Một số nơi tập trung đông di dân gốc Việt và nhiều cơ sở thương mại của người Việt nhất nước Mỹ là ngay khu Little Saigon và xung quanh khu này ở miền Nam California, cách thành phố Los Angeles 55 km về phía nam.
Vivian Lê sống gần Little Saigon. Cô rời Việt Nam vào năm 2007 đến Mỹ du học và hiện là một kế toán. Lê nói cô có “cuộc sống tốt hơn” tại Mỹ, nhưng tin tức về các cuộc tấn công sắc tộc nhắm vào người Mỹ gốc Á khiến cô sợ hãi, dù thành phố Wesminter nơi toạ lạc Little Saigon từ đầu năm tới nay chỉ ghi nhận có một trường hợp tội phạm thù ghét chống người gốc Á. 47% dân số của thành phố này là người châu Á.
Hai tội thù ghét khác được báo cáo tại Westminster trong năm 2021 là nhắm vào người gốc Latin và gốc châu Phi. Dẫu vậy, cô Lê vẫn sợ.
“Tôi lo cho mẹ tôi, gia đình tôi và chính tôi nữa,” cô nói.
Khảo sát trên 16 thành phố Mỹ do Trung tâm Nghiên cứu tội Thù ghét và Chủ nghĩa Cực đoan tại Đại học California, San Bernardino, thực hiện cho thấy tội ác thù ghét được trình báo cảnh sát tăng 164%-từ 36 ca đến 95 ca- trong quý một năm nay so với cùng kỳ năm 2020. Những thành phố có nhiều ca nhất là New York và Los Angeles.
Một loạt bạo động gần đây chống người Mỹ gốc Á đã khiến Tổng thống Joe Biden ký ban hành Luật Tội Thù ghét vì COVID-19. Luật kêu gọi chỉ định một nhân vật tại Bộ Tư pháp có nhiệm vụ duyệt xét nhanh chóng các trường hợp tội ác thù ghét. Luật cũng cung cấp ngân khoản cho huấn luyện và giáo dục chống phân biệt chủng tộc.
“Tôi không nghĩ có gì mới lạ đối với kiểu chủ nghĩa phân biệt sắc tộc nhắm vào dân từ châu Á và các đảo Thái Bình Dương,” ông Tyler Diệp, cựu chính trị gia ở California và là di dân gốc Việt, nói.
Lý do gia tăng phân biệt chủng tộc
Ông Diệp nói sự khác biệt chính là ở chỗ truyền thông dòng chính và xã hội Mỹ rốt cuộc đã lên tiếng về việc này.
“Tôi nghĩ với sự tăng tiến về công nghệ và camera giám sát, chúng ta có thể thấy được nhiều hình ảnh và những vụ việc bi thảm xảy ra gần đây ở New York và San Francisco, nhưng không tràn lan,” ông Diệp nói.
“Chúng ta thấy một số vụ ở đây đó. Một số được tường trình rộng rãi. Một số diễn ra mà không ai biết cả.”
Một số vụ tấn công người Mỹ gốc Á được đưa lên truyền thông xã hội và trên truyền hình. Những hình này khuyến khích một số người Mỹ gốc Á báo cáo những gì đã nếm trải mà họ đã câm nín trong suốt nhiều năm.
“Khi tôi còn là một thiếu niên, gia đình tôi và tôi tại San Jose vào lúc đó là nạn nhân của một vụ xông vào nhà cướp của,” ông Thiện Hồ làm việc cho Văn phòng Chưởng lý Quận Sacramento ở Bắc California, nói. “Và cha mẹ tôi không muốn trình báo cảnh sát vì chúng tôi sợ bị trả thù do lo ngại về rào cản ngôn ngữ.”
Ông Hồ và cha mẹ ông đến Mỹ trong tư cách người tị nạn sau khi vượt biển trốn chạy chính quyền cộng sản Việt Nam vào năm 1976. Lúc đó ông Hồ mới 4 tuổi.
“Cha tôi lấy cắp quân phục của một cán bộ cộng sản và sơn đen cây súng đồ chơi của tôi. Với bộ quân phục đó và cây súng giả của tôi, ông vượt qua các chốt kiểm soát quân sự khác nhau trước khi chúng tôi ra đến biển,” ông Hồ nói.
Ông cho biết cảm giác mất niềm tin vào các chính phủ áp chế được duy trì trong nhiều cộng đồng gốc Á tại Mỹ, dẫn tới việc nhìn chung họ không tố giác tội phạm.
