Việt Nam biện bạch vụng về đối với việc bỏ phiếu trắng cho Nghị quyết LHQ đòi ngừng cuộc chiến ở Ukraine. Ngay cả Đài Truyền hình Trung ương tối 3/3 cũng không dám công bố chi tiết về cuộc bỏ phiếu, nhất là việc Việt Nam thuộc về phe thiểu số bỏ phiếu trắng.
Trong khi đó, Phnom Penh khiến cho cả thế giới ngạc nhiên. Sát cánh cùng 141/193 nước, Camphuchia bỏ phiếu thuận để phản kháng và phê phán Nga vì cuộc xâm lăng của họ ở Ukraine. Việt Nam, một lần nữa, lại “rơi tõm” vào sự lệ thuộc, theo sau vết xe đổ của Trung Quốc.
Các cú “đá xoáy” ngoạn mục
Sau biểu quyết của các thành viên Liên hiệp quốc về nghị quyết liên quan đến Ukraine trong cuộc họp khẩn cấp của Đại hội đồng hôm 2/3 năm 2022,
Đại hội đồng đã phê phán Nga xâm lăng Ukraine. Kỳ họp khẩn cấp bất thường ấy đã ra Nghị quyết yêu cầu Nga ngay lập tức chấm dứt chiến dịch quân sự và “rút toàn bộ lực lượng vô điều kiện” khỏi lãnh thổ Ukraine.
Đã có 141/193 nước bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết này. 5 nước bỏ phiếu chống gồm Nga, Belarus, Triều Tiên, Syria và Eritrea. Trong số các nước bỏ phiếu trắng, có Trung Quốc, Lào, Việt Nam.
Ngay sau khi Việt Nam bỏ phiếu trắng ở LHQ, Đại biện Lâm thời của Ukraine tại Hà Nội Nataliya Zhinkyna, đã bày tỏ sự thất vọng. Bà viết trên Facebook: “Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào là bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng”.
Không theo thuyết âm mưu, nhưng giới quan sát ở Hà Nội nhận định rằng, mới giữ ghế Chủ tịch ASEAN một thời gian ngắn, Campuchia (CPC) đã cho Việt Nam “trượt vỏ chuối” liên tục. CPC đã cản trở thành công, không cho phép Ngoại trưởng VN Bùi Thanh Sơn trực tiếp tham gia cuộc Hội nghị hẹp ASEAN từ ngày 16 – 17/2. Đó là cú “trượt vỏ chuối” đầu tiên trong năm nay.
Và giờ đây, tại phiên bỏ phiếu hôm 2/3, Hun Sen chắc chắn đã được Bắc Kinh “bật đèn xanh”, cho phép “trình làng” một “demo” về đường lối đối ngoại độc lập với “thiên triều”. Mũi tên này nhắm đến hai mục tiêu. Đầu tiên, tôn vinh được vị thế của CPC trên trường quốc tế trong con mắt của thế giới. Kế tiếp, chát chúa thay cho VN, Phnom Penh đã “cao tay ấn” hơn hẳn Hà Nội một bậc, tức là xếp hàng vào phe đa số để lên án Nga xâm lược. Đây là cú “trượt vỏ chuối” thứ hai đối với VN trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, dường như để “cân bằng và đối trọng” lại quyết định bỏ phiếu phê phán Nga tại LHQ, cũng đúng vào ngày 2/3, Thủ tướng CPC lần đầu tiên đã nhận định rằng, cuộc chiến ở Ukraine giờ đã trở thành “cuộc chiến giữa Nga và châu Âu” sau khi một số quốc gia thành viên NATO hỗ trợ quân sự cho Ukraine. Phát biểu này, rõ ràng là để biện minh cho cuộc chiến của Putin.
Và cũng lần đầu tiên, vị lãnh đạo được cho là gian hùng trong nội bộ, mánh lới trong đối ngoại, đã đề cập đến khái niệm “trật tự thế giới mới” trong một tuyên bố: “Campuchia, trong trật tự thế giới mới, phản đối việc sử dụng lực lượng quân sự, khuyến khích đối thoại hòa bình và hy vọng rằng cả hai nước bằng hữu (Nga và Ukraine) sẽ hiểu lập trường của Campuchia. Campuchia không nên phải chịu sức ép buộc phải đứng về phía nào”.
Thật tiếc, Việt Nam là đất nước đang muốn trở thành cường quốc tầm trung, từng tuyên bố ngoại giao sẽ có vai trò “tiên phong”, sẽ ở vị thế “dẫn dắt” trong các hoạt động quốc tế, nhưng trên thực tế đã “dưới cơ” CPC trong một số động thái đối ngoại quan trọng.
