Đường dẫn truy cập

Đọc ‘Tuyển Tập Chân Dung VHNT & Văn Hóa’ của Ngô Thế Vinh (1)


Hình bìa tác phẩm 'Tuyển Tập Chân Dung VHNT & Văn Hóa’ của Ngô Thế Vinh.
Hình bìa tác phẩm 'Tuyển Tập Chân Dung VHNT & Văn Hóa’ của Ngô Thế Vinh.

Phạm Phú Minh


Thời gian bắt đầu thế kỷ 21, tác giả Long Ân trong một bài nhận định về cuốn sách mới nhất của Ngô Thế Vinh hồi đó, đã viết:

“Ở cuốn sách mới nhất của anh Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông dậy sóng, người đọc đã thấy những hóa thân Ngô Thế Vinh biến thái liên tục theo từng trang mở rộng. Ngô Thế Vinh con người xanh của môi sinh, Ngô Thế Vinh con người chính trị nhân bản, Ngô Thế Vinh con người phiêu lưu trong khu rừng già địa lý chính trị, Ngô Thế Vinh con người tiên tri lịch sử...”

Đây là một nhận định rất tinh tế và chính xác về con người viết lách của bác sĩ Ngô Thế Vinh, cho đến thời điểm 2001. Ngày nay, 16 năm sau, chúng ta có thể thêm vào các dòng chữ trên: Ngô Thế Vinh con người của văn học nghệ thuật và tình cảm bạn hữu. Ít ra, đây sẽ là những đặc tính mà người đọc sẽ tìm thấy khi đọc cuốn sách mới nhất của anh: Tuyển Tập Chân Dung Văn Học Nghệ Thuật & Văn Hóa.

Cho đến năm 2001, nhà văn Long Ân đã nhìn thấy một Ngô Thế Vinh trên “tầm vóc vĩ mô” của những vấn đề lớn như địa lý chính trị, số phận của một dòng sông dài chảy qua nhiều nước, những vận động đa quốc gia để giữ gìn sinh thái cho cả một vùng Đông Nam Á v.v... với một hùng tâm hùng khí không bao giờ lùi bước và một tài năng sắc bén cùng một tấm lòng thiết tha không lay chuyển. Nhưng 16 năm sau, vào cuối năm 2017, với tác phẩm mới nhất của mình, có thể nói Ngô Thế Vinh đã lần đầu tiên đưa ngòi bút vào lãnh vực “vi mô” : chân dung văn học nghệ thuật và văn hóa của từng con người cụ thể với tất cả các nét tế vi của lãnh vực này.

Tác giả đã trình bày “chân dung” của 18 người, trong đó 16 vị thuộc lãnh vực Văn học Nghệ thuật: 1 Mặc Đỗ, 2 Như Phong, 3 Võ Phiến, 4 Linh Bảo, 5 Mai Thảo, 6 Dương Nghiễm Mậu, 7 Nhật Tiến, 8 Nguyễn Đình Toàn, 9 Thanh Tâm Tuyền, 10 Nguyễn-Xuân Hoàng, 11 Hoàng Ngọc Biên, 12 Đinh Cường, 13 Nghiêu Đề, 14 Nguyên Khai, 15 Cao Xuân Huy, 16 Phùng Nguyễn và hai vị thuộc dạng “Chân dung Văn hóa” là Phạm Biểu Tâm và Phạm Hoàng Hộ.

Dùng hai chữ Chân Dung để đặt tên cho loạt bài viết này của mình, Ngô Thế Vinh đã sáng tạo ra một cách viết mới cho một số nhân vật mà anh lựa chọn. Quyển sách này không thuộc loại phê bình văn học như Nhà Văn Hiện Đại của Vũ Ngọc Phan, hoặc Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh Hoài Chân, không, anh không đặt mục tiêu và trách nhiệm của mình rộng đến thế. Trước hết anh không phải là nhà phê bình văn học hay nghệ thuật, anh chỉ tạo nên những “chân dung”, theo cách của mình. Một trong những điều kiện đầu tiên để tác giả làm việc này là người được giới thiệu phải là người quen thân của anh, nói đơn giản là bạn anh. Và chúng ta cũng có thể hiểu bạn bè ở đây phần lớn bắt nguồn từ các sinh hoạt văn học nghệ thuật và văn hóa mà có. Tình bạn ấy không chỉ thuần túy là tình cảm thân thiết giữa hai cá nhân như thường tình, mà trong đó còn lẫn lộn các tác phẩm văn chương hay hội họa, phong cách sáng tác, ý hướng sáng tạo hay con đường hoạt động của mỗi người. Tình bạn ấy có lẫn sự ăn ý của đôi bên về một phạm vi cao hơn, xa hơn chỉ là một giao tiếp xã hội.

Với tiêu chuẩn đầu tiên như thế con số các nhân vật được đưa ra giới thiệu sẽ rất hạn chế, không thể đại diện cho một cộng đồng hay một thời đại, tuy thế, các chân dung được đưa ra cũng đủ lớn để phủ bóng một vùng khá rộng trong cái lãnh thổ văn hóa nghệ thuật mà tác giả đã lăn lộn trong ấy từ thời còn rất trẻ cho đến tuổi xưa nay hiếm, từ mảnh đất Việt ngàn xưa cho đến thế giới rộng lớn ngày nay.

Định xong đối tượng, phương pháp của tác giả sẽ như thế nào để họa cho được một chân dung? Thật ra thì chẳng có một phương pháp cố định nào, lối giới thiệu nhân vật của Ngô Thế Vinh có lẽ tùy thuộc vào cái tâm cảnh của mình đối với một người bạn nào đó. Nhưng có một nguyên tắc vững chắc mà tác giả đã luôn luôn giữ trong cách viết từ trước đến nay, là nghiên cứu rất kỹ những tác phẩm của người mình định giới thiệu, tìm kiếm thật đầy đủ những ý kiến khen chê của phía người thưởng ngoạn, và một điều dĩ nhiên phải có, là vận dụng rất nhiều những kỷ niệm, ký ức có ý nghĩa của riêng mình đối với người ấy. Tôi cho những giao tiếp riêng tư, mà tác giả dùng chữ “giao tình”, có vai trò quan trọng trong việc cấu tạo nên quyển sách này, đó là chất keo sơn rất bền chặt kết dính mọi nghiên cứu khách quan khác mà tác giả thực hiện một cách luôn luôn nghiêm túc.

Một mặt khác về tài liệu, phần hình ảnh đóng một vai trò rất quan trọng, mà tôi nghĩ nếu không có “giao tình” với người mình để tâm nghiên cứu thì cũng khó mà được đầy đủ như thế. Hình ảnh là một điểm son của cuốn sách này, đối với nhân vật nào Ngô Thế Vinh cũng đưa ra rất nhiều hình ảnh mà càng lâu về sau càng trở nên quý giá: hình ảnh các bìa sách, các họa phẩm, các thư từ trao đổi hầu hết là thủ bút, những buổi gặp gỡ giữa các bạn văn nghệ, hoặc các hình ảnh có ý nghĩa lịch sử sưu tập được. Qua các hình ảnh này, người đọc được xem những buổi họp mặt của giới văn nghệ, trong đó có những nhân vật lâu nay nghe tiếng mà chưa biết hình dung, và cũng qua đó biết được sự giao du và tình quý trọng của giới văn học nghệ thuật đối với nhau như thế nào. Đó là chưa kể phần hình ảnh có tính cách tài liệu, nhất là những gì còn tìm được sau trận hỏa thiêu sách vở mịt mù khói lửa tại miền Nam từ sau 1975. Khác xa với các sách biên khảo phê bình từ thời trước 1945, thậm chí trước 1975, quyển sách này chứa đầy hình ảnh phần lớn mang màu sắc nguyên thủy, đó là một ưu điểm đặc biệt của thời đại ngày nay nhưng không phải tác giả biên khảo nào cũng đạt được đến số lượng, phẩm chất của tài liệu hình ảnh mà Ngô Thế Vinh thực hiện được trong quyển sách này. Kho hình ảnh này dĩ nhiên mang giá trị rất lớn cho công việc nghiên cứu trong tương lai.


*


Dĩ nhiên khi trình bày “chân dung” của một người bạn, không ít thì nhiều đều có ẩn hiện chân dung của chính tác giả. Đó là điều không tránh được, và cũng không cần phải tránh. Nếu chúng ta cố tìm một nơi nào hình bóng tác giả in đậm nhất, linh động nhất và có thời gian lâu dài nhất thì đó là bài viết về Người Bạn Tấm Cám Nghiêu Đề. Viết về Nghiêu Đề, những dòng chữ của Ngô Thế Vinh giống như là hồi ký về một quãng đời của chính mình.

Bước vào năm đầu y khoa, thay vì như các bạn đồng khoá tập trung vào học tập, tôi đã không được gương mẫu như vậy, sớm say mê chuyện viết lách làm báo và cả rong chơi với giới nghệ sĩ nhóm bạn Nghiêu Đề. Rất khác nhau nhưng không hiểu sao tôi và Nghiêu Đề lại có thể thân nhau đến như vậy. Nghiêu Đề có nếp sống lang bạt, có nhiều bạn tấm cám từ thời còn rất trẻ, xóm Bùi Viện gần ngã tư quốc tế là khu giang hồ nơi chúng tôi thường lui tới lúc đó, họ tiềm ẩn tài năng nhưng còn như những “viên ngọc ẩn thạch”...

Ngô Thế Vinh viết về Nghiêu Đề với một văn phong khác lạ, dường như đang chạm vào một vùng êm ái và đáng yêu của đời mình, ở giai đoạn vừa xông vào đời với những mộng mơ, bên cạnh người bạn có cá tính khác mình nhưng như một bổ túc, bù đắp cho chính mình. Nói về tiểu thuyết Vòng Đai Xanh viết vào thời kỳ khai phá sung mãn ấy, Ngô Thế Vinh đã hé lộ cho chúng ta thấy vai trò của người bạn Nghiêu Đề đã được khẳng định rất sớm trong cuộc đời của tác giả, đến độ như “mình với ta tuy hai mà một”:

Triết nhân vật chính trong tiểu thuyết Vòng Đai Xanh, một hình tượng văn học, nguyên gốc hoạ sĩ sau trở thành phóng viên chiến trường có bóng dáng Nghiêu Đề trộn lẫn với cái tôi của tác giả.

Nghiêu Đề, một người bạn thân thiết xuất hiện khá sớm trong đời Ngô Thế Vinh tại cái xóm báo chí Phạm Ngũ Lão Sài Gòn năm xưa, cho đến những ngày cuối cùng của “người bạn tấm cám” này tại vùng Nam California trên đất Mỹ, tình bạn của họ không suy suyển trải qua quá nhiều biến cố đổi thay của đất nước và của thời đại. Bài viết về Nghiêu Đề đúng là một bức chân dung thật sự về cá tính, tài năng và cuộc đời của một họa sĩ đầy phiêu lãng, chính là một tài liệu quý hiếm về nhân vật này, mà tôi nghĩ, ngoài Ngô Thế Vinh sẽ không một người nào có thể thực hiện được đầy đủ và sâu sắc như thế. Không phải là bạn thiết từ thời trẻ tuổi, thấu hiểu nhau qua từng giai đoạn của đời sống thì tác giả không thể đặt những nhát cọ cuối cùng cho bức chân dung như một kết luận về tính cách của Nghiêu Đề như thế này:

Không tự ràng buộc vào những quy ước thông tục của đời sống, dễ nhìn Nghiêu Đề như một người phóng giật hay buông thả bất cần đời, anh hoà nhập với mọi người nhưng lại hàm chứa vẻ cao ngạo với chính anh chứ không với ai khác. Là người bạn đôn hậu, không hề cay độc nhưng lại rất cynical, Nghiêu Đề vẫn hồn nhiên gọi chó là đồng loại. Nói như Oscar Wilde: “Anh là mẫu người biết giá của mọi thứ, nhưng không có gì giá trị đối với anh / A man who knows the price of everything and the value of nothing”.


*


Một tình bạn khác cũng rất đặc biệt, vì với một người khác phái và hơn một thập niên cách biệt về tuổi tác, mà chúng ta thường gọi là bạn vong niên : nhà văn Linh Bảo.

Tôi thấy, một cách khách quan, viết giới thiệu Linh Bảo là một việc cần thiết, vì sự xuất hiện của bà trên văn đàn Việt Nam tương đối ngắn ngủi và tác phẩm không nhiều, nhưng đó là cái ngắn ngủi của một ngôi sao băng xẹt ngang bầu trời. Tác phẩm Tàu Ngựa Cũ của bà được trao Giải thưởng Văn Chương Toàn Quốc năm 1961.

Ngô Thế Vinh đã sưu tầm được những lời đánh giá “có tầm lịch sử” về tài văn chương của Linh Bảo mà anh gọi là “Rất tình cờ từ ba địa phương, cả ba tác giả Bắc Nam Trung đều có chung một nhận định: Linh Bảo là một cây bút có văn tài. Linh Bảo viết không nhiều, nhưng tác phẩm nào cũng đặc sắc”.

Ba tác giả Bắc Nam Trung ấy là Nhất Linh, Bình Nguyên Lộc và Võ Phiến với lời lẽ của họ trích từ bài viết của Ngô Thế Vinh :

Chính Nhất Linh là người khuyến khích và hướng dẫn Linh Bảo vào con đường viết văn. Trích đoạn bức thư của Nhất Linh viết từ Sài Gòn ngày 29 tháng 5 năm 1953 gửi Linh Bảo khi ấy vẫn còn ở Hương Cảng với tên Lại Cẩm Hoa :


Kính gửi chị Hoa,


Tôi đã nhận được cuốn Gió Bấc và đã đọc hết. Khá lắm và hay hơn lần viết đầu. Xin gửi lời khen chị. Các nhân vật quốc nội và hải ngoại cũng rõ ràng linh hoạt hơn, đoạn kết cũng rất khéo và vừa vặn.

(...)

Chị đã có cốt cách nhà văn, cứ thế mà tiến, yên tâm mà tiến, còn nhiều rực rỡ về sau đợi chị. (...)

Nhất Linh


Còn Bình Nguyên Lộc nhà văn đất Nam Kỳ thì bộc lộ các nhận xét rất độc đáo của mình về văn chương Linh Bảo qua bức thư sau:


Sài Gòn 21/9/1958

Chị Linh Bảo,

Hôm nọ tôi có đến thăm chị nhưng chị đi vắng...

Một điều sau đây tôi được biết, nói ra sợ chị không tin nhưng không thể không nói được: là rất nhiều bạn văn, bên phe không cọng, nói với tôi rằng các tiểu thuyết đăng ở Văn Hoá Ngày Nay chỉ có tiểu thuyết của Linh Bảo là hay. Họ không nói là hay hơn hết mà chỉ nói là hay thôi. Thế nghĩa là còn hơn là hay hơn hết nữa kia.

Riêng tôi, tôi thấy chị hay hơn Gió Bấc nhiều lắm [Bình Nguyên Lộc muốn nói tới tiểu thuyết Những Đêm Mưa, đang đăng định kỳ trên Văn Hoá Ngày Nay, ghi chú của người viết] và giọng văn của chị đã rõ nét ra, một giọng văn mà ba mươi năm nữa chưa chắc đã có người làm theo được...

Tôi ngạc nhiên lắm. Bề ngoài chị rất là đờn bà, nhưng sao văn chị như văn đờn ông thế. Đọc xong bốn kỳ Những Đêm Mưa, tôi ngán sợ chị ghê lắm, sợ cái tài quan sát nội tâm và ngoại cuộc của chị rất là bất ngờ, mà nhất là sợ cái cười bình thản của chị vô cùng. Sợ đây không phải là phục.

