Đường dẫn truy cập

Người trẻ nghĩ gì về 30 tháng Tư (phần 3)?


bảng cổ động “Toàn dân đoàn kết để bảo vệ miền Nam, giải phóng miền Bắc” trước 1975 ở Sài Gòn.
bảng cổ động “Toàn dân đoàn kết để bảo vệ miền Nam, giải phóng miền Bắc” trước 1975 ở Sài Gòn.

Trong những ngày qua tôi đã thực hiện cuộc khảo sát với hai nhóm bạn trẻ. Nhóm đầu tiên là những bạn tôi quen biết trực tiếp, nên tôi gửi các câu hỏi sau đây nhờ các bạn nếu có thì giờ thì viết vài cảm nghĩ về các vấn đề sau đây. Tôi nói rằng trả lời ngắn dài gì cũng được, nhưng cần nhất là sự trung thực.

Bốn câu hỏi này như sau.

Một, 30 tháng 4 có ý nghĩa gì với bạn không?

Hai, những gì người Việt hải ngoại làm trong 45 năm qua: đâu là điểm mạnh, tích cực? Đâu là điểm yếu, không cần thiết? Đâu là những điều cần thay đổi, cải tiến?

Ba, giới trẻ trong nước nghĩ gì về hiện tình đất nước hôm nay?

Bốn, theo bạn thì có nhiều người trẻ Việt Nam muốn thay đổi hiện tình đất nước hay không? Tại sao có? Tại sao không?

Lẽ ra nhiều hơn 10 bạn tham gia cuộc khảo sát chi tiết này nhưng có bạn đang bận, có bạn đang bị an ninh theo dõi v.v… nên chỉ còn bảy bạn tham gia.

Sau đó, một nhà hoạt động trong nước đã giúp tôi khai triển các câu hỏi này thành một cuộc khảo sát lớn hơn, tổng cộng 12 câu hỏi. Phần lớn là chọn một trong các câu trả lời có sẵn (multiple choice questions), chỉ có câu cuối là để các bạn tự do điền vào câu trả lời hay suy nghĩ của mình. Cho đến nay đã có 75 người trẻ tham dự, đa số là các nhà hoạt động hoặc có sự quan tâm đến tình hình đất nước.

Trong các bài tới, tôi xin tập trung vào cuộc khảo sát vòng nhỏ, các nhà hoạt động mà tôi quen biết. Các bài sau đó nữa thì sẽ bàn về cuộc khảo sát vòng lớn.

Về các câu hỏi tôi đặt ra, có bạn trả lời một cách vắn tắt và cũng có bạn trả lời rất dài và chi tiết, như bạn Trần Đông hay Trương Thị Hà. Các bạn trình bày ý kiến của mình bằng cách nêu ra nhiều vấn đề về lịch sử, bang giao quốc tế, và chính trị quyền lực. Tôi xin trích một số đoạn và sẽ đăng nguyên bài viết dài của một số bạn trong Diễn Đàn VOA để mọi người cùng tham khảo.

Biển Ngọc: 30 tháng Tư là “ngày tuy em chưa được trải qua nhưng có thể hiểu được những người biết rõ thế nào là cộng sản đã hoảng sợ đến mức nào và những người chưa biết rõ cộng sản là gì cũng bắt đầu kinh qua những điều họ từng được nghe về những người và chế độ cộng sản.

Biển Ngọc chia sẻ thêm như sau: “Chính nghĩa thua rồi nên danh dự cũng chẳng còn! Dân Việt mất chính mình từ ngày đó rồi nên giờ nhà nước cộng sản có cố gắng bao nhiêu về văn hóa thì cũng chỉ là tô vẽ bên ngoài, chứ thực chất truyền thống bên trong đã mai một và bị băng hoại… Chỉ buồn một điều là Việt Nam Cộng Hòa đã thoát tư duy lệ thuộc tàu còn cộng sản thì lại tìm tới điều đó!

Trần Đông: “Chiến tranh Việt Nam 1954-1975 thường được một số học giả gọi là “cuộc chiến tranh tương viện”, ai nhận được nhiều viện trợ hơn sẽ thắng. Vì hai bên trực tiếp tham chiến đều dựa vào viện trợ nước ngoài. Bắc Việt dựa vào khối Xã hội Chủ nghĩa, nòng cốt là Xô-Trung. Nam Việt dựa vào khối Tư bản, do Mỹ lãnh đạo.

Trần Đông chia sẻ thêm như sau: “Đối với Bắc Việt thì đó là sự tin tưởng tuyệt đối vào một học thuyết ngoại lai. Bất chấp mọi hậu quả để áp đặt vào đất nước Việt Nam.

Đối với Nam Việt thì bị Đồng minh chi phối quá nặng nề, dẫn đến không thể tự quyết việc nội trị.

Ở một góc độ nào đó thì cả hai miền đều là nạn nhân. Trung Quốc sẵn sàng bắt tay với Mỹ để ép Bắc Việt giữ nguyên hai miền chia đôi. Mỹ chỉ cho phép Quân lực miền Nam phòng thủ chứ không tấn công qua vĩ tuyến 17. Trong trường hợp này sự việc chỉ khác ở chỗ, các lãnh đạo miền Bắc có thể đi gần hơn với Liên Xô khi bị Trung Quốc bỏ rơi, còn Việt Nam Cộng Hoà chỉ có thể đầu hàng khi đồng minh Mỹ tháo chạy.

Như vậy, 30/4 là ngày chúng ta nên tưởng niệm về thời kỳ đất nước chúng ta rơi vào những âm mưu chính trị và là nạn nhân của các thế lực ngoại bang. Theo đó chúng ta cần xoá bỏ quá khứ đau thương này và bắt tay với nhau xây dựng Việt Nam trong kỷ nguyên mới.

Nam Hải: “Là một người trẻ được sinh ra và lớn lên trong nước, lại sau 1975 rất xa, thì đến tận bây giờ đối với em ngày 30 tháng Tư không có gì quá đặc biệt, chỉ trừ việc nó được xem là “lễ lớn” nên khi còn đi học thì được nghỉ học, lớn lên đi làm thì được nghỉ làm.

Khi dấn thân sâu vào con đường hoạt động, qua tìm hiểu nghiên cứu thì được biết nhiều hơn về VNCH và ngày mà nó sụp đổ. Tuy nhiên, điều đó cũng chỉ giúp một người trẻ trong nước như em biết về một thời kỳ lịch sử biến động, ngoài ra không có gì hơn. Nói chung không mang lại cảm xúc hay ý nghĩa gì đặc biệt.

Nhất Tâm: “Ý nghĩa 30 tháng 4 với em cũng thay đổi nhiều theo thời gian. Nhận thức những năm thanh niên đầu là ngày vui thống nhất đất nước. Đến năm 25 tuổi khi nhận ra sự thật thì cảm thấy đó là ngày buồn của dân tộc khi niềm hy vọng xây dựng một Việt Nam văn minh và tự do của bao thế hệ đã hy sinh phải tan biến. Hầu hết những trí thức tinh hoa ở miền Nam đều phải ra đi tạo ra một sự đứt gãy văn hoá, mất đi sự kế thừa tri thức giữa các thế hệ.

Nhật Nguyệt: “Đối với em khi còn đi học và làm việc tại Việt Nam thì 30 tháng 4 thực chất chỉ là một ngày nghỉ. Mọi người thích ngày đó vì được đi chơi.

Còn giờ em thấy đó là cơ hội để mình tập trung làm truyền thông về các vấn đề liên quan tới lịch sử.

Dương Ngọc: “Đối với em ngày 30/4 là ngày đại tang cho nền dân chủ duy nhất của Việt Nam. Nền dân chủ đó mới được thai sinh, đang còn non trẻ, đã chết yểu trước khi chưa kịp lớn mạnh. Ngày mà dù thống nhất về mặt địa lý, nhưng chia rẽ sâu sắc lòng người, có những hố sâu dường như không bao giờ có thể lấp đầy.

Trương Thị Hà: Vào dịp 30 tháng Tư năm trước, bạn Trương Thị Hà đã viết một bài thẳng thắn về đề tài này. Hà chia sẻ: “Cách đây vài năm, những ai gọi ngày 30/4 là ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi chưa tin họ. Những ai gọi ngày 30/4 là ngày quốc tang, quốc hận, tôi cũng chưa tin họ. Tôi không tin ai hoàn toàn khi tôi chưa tự đặt ra các câu hỏi và tự tìm hiểu về ý nghĩa thực sự của ngày 30/4.

Có thể tóm gọn các ý chính của bài này như sau: càng biết về 30 tháng Tư Hà càng cảm thấy bị lừa dối; 30 tháng Tư chẳng khác gì ngày quốc tang, dù Hà sinh ra và lớn lên tại miền Bắc; dù gì thì Hà cũng không thấy đáng ăn mừng; 30/04 là ngày cho kẻ chiến thắng điên cuồng; 30/04/1975 là ngày đen tối cho thế hệ trẻ - tương lai của đất nước; nhưng đó cũng là ngày để suy ngghĩ về Tuổi trẻ, Trách nhiệm và Danh dự…

Hà kết luận: “Là một người trẻ, sống ở miền Bắc, không được cảm nhận trực tiếp về những nỗi đau và mất mát của người miền Nam Việt Nam. Thay vì cứ tự hào về cái quá khứ mà chúng tôi không hề tham dự, chúng tôi sẽ hành động, suy nghĩ độc lập, dũng cảm, biết đột phá, và cố gắng làm mọi thứ để giải phóng người dân khỏi chế độ độc tài, mang lại tự do thực sự cho người dân Việt Nam.

Bài tiếp theo, tôi sẽ trình bày suy nghĩ của các bạn về cộng đồng người Việt hải ngoại, mà đa số đã có dịp tiếp xúc, chứng kiến hoặc/và tìm hiểu.

  • 16x9 Image

    Phạm Phú Khải

    Từ nhỏ, gia đình bảo giỏi toán. Lớn lên, quyết định học kỹ sư, tưởng sở trường của mình.

    Về sau, thích hoạt động xã hội, đam mê tìm hiểu các hành vi con người và chính trị được định hình bởi các yếu tố nào.

    Gần đây, càng làm việc liên quan đến con người, và càng nghiên cứu nhiều hơn, tôi tìm thấy khoa học hành vi và khoa học xã hội (Behavioural Science and Social Science), trong đó tâm lý, nhất là địa hạt khoa học thần kinh (neuroscience), giải thích được rất nhiều về cách suy nghĩ và hành xử của con người.

    Tôi hy vọng có dịp chia sẻ với bạn đọc về những vấn đề cùng quan tâm, và mong được học hỏi từ mọi người qua trang blog này.

    Các bài viết của Phạm Phú Khải là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG