Đường dẫn truy cập

Người Scotland đi bỏ phiếu về nền độc lập


Những người ủng hộ việc tiếp tục ở lại trong Liên hiệp Anh vui mừng trước kết quả trưng cầu dân ý
Những người ủng hộ việc tiếp tục ở lại trong Liên hiệp Anh vui mừng trước kết quả trưng cầu dân ý

Hàng triệu người dân ở Scotland đang đến các phòng phiếu để tham gia một cuộc trưng cầu ý kiến lịch sử về nền độc lập. Thông tín viên Marianne Brown tường trình từ Edingburgh

Hàng ngàn người tham gia cuộc tụ tập bày tỏ sự ủng hộ vào ngày thứ tư, là diễn biến cuối cùng trên khắp nước được tổ chức để thu phục hậu thuẫn dành cho việc đòi độc lập trước cuộc bỏ phiếu.

Sáng hôm sau, bầu không khí êm ả hơn vào lúc một luồng cử tri liên tục đi qua các cổng xoay của một trung tâm bỏ phiếu ở trung tâm Edinburgh.

Khoảng 97 phần trăm trong số 4 triệu người hội đủ điều kiện đi bầu đã đăng ký bỏ phiếu. Số này gồm cả các cử tri 16 và 17 tuổi đi bầu lần đầu tiên.

Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy 48 phần trăm người Scotland có phần chắc sẽ bỏ phiếu “Có” để đòi độc lập, so với 52 phần trăm bác bỏ cố gắng muốn tách khỏi sự cai trị từ London.

8 đến 14 phần trăm trong số 4,3 triệu cử tri ở Scotland vẫn còn do dự không ngả về bên nào.

Những người vận động nói “không” như hai vợ chồng John và Christine Elliot cho biết họ lạc quan về phần thắng của mình.

Ông John nói: “Nếu ta thêm sự kiện những người cá cược nghĩ rằng phía nói “không” sẽ thắng, thì đó là một thông điệp khá mạnh mẽ, nhưng ta không thể tự mãn về điều đó. Còn cần phải xem kết quả bỏ phiếu ra sao.”

Bà Christine nói: “Phần lớn các cuộc thăm dò có kết quả ngược lại, mặc dù rất nhỏ và dĩ nhiên số người còn chưa quyết có thể làm thay đổi tình thế, chỉ có một cuộc thăm dò đặt phần nói “có” lên trước.

Theo bà Christin có một đa số thầm lặng các cử tri nói “Không” sẽ làm thay đổi cán cân. Nhưng anh Matthew Wilson, 22 tuổi, không đồng ý như vậy. Anh ra khỏi một trạm bỏ phiếu với một tấm thẻ bài mang chữ “Có.”

Anh nói: “Đại đa số những người tôi nói chuyện, không phải chỉ riêng ở Scotland. Tôi vừa ở châu Âu 1 tháng trời và rất lấy làm ngạc nhiên về ý kiến của số người khắp châu Âu. Tất cả những người tôi hỏi ý kiến đều nói, “Các bạn bỏ phiếu cái gì, điều gì sẽ xảy ra trong cuộc trưng cầu dân ý?” Tôi nói với họ là không thể nào dự đoán được. Nhưng mọi người đều bảo, ‘Scotland, hãy để chúng tôi cho các bạn được độc lập.’

Anh nói anh tin rằng đa số người trẻ đều bỏ phiếu “Có,” một nhận định bị một số người như bà Christine khinh thường.

Nhưng anh nói thêm rằng một số người anh biết có thể không muốn thừa nhận rằng họ bỏ phiếu nói “Không” bởi vì đó không phải là lựa chọn được ưa thích trong đám bạn bè của họ.

Liz Ely 28 tuổi sinh quán ở Yorkshire bên Anh, nhưng đã sống ở Scotland 8 năm.

Cô nói: “Tôi thoạt tiên là người ủng hộ “Không,” chẳng hạn như cách đây vài năm quý vị hỏi tôi tôi sẽ thắc mắc về nơi sinh trưởng của tôi là ở bên Anh. Yorkshire cũng không được London đối xử tốt là mấy. Nhưng cuối cùng tôi có cảm tưởng là Scotland cần điều này và đó là điều tốt nhất cho Scotland.”

Bác sĩ Charis Wong, thuộc Sở Y tế Quốc gia, tức NHS, 25 tuổi, cho biết bà rất sung sướng nói với mọi người là bà đã bỏ phiếu “Không”:

“Lúc đó tôi nghĩ là nếu chúng ta nói “Có” thì chúng ta không có một kế hoạch rõ ràng là NHS sẽ ra sao. Những lời đồn mới nhất về các vụ cắt giảm ở NHS nếu cuộc trưng cầu ngả về phía “Có” rất đáng lo ngại, vì thế tôi nghĩ phiếu “Không” sẽ an toàn hơn cho NHS.”

Có phần chắc là số phiếu kiểm sẽ rất xít xao, với cả hai bên đều đặt cược sẽ thắng. Nhiều người dùng mạng xã hội để kêu gọi hoà giải và thông cảm cho dù kết quả sẽ ra sao sau khi phòng phiếu đóng cửa vào 10 giờ tối nay.

Kết quả dự kiến sẽ có vào sáng sớm thứ sáu, giờ địa phương.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG