Đường dẫn truy cập

Người Việt khắp nơi ký tên phản đối vụ bắt giữ Mẹ Nấm


Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh
Blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Nhiều người Việt trong và ngoài nước cực lực phản đối vụ bắt giữ Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (tức blogger Mẹ Nấm) cùng ký tên lên tiếng đòi phóng thích nhà hoạt động này.

Người mẹ trẻ đơn thân đang nuôi 2 con nhỏ và mẹ già bị bắt giam hôm 10/10 về tội danh ‘tuyên truyền chống nhà nước’, theo điều 88 Bộ luật Hình sự, trong lúc cô đang tích cực vận động bảo vệ môi trường và tống cổ Formosa, thủ phạm đầu độc biển miền Trung, ra khỏi Việt Nam.

Trong số những ‘chứng cứ phạm tội’ thu giữ tại nhà Quỳnh được truyền thông nhà nước đăng tải có những biểu ngữ như “Cá cần nước sạch, Nước cần minh bạch”, “Khởi tố Formosa”, “Formosa Get Out”, những khẩu hiệu chống Trung Quốc bành trướng, cùng tập hồ sơ “Chấm dứt nạn công an giết dân thường” với dữ liệu về 31 người chết trong khi bị công an giam giữ được tổng hợp từ báo chí nhà nước.

Vụ truy tố này đã khiến quốc tế thêm một lần thất vọng vì hồ sơ nhân quyền của Hà Nội, với Liên Hiệp Quốc, Liên hiệp châu Âu, Mỹ, cùng các tổ chức nhân quyền uy tín trên thế giới lần lượt lên án Việt Nam vi phạm các quyền tự do căn bản của con người.

Người Việt khắp nơi ký tên phản đối vụ bắt giữ Mẹ Nấm
please wait

No media source currently available

0:00 0:05:46 0:00
Tải xuống

Đồng thanh cùng các nỗ lực này, một bản lên tiếng chung của người Việt cả trong lẫn ngoài nước đang được nhanh chóng chuyền tay qua mạng internet, vừa xuất hiện đã thu hút hàng trăm chữ ký, tuyên bố Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vô tội.

“Những việc làm của cô hoàn toàn hợp pháp, tất cả đều thể hiện trách nhiệm công dân và phù hợp với nguyện vọng chung của người dân Việt Nam quan tâm đến tương lai đất nước,” tuyên bố viết.

Một thành viên trong tuyên bố chung, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng ban Phối hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở tại Mỹ, nói với VOA Việt ngữ:

“Bắt Mẹ Nấm là hành vi vi phạm nhân quyền, đi ngược lại những điều mà nhà cầm quyền Việt Nam cam kết tôn trọng. Một mặt họ rêu rao họ đang cải thiện nhân quyền, một mặt họ lại bóp nghẹt. Vụ này nói rõ hơn một lần nữa là không có thuốc chữa.”

Ông Tùng cho biết nhiều hội nhóm người Việt tại hải ngoại đang cố gắng ngồi lại với nhau để đưa ra cách thức vận động hữu hiệu hơn, bao gồm các cuộc vận động với truyền thông ngoại quốc và chính giới ngoại quốc.

Những lời kêu gọi từ quốc tế trước các vụ xử những nhà bất đồng chính kiến tại Việt Nam trước nay cho thấy không mấy được tác dụng như mong đợi vì Hà Nội phớt lờ những chỉ trích. Vậy tiếng nói của cộng đồng người Việt trong và ngoài nước liệu có tác dụng đến mức nào?

Trưởng ban Phối hợp Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho rằng:

“Việc hỗ trợ của ngoại quốc, khi mình nhờ họ vận động, cũng tùy thuộc nhiều yếu tố. Có lẽ tùy thuộc vào quyền lợi của họ trong vấn đề giao dịch thương mại này nọ với Việt Nam. Nhưng vấn đề lên tiếng của người Việt để nói cho người Việt nghe có một giá trị khác. Nó vận động ý thức của quần chúng trước những sự kiện như thế này.”

Việc lên tiếng này, theo blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, ngòi bút từng lãnh án tù về cùng tội danh 88 trước đây vì các bài viết ‘trái chiều’ với nhà nước, sẽ gây sức ép lên nhà cầm quyền và mang lại sức mạnh ủng hộ lẽ phải.

Sáng lập viên Câu lạc bộ Nhà báo Tự do phát biểu:

“Càng nhiều người lên tiếng, sức mạnh đem đến cho những người trong tù và gia đình họ càng nhiều, cho họ kiên cường, đứng vững trong nhà tù. Còn bên ngoài, nó cũng sẽ tác động ngày một, ngày hai, về lâu về dài, giúp những người khác đứng lên tiếp theo những người đi trước như Quỳnh để tiếp tục con đường tự do báo chí, tự do ngôn luận tại Việt Nam.”

Blogger từng nhận giải thưởng của Ủy ban Bảo vệ Ký giả quốc tế CPJ, từng được Tổng thống Mỹ Barack Obama vinh danh trong Ngày Tự do Báo chí Thế giới và được mời tới Tòa Bạch Ốc để thảo luận về thực trạng tự do ngôn luận-tự do thông tin tại Việt Nam chia sẻ thông điệp của mình khi tham gia ký tên vào bản tuyên bố chung của người Việt:

“Tôi muốn nói với các bạn trong và ngoài nước rằng điều 88 của Việt Nam là một trong những điều tệ hại nhất cho nền dân chủ Việt Nam. Đây là một trong những công cụ chính quyền dùng để bịt miệng người dân. Họ đang đi ngược lại những nguyện vọng của nhân dân, từ việc bảo vệ chủ quyền quốc gia cho đến việc yêu cầu môi trường sạch, đến việc đòi hỏi nhân quyền cho người dân. Mẹ Nấm là người đúng chứ không phải chính quyền là người đúng.”

Tuy nhiên, theo blogger Điếu Cày, ‘công cụ’ này mang lại phản ứng ngược vì càng có thêm người bị bắt, càng nhiều người đứng dậy lên tiếng, tạo sức mạnh phát triển phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam.

Một trong những người đi đầu phong trào dân báo trong nước, người bền bỉ đấu tranh cho tự do ngôn luận từ trước khi bị tuyên án đến sau khi bị trục xuất sang Mỹ cảnh báo sẽ có những bất lợi cho ê-kíp lãnh đạo mới của Việt Nam nếu họ tiếp tục thách thức nhân quyền với cộng đồng quốc tế và dư luận thế giới bằng một bản án về điều 88 dành cho blogger Mẹ Nấm.

Ông Hải tiếp lời:

“Chúng tôi cũng muốn cảnh báo với họ rằng nhìn lại suốt chiều dài từ những đợt trấn áp từ 2007, 2008 đến nay, mạng truyền thông cũng như các phong trào đấu tranh dân chủ trong nước và trên các trang mạng ngày càng mạnh mẽ, không hề suy giảm dù rất nhiều anh chị em đã bị bắt, đã bị vào tù. Càng nhiều người bị bắt, bị tuyên án, phong trào càng mạnh lên chứ không hề giảm đi. Đó là điều có thật tôi muốn cảnh báo họ.”

Tuyên bố chung của người Việt trong và ngoài nước “kêu gọi mọi người tranh đấu bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường, các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước đang có quan hệ ngoại giao với nhà nước Việt Nam tiếp tục lên tiếng và yêu cầu nhà nước Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và trả tự do cho blogger Mẹ Nấm.”

VOA Express

XS
SM
MD
LG