Sau 5 năm nữa, từ 2026-2030, nhân tài sẽ chiếm ít nhất 2-5% trong cơ cấu lãnh đạo của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam.
Đó là một phần trong số các đề xuất do Bộ Nội vụ đưa ra trong dự thảo "Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài", được tường thuật trên các báo Thanh Niên, Người Lao Động và VietnamNet trong những ngày cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Dự thảo chiến lược viết rằng việc thu hút, trọng dụng nhân tài sẽ nhắm đến không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người không thuộc Đảng Cộng sản Việt Nam, người Việt ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ, các báo dẫn lại dự thảo cho hay.
Vẫn theo Thanh Niên, Người Lao Động và VietnamNet, dự thảo chiến lược thu hút nhân tài đặt trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực được gọi là mũi nhọn như quản lý ở cấp nhà nước, khoa học, công nghệ cao, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học.
Bản dự thảo đề ra mục tiêu là từ năm 2030 trở đi, các bộ và chính quyền cấp tỉnh phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý của các bộ, các tỉnh.
Sau khi tin tức về bản dự thảo được báo chí trong nước đăng, trong dịp cuối tuần qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam đón nhận nội dung đó với những lời bình mang tính châm biếm, cho rằng từ trước đến nay lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh không phải là người tài nên vì thế đất nước mới chậm phát triển.
Một số người nêu lên câu hỏi tại sao không đặt ra mục tiêu cao hơn, đó là ít nhất 40-50% lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh là nhân tài, thay vì 2-5%.
...muốn phát triển đất nước, phải có nhiều người tham gia, đặc biệt là những người giỏi. Tốt nhất là chọn người giỏi trong từng lĩnh vực hay trên tổng thể để đóng vai trò lãnh đạo.Giáo sư Trần Đức Cảnh
Trong khi đó, giáo sư Đặng Hùng Võ, một cựu thứ trưởng Việt Nam; và giáo sư Trần Đức Cảnh, Việt kiều Mỹ với 46 năm kinh nghiệm về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hoan nghênh dự thảo của Bộ Nội vụ, xem đó là một dấu hiệu tích cực, muộn còn hơn không.
Giáo sư Cảnh đưa ra ý kiến: “Đây là dấu hiệu đáng mừng, tích cực, mang tính thời đại, là thực tiễn của xã hội hiện nay, là muốn phát triển đất nước, phải có nhiều người tham gia, đặc biệt là những người giỏi. Tốt nhất là chọn người giỏi trong từng lĩnh vực hay trên tổng thể để đóng vai trò lãnh đạo ở quy mô lớn hay trong phạm vi chuyên môn, ở cấp địa phương hoặc lên đến cấp quốc gia”.
Ông Cảnh, từng làm việc trong nhiều thập niên cho trường Harvard danh tiếng và chính quyền cấp bang ở Mỹ, lưu ý rằng không nên đặt ra con số phần trăm cứng nhắc đối với việc thu hút, tuyển dụng người tài.
Cựu Thứ trưởng Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng kể từ năm 2013, sau khi nghe khuyến cáo từ Ngân hàng Thế giới, chính phủ Việt Nam đã có nhận thức về việc phải thay đổi thể chế và mô hình tăng trưởng, dựa vào nhân lực chất lượng cao và công nghệ, thay vì dựa vào vốn đầu tư công và tài nguyên.
Giờ đây, việc Bộ Nội vụ cụ thể hóa một chủ trương đã có là một biểu hiện tốt, ông Võ nhận xét. Ông nói thêm:
“Ý tưởng sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam đã có từ lâu rồi. Thế nhưng thực hiện thì chưa ổn lắm, chưa trúng lắm. Bây giờ Bộ Nội vụ nhắc lại, nhấn mạnh lại chủ trương lấy nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy nhân tài làm động lực để tăng trưởng thì đúng hướng, là lối đi giống các nước khác đã thành công, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore”.
