm” ở ĐBSCL và điều đó có nghĩa là “đang thiếu cơ hội nội sinh của nền kinh tế” ở khu vực này.

"Đây là điều đáng suy nghĩ đối với các nhà làm chính sách”, ông Tự Anh nhắc nhở.

Bản báo cáo cũng chỉ ra một nguyên nhân nữa khiến tình trạng thất nghiệp ở khu vực này luôn ở mức cao là tỷ lệ doanh nghiệp/nghìn dân của ĐBSCL “chỉ bằng 40% cả nước”.

Cũng tường thuật về bản báo cáo, báo Nhân Dân của Đảng Cộng sản Việt Nam viết rằng “vòng xoáy đi xuống” về nguồn nhân lực ở ĐBSCL “vẫn đang tiếp diễn”.

Tờ báo này trích nội dung bản báo cáo nêu ra thực trạng là “chất lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn”.

Đi vào cụ thể, báo cáo cho hay trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). “Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng”, báo cáo nhấn mạnh.

Theo bản báo cáo, hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của Việt Nam nhưng nay tỷ trọng này chỉ còn 12%. Điều này cho thấy ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ có nguy cơ “đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này ra bên lề hành trình phát triển của đất nước”, bản báo cáo phát đi tín hiệu cảnh báo.

Có 6 nhóm nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các thách thức hiện nay ở ĐBSCL, bản báo cáo đúc kết, đó là điều kiện tự nhiên; công nghệ; vốn nhân lực; kết cấu hạ tầng; môi trường đầu tư-kinh doanh; và cơ chế quản trị-hợp tác-liên kết vùng.

Bản báo cáo nhấn mạnh rằng nút thắt thể chế đang làm cản trở phát triển kinh tế vùng trong hiện tại và nếu không được điều chỉnh, cả trong dài hạn, vùng này sẽ khó phát triển nhanh và bền vững.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG