Giới chức ngành y tế Việt Nam khuyến cáo nguy cơ Ebola tràn vào Việt Nam tăng cao khi tầm lây lan của dịch bệnh chết người này gia tăng trên toàn cầu.
PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, cho hay Việt Nam đang theo dõi chặt chẽ ở cấp y tế cộng đồng tất cả các hành khách nhập cảnh từ các khu vực bị Ebola hoành hành, nhưng chưa phát hiện trường hợp nào bị nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, ông lưu ý rằng nguy cơ xuất hiện Ebola tại Việt Nam tỷ lệ thuận với đà phát triển của dịch bệnh này trên thế giới.
Trong cuộc trao đổi với Trà Mi VOA Việt ngữ tối ngày 22/8 về công tác ngăn ngừa Ebola ở Việt Nam, người đứng đầu cơ quan chỉ đạo chuyên môn phòng chống dịch bệnh phía Nam cũng cho biết thêm tình hình của hai hành khách Nigeria nghi nhiễm Ebola mới xuất viện sau 1 ngày cách ly tại Bệnh viện Nhiệt đới TPCHM hiện không có dấu hiệu đáng quan ngại.
PGS-TS Phan Trọng Lân: Để kết luận một người mắc virus Ebola phải dựa trên dịch tễ, lâm sàng, và thực nghiệm. Qua lâm sàng, hai hành khách này không còn sốt, không có các biểu hiện khác của Ebola. Do đó, việc thực nghiệm đó không có ý nghĩa. Chúng tôi tiếp tục theo dõi họ trong 21 ngày kể từ khi họ đi từ vùng dịch, nhưng theo định nghĩa của WHO, hai trường hợp này là diện cảnh báo chứ không phải nghi do virus Ebola. Bây giờ, xét nghiệm không có ý nghĩa khi lâm sàng không còn biểu hiện gì nữa. Virus Ebola chỉ lây cho người khác khi có biểu hiện lâm sàng như sốt. Thời điểm này họ không còn sốt, nhưng thời gian ủ bệnh là 21 ngày cho nên chúng tôi phải theo dõi cho đủ 21 ngày.
Làm thế nào để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola
Làm thế nào để ngăn chặn sự lây lan của virus Ebola:
* Tránh tiếp xúc với những người có triệu chứng: Sốt cao liên tục, mắt đỏ, nôn mửa và đau bụng.
* Rửa tay kỹ và thường xuyên, kể cả dưới móng tay. Dùng xà phòng và nước sạch; dùng thuốc rửa tay nếu không có xà phòng.
* Sử dụng găng tay khi chăm sóc bệnh nhân bị nhiễm bệnh.
* Nấu kỹ tất cả các thực phẩm và phó sản động vật ; tránh ăn thịt thú rừng.
* Mặc quần áo bảo hộ và găng tay khi xử lý động vật.
* Đừng chạm vào bất cứ ai chết vì Ebola.
Nguồn: CDC, Plan International
VOA: Xin nói thêm về phương thức giám sát ở cộng đồng như thế nào?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Việc theo dõi, giám sát được thực hiện hàng ngày. Ngoài việc bản thân họ tự theo dõi sức khỏe, các cơ sở y tế địa phương mỗi ngày gọi điện hỏi thăm tình hình sức khỏe họ thế nào, nếu có gì thì có những biện pháp hỗ trợ kịp thời.
VOA: Họ có được yêu cầu hàng ngày tới cơ sở y tế địa phương để kiểm tra sức khỏe?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Không, họ ở nhà, mình chỉ gọi điện đến. Khi họ có biểu hiện sốt, chắc chắn chúng tôi sẽ huy động toàn bộ tốc lực để phòng lây nhiễm.
VOA: Về việc kiểm soát ngăn dịch bệnh vào các cửa khẩu, làm thế nào để ngăn trường hợp hệ thống kiểm tra thân nhiệt không phát hiện được do bệnh nhân uống thuốc hạ sốt trước đó?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Công tác chính ở cửa khẩu không phải là đo thân nhiệt, đo thân nhiệt chỉ là biện pháp hỗ trợ. Cái chính ở cửa khẩu là chúng tôi lấy phiếu điều tra dịch tễ để theo dõi, giám sát trong nội địa trong cộng đồng.
VOA: Ngoài việc ngăn chặn ngay đầu vào, Việt Nam còn có kế hoạch nào khác để sẵn sàng ứng phó một khi Ebola xuất hiện?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Chúng tôi đã có kế hoạch ngay từ khi dịch chưa lây lan. Chúng tôi đã chuẩn bị rất sớm 3 tình huống. Mỗi tình huống có sự diễn tập riêng. Các đội y tế cơ động ở các tỉnh đều sẵn sàng cả.
VOA: Xin cho biết chi tiết 3 tình huống Việt Nam đã chuẩn bị, các trang thiết bị và thuốc men chuẩn bị hiện giờ ra sao?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Cái đấy nắm chắc là cơ quan quản lý cấp Bộ, tôi chỉ đảm trách về mặt kỹ thuật thôi.
VOA: Giới chức Bộ Y tế nói có khả năng Ebola vào Việt Nam. Khả năng này cho tới này được đánh giá cao-thấp ra sao?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Nếu bên ngoài tăng như hiện nay, nghĩa là 20 ngày đầu trong tháng 8 đã gấp đôi của tháng 7 và gấp 5 lần của cả tháng 5, bên ngoài càng nhiều thì cơ hội nó xâm nhập vào Việt Nam càng lớn vì hàng ngày chúng tôi tiếp nhận 3 chuyến bay từ Trung Đông cùng 70-80 chuyến bay khác. Nếu dịch càng bùng phát ở các nơi khác thì cơ hội Ebola vào Việt Nam sẽ rất lớn.
VOA: Sự phối hợp của Việt Nam với các cơ quan chuyên môn của quốc tế như thế nào, thưa Tiến sĩ?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ. Ở đây có văn phòng EOC (Emergency Operation Center) bao gồm thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới WHO và Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của Mỹ CDC. Chúng tôi lấy ý kiến liên tục với các chuyên gia của WHO và CDC, cùng thảo luận, phối hợp chặt chẽ.
VOA: Viện trưởng có khuyến cáo gì cho dân chúng trước dịch bệnh này?
PGS-TS Phan Trọng Lân: Khuyến cáo đầu tiên là khi phát hiện người mắc bệnh, người dân phải thông báo ngay cho cơ quan y tế, không tự chăm sóc. Với ứng họ hiện nay của Việt Nam, bất cứ lúc nào, chỉ cần người dân gọi là y tế sẽ đến ngay kể cả bên điều trị, bên dự phòng, bên xét nghiệm và chống lây nhiễm. Thứ hai là lưu ý đến biện pháp rửa tay. Vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường rất có ý nghĩa đối với Việt Nam, nơi mà mô hình bệnh tật, các bệnh lây qua đường tiêu hóa và hô hấp vẫn còn nhiều.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này.