Mặc dù thu nhập bị giảm đi vì đại dịch, nhưng một cuộc khảo sát gần đây cho thấy người Việt Nam vẫn tiêu thụ nhiều bia và thịt hơn so với trước đây.
Theo kết của của cuộc khảo sát về mức sống dân cư năm 2020 do Tổng cục Thống kê Việt Nam vừa công bố, mức thu nhập bình quân đầu người một tháng của cả nước năm 2020 vào khoảng 4,2 triệu đồng (182 USD), giảm khoảng 2% so với năm 2019 do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, mức tiêu thụ thịt bình quân đầu người lại tăng từ 1,8 kg/tháng trong năm 2010 lên 2,3 kg/tháng vào năm ngoái. Mức tiêu thụ bia, rượu bình quân đầu người năm ngoái là 1,3 lít/tháng so với mức 0,9 lít/tháng vào năm 2018.
Riêng mức tiêu thụ gạo lại giảm xuống, bình quân 9,7 kg/người/tháng năm 2010 xuống còn 8,1 kg/người/tháng năm 2018 và chỉ còn 7,6 kg/người/tháng vào năm 2020.
Ngoài thịt và bia, trứng cũng có mức tiêu thụ tăng lên trong đại dịch vì đây được xem là loại thực phẩm ưa chuộng của người Việt Nam trong những thời điểm bị phong toả, cách ly để phòng, chống dịch.
Khảo sát của Cục Thống kê cũng cho biết năm 2020 là năm người dân bị ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID -19, và điều này thể hiện trong mức chi tiêu tăng chậm hơn so với thời kỳ trước. Theo đó, các hộ gia đình thành thị có mức chi tiêu bình quân 3,8 triệu đồng/người/tháng, trong khi các hộ nông thôn chỉ ở mức 2,4 triệu đồng/người/tháng, chênh lệch 1,6 lần.
Trong khi đó, mức chi tiêu cho đời sống bình quân là 2,7 triệu đồng/người/tháng, chiếm tới 93% trong tổng chi tiêu hộ gia đình, trong đó, chi tiêu cho ăn uống khoảng 1,69 triệu đồng/người/tháng.
Mức thu nhập giữa khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự chênh lệch đáng kể, với mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của khu vực thành thị vào năm ngoái là 5,5 triệu đồng, gấp 1,6 lần khu vực nông thôn (gần 3,5 triệu đồng).
Việt Nam đặt mục tiêu thu nhập bình quân đầu người hàng năm là 5.000 USD vào năm 2025.