Cộng đồng mạng Việt Nam hôm 2/2 đưa ra nhiều lời khen ngợi dành cho công văn về nghỉ Tết không áp lực bài tập do Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ban hành hôm 26/1.
Trong công văn số 226 gửi đến các phòng giáo dục-đào tạo ở các địa phương cấp dưới và được đăng trên trang web của chính quyền tỉnh, sở giáo dục-đào tạo Bà Rịa-Vũng Tàu lưu ý đến thực trạng của những năm trước là phụ huynh phàn nàn về việc các thầy cô bắt học sinh phải làm bài tập quá nhiều trong dịp Tết.
Để thay đổi, sở đưa ra chỉ đạo trong công văn rằng “bắt đầu từ Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 trở đi, giáo viên không giao bài tập cho học sinh trong thời gian nghỉ Tết”.
Công văn do nữ Giám đốc Sở Trần Thị Ngọc Châu tiếp đến đề nghị một cách nhẹ nhàng như một lời tâm tình: “Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian để học sinh có cơ hội trải nghiệm, tìm hiểu các phong tục đẹp, truyền thống trong ngày Tết, hãy để các em có khoảng thời gian nghỉ Tết được sum họp bên gia đình, vui chơi, nghỉ ngơi thoải mái, đảm bảo an toàn sức khỏe”.
Theo quan sát của VOA, ảnh chụp nội dung công văn được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội Facebook kèm theo nhiều lời khen ngợi.
Nhà báo kỳ cựu Hoàng Linh hồ hởi viết: “Tuyệt vời. Học sinh nghỉ Tết không áp lực bài tập. Một giám đốc sở GD-ĐT (Giáo dục-Đào tạo) đề cao tinh thần trải nghiệm Tết đã dành cho học sinh. Món quà bất ngờ, chưa bao giờ có. Tết không bài tập. Tết không áp lực”.
“Rất mong ngành giáo dục hãy học tập Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bà Rịa- Vũng Tàu”, Nhà văn, nhà báo kỳ cựu Nguyễn Như Phong đưa ra ý kiến ngắn gọn.
Facebooker Hà Phan - có lượng người theo dõi đông đảo - bình luận: “Có lẽ những điều như bà Giám đốc Sở Giáo dục Bà Rịa-Vũng Tàu vừa làm nên được lan rộng để con trẻ biết nhiều hơn lễ nghĩa và gia đình! Đấy mới là điều giáo dục nước nhà cần hướng đến chứ không chỉ điểm số và thành tích”. Ý kiến của ông Hà Phan nhận được hơn 1.300 phản ứng “yêu”, “thích” và hàng chục ý kiến ủng hộ.
Quyết định của bà Giám đốc ngành GD-ĐT tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho thấy bà đã thấu hiểu sâu rộng về tâm lý học sinh, cũng như bà là người có khả năng sư phạm sâu, và rất nhân văn, Facebooker Đình Dũng đưa ra nhận xét và được nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải dẫn lại.
“Hy vọng tinh thần giáo dục nhân văn này sẽ sớm lan rộng ra khắp các tỉnh còn lại trong cả nước”, ông Đình Dũng viết.
Doanh nhân kiêm nhà văn Việt kiều Ba Lan Trần Quốc Quân hiện đang thăm Việt Nam cho rằng nữ giám đốc sở ở Bà Rịa-Vũng Tàu chính là một nhân tài cho việc cải cách nền giáo dục vốn lâu nay chịu nhiều chỉ trích về chất lượng và các vấn đề đạo đức khác.
Facebooker có tên Thái Hạo lưu ý rằng lẽ ra việc không giao bài tập trong thời gian nghỉ tết phải là điều bình thường, vì vậy, công văn của sở phản ánh một nền giáo dục đã quá date ở Việt Nam.
“Học sinh Việt Nam ngày nay cơ bản không được nghỉ nữa, cả nghỉ tết và nghỉ hè; mỗi ngày thì học 2-3 buổi. Đó là cuộc chiến không ngơi nghỉ”, ông Thái Hạo viết, và đưa ra một số dẫn chứng để nêu lên thực trạng đáng lo ngại rằng nền giáo “nhồi nhét” làm cho học sinh chán ngán việc học hoặc luôn sống trong sợ hãi, đồng thời nó cũng phá hủy nhân cách của người học.
Trong những năm gần đây, VOA quan sát thấy nhiều người dân Việt Nam tỏ ra thất vọng và không ít người thẳng thừng chỉ trích Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ về áp lực học hành, thi cử và nhiều vấn đề khác của ngành giáo dục.
Trong đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa qua, ông Phùng Xuân Nhạ là thành viên chính phủ duy nhất dù được Trung ương Đảng khóa XII đề cử vào Trung ương khóa XIII song không trúng cử.
Theo thông lệ trong nền chính trị Việt Nam, điều này cũng đồng nghĩa rằng những ngày còn làm bộ trưởng giáo dục của ông Nhạ đang ngắn dần và ông sẽ chính thức rời chức vụ này khi kỳ họp quốc hội diễn ra vào đầu mùa hè năm nay, bầu ra bộ trưởng mới.
VOA nhận thấy cộng đồng những người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam trong mấy ngày nay không ngần ngại bày tỏ sự hả hê của họ về việc ông Nhạ sắp ra đi.