...phải tuyệt đối chống được tham nhũng, chống được cách thức thân hữu, chống được con ông nọ bà kia, v.v.. thì lúc đó chúng ta mới chọn được nhân tài thực sự.Giáo sư Đặng Hùng Võ
Mặc dù vậy, ông Võ cho rằng việc thu hút nhân tài giờ đây còn khó hơn so với khoảng 10-15 năm trước, vì nạn chạy chức chạy quyền hiện nay ngày càng trầm trọng, tạo thành xu hướng đi đến thể chế thân hữu, thậm chí có những trường hợp cán bộ có khuyết điểm còn được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, dẫn đến tâm lý tiêu cực, nghi ngại ở phía nhân dân. Ông minh họa:
“Có cái câu mà những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từng nhắc tới: ‘Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ, thứ tư trí tuệ’. Có nghĩa là người tài có trí tuệ để được cất nhắc thì xếp ở hàng thứ tư. Đây chính là điểm khó khăn hơn cả mà cần phải vượt qua. Nói cách khác, phải tuyệt đối chống được tham nhũng, chống được cách thức thân hữu, chống được con ông nọ bà kia, v.v.. thì lúc đó chúng ta mới chọn được nhân tài thực sự”.
Sau nhiều năm tham gia tư vấn, hỗ trợ các chương trình giáo dục ở Việt Nam, giáo sư Trần Đức Cảnh nhận xét với VOA rằng cơ chế nhà nước ở Việt Nam còn nhiều ràng buộc và giới hạn mà ông gọi là “tế nhị”.
Theo giáo sư Việt kiều này, bộ máy nhà nước Việt Nam cần phải mở cửa hơn nữa, về lâu dài phải thu hút nhân tài bằng cả một “hệ sinh thái” gồm nơi làm việc, cơ hội thăng tiến, khen thưởng, lương, đời sống.
Ông Cảnh cho rằng với điều kiện hiện nay, Việt Nam chưa thể làm được ngay, nhưng khi Việt Nam đặt ra chủ trương đúng, đi theo hướng đúng về thu hút nhân tài, điều đó sẽ dẫn đến cái đích đúng. Ông nói thêm:
“Nếu cả hệ thống xã hội, chính trị thống nhất theo hướng đó, thì mình đẩy tới thôi. Thực sự, nhân tài ở trong nước không thiếu, nhiều lắm, cộng thêm lực lượng làm việc ở nước ngoài, sống ở nước ngoài, nếu có điều kiện, có khả năng thì góp phần vô các công việc, các chuyên môn, các lãnh vực”.
...nhà nước phải áp dụng hệ thống quản trị công tốt, bao gồm công khai, minh bạch; người dân được tham gia; các cơ quan phải có trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn, tuyển dụng cán bộ.Giáo sư Đặng Hùng Võ
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu quan chức chính phủ Việt Nam, những yếu tố để đảm bảo việc thu hút nhân tài thành công là nhà nước phải áp dụng hệ thống quản trị công tốt, bao gồm công khai, minh bạch; người dân được tham gia; các cơ quan phải có trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn, tuyển dụng cán bộ; phải định lượng về các tiêu chí tuyển dụng, thay vì định tính.
Trích dẫn dự thảo chiến lược về thu hút nhân tài do Bộ Nội vụ soạn và đang lấy ý kiến đóng góp, các báo trong nước cho biết dự kiến có 3 nhóm các yếu tố được sử dụng làm căn cứ để tìm nhân tài.
Thứ nhất, đó là các lãnh đạo quản lý giỏi, nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia ưu tú, nhà khoa hoc trẻ tài năng.
Thứ hai, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người có tài năng được xác định theo hướng dựa trên sản phẩm, kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao; trình độ, năng lực và sức sáng tạo đặc biệt, vượt trội.
Cuối cùng, một loạt các chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ, chỉ số thông minh xã hội SQ, chỉ số thông minh sáng tạo CQ, chỉ số say mê PQ, chỉ số đạo đức MQ, v.v… cũng sẽ được áp dụng để xác định nhân tài.