Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói rằng bạo lực ở bang Rakhine của Myanmar nhắm vào người Hồi giáo Rohingya hội đủ điều kiện để được xem là thanh lọc sắc tộc.
"Sau khi phân tích cẩn thận và thấu đáo các dữ kiện sẵn có, rõ ràng tình hình ở miền bắc bang Rakhine cấu thành sự thanh lọc sắc tộc nhắm vào người Rohingya," ông Tillerson nói trong một tuyên bố bằng văn bản hôm thứ Tư.
Các quan chức Mỹ vẫn đang điều tra nguyên nhân của những vụ tấn công giết chết hàng trăm người Rohingya và buộc hơn 600.000 người vượt biên giới vào các trại tản cư ở Bangladesh.
Loan báo hôm thứ Tư đánh dấu lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Mỹ định danh tình trạng bạo lực này là thanh lọc sắc tộc. Các quan chức cung cấp thông tin cho báo giới gọi sự định danh này một thuật ngữ có tính mô tả.
"Thuật ngữ này cho thấy tính khẩn thiết. Nó không đòi hỏi nghĩa vụ mới nào, nhưng nó nhấn mạnh mối quan ngại của chúng tôi về tình hình và tầm quan trọng của việc khắc phục, và để đảo ngược việc thanh lọc sắc tộc và bảo đảm người dân có thể tự nguyện trở về nhà và sống có phẩm giá," một quan chức cao cấp nói.
Sự định danh này cũng gia tăng áp lực lên quân đội Myanmar.
"Không có sự khiêu khích nào có thể biện minh cho những hành động tàn bạo kinh hoàng tiếp nối sau đó. Một số người trong quân đội Miến Điện, lực lượng an ninh và những người cảnh giới địa phương đã gây nên đau khổ hết sức to lớn và buộc hàng trăm ngàn người đàn ông, phụ nữ và trẻ em phải rời bỏ nhà của họ ở Miến Điện để tìm kiếm nơi ẩn náu ở Bangladesh," ông Tillerson nói.
Ngoại trưởng Mỹ lưu ý trong tuyên bố bằng văn bản rằng Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với Liên Hiệp Quốc để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng ở Myanmar và "cũng sẽ truy cứu trách nhiệm thông qua luật pháp Hoa Kỳ, bao gồm các biện pháp trừng phạt có mục tiêu khả dĩ."
Quân đội Myanmar đã nhiều lần bác bỏ những tuyên bố nói rằng những hành động tàn bạo, bao gồm những vụ hãm hiếp và những vụ giết người ngoài vòng pháp luật, xảy ra ở miền bắc Rakhine, tâm điểm của tình trạng bạo lực mà Liên Hiệp Quốc đã xác định là "thanh lọc sắc tộc đúng nghĩa."
Chính phủ Myanmar không công nhận người Rohingya và gọi họ là "người Bengal," ngụ ý gốc gác của họ là ở Bangladesh. Nhưng các quan chức Bangladesh nói rằng người Rohingya là "công dân Myanmar" và rằng gọi họ là người Bangladesh là sai lầm.
Hơn 600.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi bang Rakhine của Myanmar kể từ ngày 25 tháng 8, sau khi những phần tử nổi dậy tấn công lực lượng an ninh và khơi mào một cuộc đàn áp quân sự tàn bạo.