Đành là phục rồi, khỏi phải nói, mà sợ bị chị quan sát và cười, mặc dầu chỉ cười thầm thôi...

Bình Nguyên Lộc

Và sau cùng là nhận xét của Võ Phiến, cây bút miền Trung, trên tạp chí Bách Khoa [số 161, năm 1962]:

"Trong số những người đàn bà viết văn ở ta hiện nay, có lẽ Linh Bảo có tài nhất: có tài quan sát, lại có tài diễn tả một cách thông minh những điều mình quan sát. Quan sát và phân tích tâm lý, Linh Bảo đã trình bầy được mỗi nhân vật với một hình dạng, một cá tính rõ ràng, một lối sinh sống và ăn nói riêng biệt... Linh Bảo thường hay tìm ra cơ hội để làm người đọc mỉm cười, dù là trong những trường hợp buồn thảm: nhà ngập lụt, vợ chồng giận nhau. Giữ được nét mặt tươi tắn cả trong khi buồn, đó là một lối làm đẹp rất khéo của đàn bà, nhất là đàn bà 'lịch sự': vì vậy mà cái cười do Linh Bảo gợi lên lắm lúc có chua chát, người đọc vẫn dễ có cảm tình với giọng văn của tác giả."

Như vậy, Linh Bảo dù viết ít và trong một thời gian không dài, nhưng tài năng của mình đã được xác nhận bởi ba vị mà vai vế và uy tín của họ trên nền văn học Việt Nam cận và hiện đại đã là những bảo chứng rất chắc chắn. Và điều quan trọng là đã có người sưu tầm và đề cập đến trong một bài viết rất đầy đủ về phương diện tư liệu lẫn hiểu biết cá nhân.

Riêng cá nhân người viết bài này cũng được quen biết với nhà văn Linh Bảo qua sự giới thiệu của anh Ngô Thế Vinh. Năm 2002 tôi làm chủ bút tạp chí Thế Kỷ 21 ở miền Nam California, quyết định tháng Bảy năm ấy sẽ làm một số đặc biệt về Nhất Linh, và kêu gọi văn hữu khắp nơi đóng góp bài vở về chủ đề này. Một hôm anh Ngô Thế Vinh gọi cho tôi, cho số điện thoại của chị Linh Bảo và gợi ý tôi nên liên lạc xin chị viết cho một bài về Nhất Linh. Tôi làm theo và quả nhiên được chị Linh Bảo nhận lời. Bài của chị được đăng trên báo Thế Kỷ 21 số 159 đặc biệt về Nhất Linh và sau đó hai năm in trong cuốn sách Nhất Linh Người Nghệ Sĩ Người Chiến Sĩ do Thế Kỷ xuất bản.

Sau đây là một số trích đoạn của bài viết có liên quan đến chỗ khởi đầu văn nghiệp của nhà văn Linh Bảo, cũng là chút kỷ niệm giữa chị Linh Bảo, anh Ngô Thế Vinh và người viết bài này, xin phép gửi ké vào đây :


BÀI HỌC “NHIỆT THÀNH”

LINH BẢO


Kính gửi anh Minh,

Trong lúc tôi đang “vui thú điền viên” nghĩa là tưới cây cỏ ở vườn sau thì nhận được điện thoại của anh. Mở đầu anh nói ngay là do anh Ngô Thế Vinh giới thiệu. Anh Vinh là người bạn từ 40 năm trước. Với thân tình ấy, nghe anh bảo viết một bài cho số Thế Kỷ 21 đặc san về Nhất Linh, làm tôi không biết “ca bài con cá” ra sao.

Thú thực tôi sống ở nước ngoài nhiều hơn ở trong nước nên kỷ niệm với tiền bối Nhất Linh rất ít. Nếu nói thế để từ chối thì anh sẽ trách tôi tránh né và anh Vinh cũng sẽ không vui.

Sau khi nghĩ kỹ, tôi viết thư này cho anh cố tìm kiếm soi mói ký ức xem có gì liên hệ đến anh Nhất Linh kể hết cho anh biết, rồi tùy anh muốn bắt muốn tha sao cũng được.

(...)

Qua một bà bạn Việt Nam, tôi được quen anh Trương Bảo Sơn và chị Nguyễn Thị Vinh. Anh chị rất thương mến tôi coi tôi như em gái, săn sóc đủ mọi thứ. Nhờ thân tình ấy tôi đưa cho chị Vinh xem tập nhật ký của tôi viết, kể lại cuộc sống của sinh viên Việt Nam tại Trung Sơn Đại Học ở Quảng Châu.

(...)

Tập nhật ký nhỏ ấy tôi gọi là Gió Bắc, vì tôi bị suyễn nặng từ bé, và mỗi khi gió Bắc thổi thì cơn hen suyễn lại nổi lên thảm khốc.

Chị Vinh đọc xong Gió Bắc cho là thú vị nên cho anh Nhất Linh đọc. Nhất Linh bảo tôi viết lại thành truyện ở ngôi thứ ba đừng giữ lối viết Nhật ký. Vì thời ấy độc giả chưa quen nghe “cái tôi” bất cứ tác giả nào. Anh Nhất Linh cũng đề nghị đổi tên Gió Bấc hay hơn chữ Gió Bắc tôi đã dùng.

Tôi làm theo lời anh và Gió Bấc, cuốn truyện đầu tay của Linh Bảo ra đời.

(...)

Việc Gió Bấc đầu tay được Nhất Linh xuất bản là một bất ngờ cho tôi. Chủ tâm tôi chỉ ghi lại như một nhật ký chứ không nghĩ xa hơn. Nếu không có một Nguyễn Thị Vinh hào phóng, khuyến khích, nâng đỡ giới thiệu bước đầu thì chắc không có Linh Bảo.

(...)

Tôi còn nhớ lần đầu tiên được ngồi ăn phở với anh chị Sơn Vinh và anh Nhất Linh, tôi có một cảm khái đặc biệt. Ngày xửa ngày xưa, lúc còn bé con ở nhà đọc Phong Hóa, Ngày Nay, đọc các sách của anh Nhất Linh, xem anh như một bậc thầy rất xa vời... Thế mà không ngờ trong đời có lúc được cùng ngồi ăn chung một bàn... Nhìn tay anh cầm đũa run run, tôi ngờ rằng sức khỏe của anh đã bắt đầu suy kém.

Tôi có thể quên và được quyền quên tất cả mọi kỷ niệm, ký ức... tất cả mọi vui buồn trong đời. Nhưng không bao giờ quên được lời khuyên rất quan trọng của anh.

- Phải nhiệt thành trong tất cả mọi trường hợp. Bất cứ làm gì cho mình hay cho người, bao giờ cũng đầy nhiệt thành. Làm việc với nhiệt thành không bao giờ nản, đối thoại với nhiệt thành không bao giờ chán, sống với nhiệt thành thì thời gian không bao giờ trôi qua một cách nặng nề.

Lúc ấy tôi đã hỏi lại anh:

- Nhưng nếu lỡ có sự việc gì mà mình không cảm thấy “nhiệt thành” được thì sao?

Anh trả lời không ngần ngại:

- Thì de ra, cũng một cách nhiệt thành chứ sao!

À ra thế.

Anh Minh, tôi không biết gì quan trọng về anh Nhất Linh, ngoài bài học “Nhiệt thành” anh đã trao truyền lại, và tôi đã cố gắng giữ gìn đừng đánh mất.

Tôi kèm theo phóng ảnh ba bức thư của anh Nhất Linh. Tất cả thư từ anh đều viết tay và hơi khó đọc. Trong một thư đề tên Hoa, đó là một trong những tên “vượt biên” trước khi thành ra Linh Bảo.

5-13-2002


(Còn tiếp một kỳ)

XS
SM
MD
LG