Tân Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn vừa có cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Trung Quốc, Uỷ viên Quốc vụ kiêm Ngoại trưởng Vương Nghị, trong đó hai bên khẳng định duy trì quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện đồng thời trao đổi “thẳng thắn” về các vấn đề trên biển.
Trong cuộc thảo luận qua điện thoại hôm 16/4 được truyền thông trong nước ghi nhận, ông Sơn, người mới lên thay ông Phạm Bình Minh trên cương vị bộ trưởng Ngoại giao, đã giới thiệu đường lối đối ngoại của Việt Nam được Đại hội Đảng 13 xác định với Ngoại trưởng Trung Quốc, trong đó nói Việt Nam “tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hoà bình, hợp tác và phát triển, đa phương hoá, đa dạng hoá và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.”
Ông Sơn, người làm thứ trưởng Bộ Ngoại giao trong thời gian Phó thủ tướng Minh kiêm nhiệm chức Bộ trưởng, cũng khẳng định với người đồng cấp của Trung Quốc về việc giữ gìn và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Ngoài Trung Quốc, chỉ có Nga và Ấn Độ có quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, mức cao nhất trong quan hệ của quốc gia Đông Nam Á với các đối tác nước ngoài.
Ông Sơn được VOV trích lời nói với ông Vương rằng “Trung Quốc luôn được Việt Nam xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.”
Đáp lại, Ngoại trưởng Vương nói với ông Sơn rằng Trung Quốc và Việt Nam là “những láng giềng hữu nghị và đối tác quan trọng của nhau” và rằng cả hai nước “đều gắn bó với sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản cũng như sự nghiệp xã hội chủ nghĩa của họ,” theo mạng lưới truyền thông toàn cầu của nhà nước Trung Quốc CGTN.
Vẫn theo CGTN, ông Vương nói với ông Sơn rằng là một “đồng chí và anh em,” Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ mạnh mẽ Việt Nam trên con đường xã hội chủ nghĩa vì một tương lai tốt đẹp hơn. Theo Ngoại trưởng Trung Quốc, hai nước thuộc về “một cộng đồng chung có ý nghĩa chiến lược trong tương lai.”
Mặc dù vậy, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc trong những năm gần đây đã xuống đến mức thấp nhất khi Bắc Kinh ngày càng gia tăng các hoạt động mở rộng chủ quyền trên biển khiến Hà Nội phải nhiều lần cáo buộc quốc gia anh em láng giềng “xâm phạm chủ quyền lãnh hải” của mình.
Kể từ sự kiện Trung Quốc đưa dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014, Hà Nội đã nhiều lần tố các Bắc Kinh vi phạm chủ quyền trên biển như đưa tàu thăm dò vào gần bãi Tư Chính, đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, hay thành lập thành phố hành chính Tam Sa để quản lý các quần đảo mà Việt Nam có tuyên bố chủ quyền. Hồi tháng 4 năm ngoái, Việt Nam đã phải gửi công hàm phản đối các lập luận của Trung Quốc về vấn đề biển Đông lên Liên Hợp Quốc.
Trong cuộc điện đàm giữa hai ngoại trưởng Việt Nam và Trung quốc hôm 16/4, hai bên đã “trao đổi chân thành, thẳng thắn về vấn đề trên biển” đồng thời “nhất trí cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế đàm phán hiện nay,” theo Tuổi Trẻ.
Ông Sơn không cho biết cụ thể những vấn đề gì về biển Đông mà ông trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc, nhưng theo Tuổi Trẻ dẫn thông tin từ Bộ Ngoại giao, tân ngoại trưởng Việt Nam trong cuộc điện đàm với ngoại trưởng Trung Quốc “đề nghị hai bên trao đổi, giải quyết bất đồng theo tinh thần tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, thoả thuận, nhận thức chung giữa hai bên và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982, cùng ASEAN đạt tiến triển tích cực về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).”
Ông Sơn được CGTN trích lời nói với ông Vương rằng Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có hàng hải để “cùng gìn giữ hoà bình và ổn định” trên biển.