Tuy nhiên hiện nay, tỷ lệ người Mỹ gốc Á tố giác các vụ phân biệt sắc tộc ngày càng cao hơn. Kể từ tháng 3/2020, hơn 6.600 vụ phân biệt chủng tộc chống người gốc Á được báo cáo với trang mạng Stop AAPI Hate.
Phúc trình toàn quốc của tổ chức này trong tháng 5 báo cáo đa số những vụ kỳ thị chủng tộc, 65%, là sách nhiễu bằng lời nói. Kế tiếp là thái độ cố ý lảng tránh người Mỹ gốc Á, 18%. Tấn công thể chất chiếm hơn 12%. Những sự kiện khác được báo cáo lên Stop AAPI Hate bao gồm kỳ thị tại nơi làm việc và quấy nhiễu trên mạng.
Tổ chức này cho biết 65% các báo cáo nhận được từ phụ nữ. Gần 44% các vụ thù ghét là do người Mỹ gốc Hoa báo cáo. Các báo cáo khác là do các nhóm sắc dân bao gồm Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam.
“Chúng tôi không biết là có sự gia tăng hay không. Chúng tôi chỉ biết là rõ ràng có sâu rộng,” ông Russell Jeung, đồng sáng lập Stop AAPI Hate và là giáo sư nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học San Francisco bang California, nói.
Tội thù ghét và những vụ thù ghét
Dù các tổ chức dân quyền ghi nhận các báo cáo về những vụ thù ghét, nhưng không phải tất cả các trường hợp đều là tội ác thù ghét.
Một người lớn tiếng buông ra lời lẽ kỳ thị chủng tộc không được xem là một tội thù ghét.
“Có người tranh cãi rằng đó là một dạng phát biểu được bảo vệ; tuy nhiên không phải vì thế mà quý vị không tố giác,” ông Hồ nói.
Trình báo một vụ việc mang động cơ phân biệt chủng tộc, cho dù không phải là một tội ác thù ghét, là chuyện cần làm, ông Hồ nói. Nếu một người nói những lời thù ghét người châu Á sau đó đấm một người châu Á, các công tố viên sẽ xem xét lịch sử của thái độ mang động cơ phân biệt chủng tộc, cho dù vụ này là một tội ác hay là một tội thù ghét có động cơ phân biệt chủng tộc.
“Có thể đó là bất cứ chuyện gì từ những điều họ nói với những người khác,” bà Anne Marie Schubert, chưởng lý Quận Sacramento, nói. “Họ đưa lên mạng điều gì? Họ có làm gì trước đó hay không? Đó là những gì chúng tôi cũng muốn xem xét. Đó có phải là một thói quen lặp đi lặp lại hay không?”
Lịch sử tự lặp lại
Nhiều người Mỹ gốc Á đổ lỗi cho việc gia tăng những vụ phân biệt chủng tộc là do những ngôn từ chính trị của cựu Tổng thống Donald Trump, người gọi COVID-19 do virus corona gây ra là “virus Trung Quốc.” Virus này được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, miền trung Trung Quốc, vào cuối năm 2019.
“Nếu có một bầu không khí xã hội và chính trị, những tội thù ghét như vậy có thể xảy ra,” ông Lening Zhang giảng dạy về xã hội học và công lý hình sự tại Đại học St. Francis ở Pennsylvania, nói.
Ông Jeung thuộc tổ chức Stop AAPI Hate cho biết thêm, “Nỗi lo sợ về suy sụp kinh tế, giận giữ vì bị cách ly trong một năm, tất cả phẫn nộ và sợ hãi đang chỉa mũi dùi vào người gốc Á. Mọi người phải tìm một vật tế thần, và năm ngoái vật tế thần của chính quyền là người Trung Quốc.
Ông Jeung, thế hệ thứ 5 của người Mỹ gốc Á, nói lịch sử đang lặp lại. “Ông bà cố tôi trong thế kỷ thứ 19, bị đổ lỗi về bệnh sốt rét, tiêu chảy và phong cùi.”
Kể từ đó, nhiều người châu Á di cư đến Mỹ vì những lý do khác nhau từ người tị nạn Việt Nam, Campuchia thoát khỏi chiến tranh và diệt chủng, đến những người từ Trung Quốc và Đài Loan tìm đến Mỹ để ăn học cao hơn và ổn định đời sống.