Cảm thấu lợi ích song vẫn bí bách
Cảm nhận và thấu hiểu, bỏ lá phiếu trắng sẽ là tai hại cho đất nước sau này trong các cuộc “động binh” của TQ. Qua phát biểu của đại sứ Giang cũng như của người phát ngôn BNG, có thể thấy rất rõ, Việt Nam cảm thấu được đâu là lợi ích trước mắt, đâu là lợi ích lâu dài của quốc gia, dân tộc qua vụ bỏ phiếu mới đây. Các quan chức ngoại giao hiểu rất rõ, nhưng họ đã không thuyết phục được lãnh đạo cao hơn.
Vấn đề đâu phải là Ukraine “kéo bè kéo cánh” để đe dọa an ninh của nước Nga. Vấn đề là một Ukraine tự do, phát triển theo hướng dân chủ hóa, nếu không bị ngăn chặn bằng cuộc chiến hiện nay của Putin, sẽ mở ra các mối đe dọa hiện hữu về sự lựa chọn thay thế cho đế chế. Nhưng bỏ phiếu trắng đối với sự phê phán Putin cũng lại là một “ác mộng” sẽ đeo đuổi ngoại giao Việt Nam về lâu về dài. Trục “ma quỷ” Moscow – Bắc Kinh sẽ là “quả bom hẹn giờ” đối với Hà Nội trong những xung đột mà Tập Cận Bình luôn là kẻ chủ động.
Nhận thức là vậy, nhưng vị thế của Bộ Ngoại giao Việt Nam hiện nay đang tiến gần xuống ở tầng thấp nhất trong hình chóp quyền lực, mà trên đó, các thế lực an ninh và quân đội lúc nào cũng được ưu tiên cao hơn ngoại giao mấy bậc. Thật ra, các tướng tá trong quân đội, đợt này đang “thừa thắng xông lên” không chỉ nhờ sức mạnh của “phe cánh” Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang.
Mấy ông tướng tá hãnh tiến, “chém gió”, “dạy đời” để bênh vực Putin trên mạng, thậm chí trên cả trên truyền thông “lề phải” thật ra cũng chỉ là những kẻ “ăn mày dĩ vãng”. Họ không có thực quyền, không có lợi ích và ảnh hưởng như những tướng tá đương quyền nắm các vị trí then chốt trong các phi vụ làm ăn với Nga. Tuy khó kiểm chứng nhưng hoàn toàn có thể tin Hồi ký của Đại sứ Ted Osius, cánh quân đội “bênh” Nga là vì gắn với tiền và quyền từ “lại quả” thông qua các phi vụ làm ăn, chứ không vì những “hoài niệm” về một Liên Xô đã chết.
Từ những cái khó về đối ngoại nói trên sẽ kéo theo những hệ lụy không nhỏ về đối nội. Các đại diện cho 6 Tổ chức Dân sự trong Nam ngoài Bắc ngày 3/3 đã chuyển Thư ngỏ ủng hộ Ukraine, lên án Nga xâm lược. Lời kêu gọi gây Quỹ để ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân Ukraine đã được thông báo cho Đại biện ĐSQ Ukraine tại Việt Nam.
Bà Nataliya Zhynkina đã cám ơn và hứa sẽ cho công bố Lời kêu gọi này tại “Hội chợ Ukraine” được tổ chức nay mai tại khuôn viên ĐSQ. Nếu phong trào gây quỹ này trở thành một cuộc vận động hoàn toàn tự phát mang tính thiện nguyện trong xã hội, chính quyền lại sẽ rơi vào tình trạng khó xử. Ngăn cản cũng khó, mà khuyến khích thì cũng kẹt.
Trên Facebook của Nataliya Zhynkina, đã có không ít bạn đọc Việt Nam vào chia sẻ các ý kiến về cuộc chiến. Chẳng hạn Trần Tuấn Lộc viết: “141 quốc gia đã tỏ rõ quan điểm ủng hộ các bạn! Tôi xin lỗi về quyết định của Việt Nam. Cá nhân tôi không đồng ý với chính phủ tôi trong cuộc bỏ phiếu này. Nếu có lương tâm và coi trọng luật pháp quốc tế thì phải ủng hộ cho các bạn!”
Trong nỗ lực nhằm giải mã quan điểm chính thống của Việt Nam về xung đột Nga – Ukraine, truyền thông quốc tế đã cố gắng phác họa ra một bức tranh phức tạp của xã hội VN, vì có nhiều góc nhìn về cuộc chiến. Dư luận VN tiếp tục bị chia rẽ, nhưng số người lên án chiến tranh dường như ngày càng tăng.
Tuy nhiên, dư luận có vẻ bất ngờ về bài viết của Thiếu tá, ThS Võ Ngọc Toản trong cùng ngày 2/3 khi tác giả này cỗ võ cho một chính sách đối ngoại “năm không”. “Không” thứ năm là “không liên kết nước này để chống nước kia”. “Ba không… Bốn không…” và bây giờ tiến lên “Năm không”, cộng thêm những “phiếu trắng” tại LHQ, rõ ràng, chưa biết đối ngoại VN sẽ còn “rơi tự do” đến bao giờ?