Đường dẫn truy cập

Diện mạo của ‘hạnh phúc’


Nguyễn Xô Việt tại hiện trường. (Hình: Trích xuất từ Zing.vn)
Nguyễn Xô Việt tại hiện trường. (Hình: Trích xuất từ Zing.vn)

Hạnh phúc vốn trừu tượng, khó định chuẩn vì phụ thuộc vào quan niệm, cảm nhận của từng cá nhân nhưng tại Việt Nam, diện mạo của “hạnh phúc” vừa rõ ràng, vừa đa dạng.

***

Nhiều triệu người Việt lại vừa được thưởng lãm diện mạo “hạnh phúc” qua một video clip mà độ dài chỉ vài phút. Video clip ghi lại khung cảnh của một nơi, vừa bán hàng, vừa phục vụ chuyện ăn uống của khách thập phương, khởi đầu ở cảnh một đứa trẻ chừng năm, bảy tuổi, lấy một thứ gì đó từ chỗ bày hàng, toan bước ra nhưng cuối cùng không dám băng qua quầy tính tiền và bỏ món hàng mà nó đã chọn để chạy đến với một gã đàn ông đang ngồi vắt vẻo trên tượng con bò được đặt ở cửa ra vào…

Gã đàn ông có vẻ không hài lòng vì điều đó. Gã nói gì đó và đứa trẻ quay trở lại nơi bày hàng, lấy lại món hàng mà nó đã bỏ xuống. Tuy vẫn còn ngập ngừng nhưng dưới sự hối thúc, khuyến khích từ xa của gã đàn ông, đứa trẻ rụt rè bước qua quầy tính tiền... Vì đứa trẻ lấy hàng mà không trả tiền, hai nhân viên thu ngân (một nam, một nữ) bảo nó dừng lại,... Điều đó khiến gã đàn ông bực mình, y bước xuống khỏi con bò, giựt lấy món hàng khỏi tay đứa trẻ, quay lại chỗ con bò, xé món hàng, gọi đứa trẻ đến bên y, ra hiệu cho đứa trẻ xem y liệng những thứ trong món hàng vào mặt nữ nhân viên thu ngân. Liệng xong, gã đàn ông vừa chửi, vừa bước tới tát vào mặt nam nhân viên đứng ở quầy tính tiền…

Gã đàn ông khắc họa diện mạo của một thứ được xem là “hạnh phúc” tại Việt Nam. Thứ “hạnh phúc” đó tạo nơi những người như gã sự tự tin vào vị thế của mình và đang trao truyền sự tự tin ấy cho đứa trẻ, đẩy nó vượt lên, băng qua tất cả những chuẩn mực cả về đạo đức lẫn luật pháp: Lấy hàng mà không cần thanh toán như mọi người. Nữ nhân viên thu ngân bị liệng đồ vào mặt, nam nhân viên bị tát là vì dám cản trở việc gã huấn luyện đứa trẻ trở nên tự tin như… gã (1)!

***

Thái độ ngông cuồng, lối hành xử càn rỡ của gã đàn ông làm thiên hạ phẫn nộ. Thiên hạ đã xác định được gã là Nguyễn Xô Việt, Thượng úy, làm việc tại Công an thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Đứa trẻ trong video clip được gã hối thúc, khuyến khích lấy hàng, không trả tiền là con trai gã! Rất nhiều người chê trách gã không biết dạy con, làm gương xấu cho đứa trẻ. Tuy nhìn vấn đề như thế là nhân bản nhưng lại hoàn toàn sai về bản chất!

Nếu xem lại video clip một cách cẩn thận, chắc chắn sẽ nhận ra Nguyễn Xô Việt chủ động dạy con gã vượt qua các chuẩn mực. Y khuyến khích con lấy hàng, không trả tiền. Việc y giựt lấy món hàng trong tay đứa con trai - tuy được cha hối thúc nhưng vẫn ngâp ngừng vì tự cảm thấy, cầm hàng hóa băng qua quầy tính tiền mà không thanh toán là sai – rồi liệng món hàng vào mặt nhân viên thu ngân, tát một nhân viên khác là cách y chứng minh cho con y thấy, nó phải nhận ra vị thế hơn hẳn mọi người của cha nó và chính nó.

“Con cán bộ làm cán bộ là ‘hạnh phúc’ của dân tộc” hoàn toàn không ngô nghê và do lỡ lời. Đó là khái quát về diện mạo của một thứ “hạnh phúc” tại Việt Nam, một loại “hạnh phúc” có thể được trao truyền qua nhiều thế hệ giống như một loại di sản có thể thừa kế.

***

Song song với thứ “hạnh phúc” dành riêng cho những kẻ như Nguyễn Xô Việt, tại Việt Nam còn một loại “hạnh phúc” khác dành cho đám đông, những người như cô nhân viên thu ngân bị Nguyễn Xô Việt ném xúc xích vào mặt, như anh nhân viên bị y tát. Loại “hạnh phúc” đó khiến họ phải cúi đầu chịu nhục, không dám có bất kỳ lời nói hay hành động nào để bảo vệ danh dự, phẩm giá của mình.

Loại “hạnh phúc” đó có tính chất đương nhiên nên cả chủ Trạm Dừng nghỉ Hải Đăng lẫn hai nhân viên bị làm nhục vội vàng xác nhận đã… hòa giải, Nguyễn Xô Việt chỉ “hiểu nhầm” vì “nhân viên bán hàng có lời lẽ không hay”. Bởi diện mạo “hạnh phúc” ở Việt Nam đa dạng như thế, có sự phân định rõ ràng như thế về thứ bậc, thành ra bất kể video clip hết sức rõ ràng, Công an tỉnh Thái Nguyên vẫn cần một… tháng để… xem xét Nguyễn Xô Việt vi phạm “Quy tắc ứng xử của cán bộ chiến sĩ công an nhân dân” thế nào!

Bên dưới quốc hiệu Việt Nam là ba yếu tố định tính cho Công hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Độc lập, Tự do, Hạnh phúc! Chắc chắn 39 người Việt thảm tử khi vượt biên vào Anh đã từng rất nhiều lần viết ba yếu tố định tính ấy để tự xác nhận họ “hạnh phúc”. Thế thì tại sao họ và hàng triệu người khác vẫn đem tính mạng, tài sản để tìm – đổi một loại “hạnh phúc” khác bởi không thể “tự do” đến Anh như nhiều đồng loại là công dân các quốc gia “độc lập” khác?

Những dòng tin nhắn ngắn ngủi của Phạm Thị Trà My – một trong 39 nạn nhân – trước khi từ biệt cuộc đời đã làm nhân loại rúng động! Cô xin lỗi cha mẹ khi không thể đi được đến đích, không thể tìm thấy “hạnh phúc” cho cả cá nhân lẫn gia đình của cô! Cho dù đó là những bằng chứng bi thảm về sự tồn tại của một thứ “hạnh phúc” khiến thiên hạ sửng sốt, ngậm ngùi nhưng rất ít người Việt băn khoăn. Cha mẹ Trà My và thân nhân 38 người còn lại vừa nắn nót xác nhận họ “hạnh phúc” khi xin được nhận xác chồng, xác con!

Tại sao Nguyễn Xô Việt và nhiều kẻ như y hết sức tự tin và không ngại chứng tỏ chúng có đủ tư cách thụ hưởng thứ “hạnh phúc” dành riêng cho giai tầng “ăn trên, ngồi trốc”?

Chú thích

(1) https://news.zing.vn/nguoi-tat-nhan-vien-khi-bi-nhac-tra-tien-la-thuong-uy-cong-an-post1012015.html

  • 16x9 Image

    Trân Văn

    Trân Văn là bút danh của một nhà báo có 28 năm làm việc ở nhiều vị trí khác nhau (Cộng tác viên, Phóng viên, Biên tập viên, Thư ký Tòa soạn) của một số đài truyền hình, đài phát thanh, nhật báo, tuần báo, báo điện tử tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Các bài viết của Trân Văn là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

VOA Express

XS
SM
MD
LG