Đường dẫn truy cập

Ô nhiễm không khí tệ hại ở Hà Nội, phụ huynh cấm con vui chơi ngoài trời


Ảnh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 30/9/2019.
Ảnh về ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 30/9/2019.

Nga Trang gần như không ra ngoài vào buổi tối và cấm con chơi ngoài trời sau giờ học vì ô nhiễm không khí do đốt rác ngày càng tồi tệ hơn ở khu phố bà sinh sống tại Hà Nội.

Là người Hà Nội, bà Nga, 44 tuổi, là một trong nhiều cư dân thủ đô Việt Nam có thói quen hàng ngày bị thay đổi do ô nhiễm không khí nặng nề, mà một phúc trình toàn cầu công bố ngày 19/3 cho biết đang ngày càng tồi tệ.

Phúc trình thường niên của IQAir, một công ty công nghệ chất lượng không khí, cho thấy Hà Nội là một trong những thủ đô có chất lượng không khí tồi tệ nhất thế giới vào năm ngoái.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói với Reuters, theo ước tính thận trọng, có khoảng 60.000 ca tử vong ở quốc gia 100 triệu dân này hàng năm có liên quan đến ô nhiễm không khí. Các chuyên gia cảnh báo rằng ô nhiễm cũng ảnh hưởng đến du lịch và toàn bộ nền kinh tế.

Bà Nga đã thu thập hàng chục chữ ký vào đầu tháng này để ngăn chặn việc đốt rác tại một địa điểm gần căn hộ của bà ở một quận đông dân cư.

Bà nói: “Điều này ảnh hưởng đến chúng tôi trực tiếp hơn các nguồn ô nhiễm khác vì chúng tôi có thể ngửi và nhìn thấy nó hàng ngày”.

Đại diện của WHO tại Việt Nam, Angela Pratt, cho biết khí thải từ xe cộ, hoạt động công nghiệp và quản lý chất thải kém bao gồm cả việc đốt rác là một trong những nguồn gây ô nhiễm chính của Hà Nội.

Bộ Y tế và Bộ Môi trường Việt Nam cũng như chính quyền Hà Nội không trả lời yêu cầu bình luận cũng như yêu cầu về dữ liệu tỷ lệ mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm tại thành phố hơn 8 triệu dân này.

Trong một phúc trình năm 2021, Bộ Môi trường cho biết các bệnh về đường hô hấp chiếm 11% số ca tử vong ở Việt Nam, với chi phí liên quan đến chăm sóc sức khỏe ước tính khoảng 81 triệu đô la mỗi năm chỉ riêng ở Hà Nội.

Thành phố này thường xuyên đứng đầu danh sách các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu hàng ngày của IQAir trong năm nay. Theo IQAir, năm ngoái, tổ chức ghi nhận mật độ trung bình của các hạt nhỏ và nguy hiểm trong không khí, được gọi là PM 2.5, cao hơn gần chín lần so với giới hạn do WHO khuyến nghị.

Điều đó khiến Hà Nội trở thành thủ đô tồi tệ thứ tám trong số 114 thành phố được theo dõi.

Một cú giáng vào nền kinh tế

Theo Bộ Môi trường, ngoài sức khỏe, khói mù còn có tác động tiêu cực đến du lịch, vốn chiếm hơn 6% tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam vào năm ngoái.

Bác sĩ y khoa du lịch Amornphat Kitro, người đã nghiên cứu các rủi ro sức khỏe đối với khách du lịch ở Đông Nam Á, cho biết lượng khách nước ngoài đến thành phố Chiang Mai phía bắc Thái Lan giảm sút vào những tháng có mức độ ô nhiễm cao nhất, trong khi người nước ngoài cư trú thường rời đi trong những khoảng thời gian đó.

Bà Giovanna Macchi, 48 tuổi, quốc tịch Ý đã sống ở Hà Nội được 7 năm, cho biết bà hạn chế các hoạt động ngoài trời của con cái, rời khỏi thành phố bất cứ khi nào có thể và khuyên bạn bè đừng đến thăm thành phố trong thời kỳ ô nhiễm tồi tệ nhất.

“Chúng tôi đang cân nhắc việc rời khỏi Hà Nội vì ô nhiễm không khí”, bà nói.

Diễn đàn

VOA Express

XS
SM
MD
LG