Với đại dịch COVID-19, người Mỹ gốc Hoa không là mục tiêu duy nhất của những hành động kỳ thị chủng tộc, một phần vì nhiều người tại Mỹ xem người châu Á như một khối lớn.
“Cháu gái tôi 16 tuổi, mới đây đi xuống phố, một người đàn ông lái xe trờ tới hỏi “Cô thuộc sắc tộc nào?” Cháu tôi trả lời ‘Tôi là người Việt Nam’. Và khi cháu nói như vậy, người này nói với cháu tôi rằng ‘Tại cô và virus này, cuộc sống của con cái tôi bị huỷ hoại’,” ông Hồ kể lại.
Hai khuynh hướng xuất hiện
Các báo cáo gởi đến Stop AAPI Hate cho thấy những người Mỹ gốc Á có thu nhập thấp đặc biệt dễ là nạn nhân.
Những người Mỹ gốc Á có thu nhập thấp thường sống trong những khu tội phạm cao và do đó dễ là nạn nhân, đối mặt với các vụ tấn công nhiều hơn các nhóm cộng đồng khác,” ông Jeung nói.
Trong một cuộc nghiên cứu so sánh tội ác thù ghét chống lại các nhóm sắc tộc khác nhau, các nhà nghiên cứu phát hiện người Mỹ gốc Á có nguy cơ cao bị nhắm mục tiêu bởi những thủ phạm không phải người da trắng, khi so sánh với những nạn nhân gốc châu Mỹ Latin và người da đen.
Ông Zhang nói khoảng 25% tội ác thù ghét người Mỹ gốc Á là do những thủ phạm không phải da trắng gây nên.
Nhận thức về người khác
Mọi người dùng lăng kính sắc tộc để nhận xét chúng ta và giao tiếp với chúng ta,” ông Jeung nói.
Với các vụ mang động cơ kỳ thị chủng tộc trở thành đề tài trên báo chí trong năm nay, một số di dân châu Á đang xem xét nhận thức trong cộng đồng của họ, nơi lăng kính sắc tộc được dùng để nhìn những sắc dân khác.
“Tôi nghĩ dù gì đi nữa, luôn luôn có căng thẳng ngầm, rằng chúng ta không hiểu họ, chúng ta không thích họ lắm vì chúng ta không hiểu họ hay họ hơi khác với chúng ta,” ông Diệp nói.
“Chúng ta luôn có thể cải thiện, bảo đảm là chúng ta cũng nhìn vào bên trong và nhìn vào chúng ta để chúng ta khoan dung, chúng ta chấp nhận nhiều văn hóa khác nhau,” ông Hồ nói tiếp.
“Tôi nghĩ là cuối cùng chúng ta chia sẻ nhiều điểm chung hơn là chúng ta có những khác biệt.”
Người châu Á biểu tình tại Mỹ và những giải pháp
Nhiều người Mỹ gốc Á tìm thấy những điểm chung với phong trào ‘Sinh mạng Người da đen quan trọng.’
“Họ chứng tỏ sự chú ý của truyền thông xã hội đã thực sự giúp kết nối mọi người một cách chặt chẽ như thế nào, cho chúng ta thấy nên đứng lên làm sao và tập họp như thế nào,” ông Jeung nói.
Nhiều người Mỹ gốc Á nói luật mới về tội thù ghét là một khởi điểm tốt.
“Cội rễ của kỳ thị chủng tộc bao gồm thiên kiến lâu dài, tính bài ngoại lâu dài mà chúng ta không thuộc về, và do đó để thay đổi chúng ta phải giáo dục mọi người,” ông Jeung nói.
“Chúng ta phải thúc đẩy nghiên cứu về sắc tộc. Chúng ta muốn thay đổi cách nói trong truyền thông. Không phải tất cả đều là tội thù ghét, nhưng nhiều sự kỳ thị chúng ta đang đối mặt có thể được bảo vệ qua hành động dân sự.”
Tuy nhiên một số người tự hỏi liệu tranh đấu chống kỳ thị chủng tộc có hữu hiệu chăng.
“Tôi không biết có thể loại bỏ nạn kỳ thị chủng tộc hay không vì không một chính phủ nào có thể thực sự kiểm soát tư tưởng và lo âu của mọi người, do đó tôi nghĩ cách tốt nhất là đối phó vối việc này bằng cách lên án trong xã hội. Chúng ta phải hiểu rằng cách hành xử đó không nên được dung chấp--phải bị lên án công khai, để việc kỳ thị có thể được chế ngự,” ông Diệp nói.