Nhiều người Việt dùng mạng xã hội trong những ngày giữa tháng 1/2024 làm nơi để tưởng niệm sự kiện Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm cách đây gần tròn 50 năm. Trong số họ, có những người đề nghị Hà Nội kiện Bắc Kinh. Một nhà nghiên cứu cho rằng Việt Nam ở thế rất bất lợi, nhưng có thể sử dụng một cách vận động pháp lý đem lại kết quả “từ thắng đến hòa”.
Theo quan sát của VOA, những người được theo dõi rộng rãi trên mạng như tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, các nhà hoạt động Nguyễn Văn Đài, Lê Anh Hùng, cựu nhà báo Chu Vĩnh Hải, cùng một số đáng kể các Facebooker khác, bên cạnh đó là các diễn đàn Chân Trời Mới Media, Nhóm Chúng Tôi Ghét Lừa Dối… đăng nhiều ý kiến, hình ảnh trong mấy ngày nay về sự kiện Hoàng Sa.
Điểm chung của các bài đăng là nhắc nhở rằng sắp tròn nửa thế kỷ kể từ ngày xảy ra nỗi đau không thể nào quên là quần đảo Hoàng Sa - lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Việt Nam - bị rơi vào tay Trung Quốc, cũng như kêu gọi người dân và chính quyền Việt Nam không bao giờ được quên đi trách nhiệm phải đòi lại quần đảo.
Vào ngày 19/1/1974, Trung Quốc điều nhiều tàu tiến hành cưỡng chiếm những đảo thuộc quyền kiểm soát của Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) ở quần đảo Hoàng Sa. Hải quân VNCH đã chống trả nhưng không giữ được. Trong trận hải chiến này, 74 quân nhân VNCH tử trận. Trung Quốc kiểm soát Hoàng Sa từ đó đến nay.
VNCH ở miền nam Việt Nam chấm dứt tồn tại từ ngày 30/4/1975 sau khi quân đội của Việt Nam cộng sản chiếm Sài Gòn, giành thắng lợi chung cuộc trong Chiến tranh Việt Nam. Từ năm 1976, nước Việt Nam thống nhất có tên chính thức mới là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.
Chính quyền CHXHCN Việt Nam kể từ đó nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông, bao gồm cả việc lập các đơn vị hành chính hay đặt tên đường phố ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…, nhưng chưa có hành động pháp lý cụ thể nào để đòi lại Hoàng Sa.
Một số trong những người hiện đang tưởng niệm 50 năm sự kiện Hoàng Sa tỏ ý thúc giục chính quyền khởi kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.
Bất lợi nếu kiện về hải phận
Tuy nhiên, nhà nghiên cứu kỳ cựu Trương Nhân Tuấn ở Pháp bình luận với VOA rằng Việt Nam khó có thể kiện Trung Quốc về bất cứ điều gì liên quan đến Hoàng Sa và Trường Sa.
Trước hết, nhà nghiên cứu này lưu ý rằng “điều kiện tiên quyết” trong thủ tục kiện tụng ở các tòa án quốc tế về chủ quyền ở một vùng lãnh thổ có tranh chấp là “phải có sự đồng thuận giữa hai bên tranh chấp”.
“Tức là nếu Trung Quốc không đồng thuận thì sẽ không có vụ kiện. Ngoài ra, Trung Quốc còn có những bảo lưu pháp lý, theo đó, họ loại trừ các phương cách giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và phân định biển bằng trọng tài hay bằng một tòa án quốc tế”, ông Tuấn cho hay.
“Về tranh chấp hải phận, Việt Nam không thể đệ đơn nhờ một tòa quốc tế nào đó, như Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS) hay Tòa Công lý quốc tế (ICJ) để phân xử, vì TQ đã bảo lưu, không chấp nhận phương cách giải quyết tranh chấp bằng trọng tài”, nhà nghiên cứu này nói thêm.
Ngoài ra, ông Tuấn chỉ ra rằng hai nước đã ký kết “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam-Trung Quốc”, theo đó, các tranh chấp giữa hai bên trên Biển Đông sẽ được hai bên giải quyết “thông qua hiệp thương hữu nghị”. Như vậy, Trung Quốc có thể vin vào điều ước này để ngăn cản Hà Nội kiện Bắc Kinh trước một tòa quốc tế, về bất cứ nội dung nào, ông Tuấn nhận định.
Một vấn đề nữa, theo ông Tuấn, là Việt Nam có thể vướng “estoppel”, tức nguyên tắc “không được nói ngược”, do hậu quả từ công hàm ngày 14/9/1958 do cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Phía Trung Quốc từng nhiều lần dẫn ra công hàm như là bằng chứng cho thấy Việt Nam đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc tại Hoàng Sa và Trường Sa.
Nhà nghiên cứu ở Pháp nhấn mạnh rằng Việt Nam gặp bất lợi và có thể thấy rằng vì điều đó mà họ đã “im lặng” trước công hàm của Trung Quốc đề ngày 17/4/2020 gửi Ủy ban ranh giới thềm lục địa thuộc LHQ.
Công hàm này có đoạn nói rằng chủ quyền của Trung Quốc đối với Hoàng Sa và Trường Sa - mà Bắc Kinh đặt tên là Tây Sa và Nam Sa - “được cộng đồng quốc tế công nhận rộng rãi” và “chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận nó một cách rõ rệt”. Công hàm của Trung Quốc cũng một lần nữa viện dẫn công hàm do Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng ký năm 1958.
Tập quán quốc tế nhìn nhận sự im lặng của một quốc gia trước một vấn đề buộc quốc gia đó phải lên tiếng như là sự “đồng thuận mặc nhiên”, nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn lưu ý.
Liên hệ đến việc Việt Nam đã im lặng từ 4 năm nay trước một vấn đề thuộc chủ quyền lãnh thổ bắt buộc quốc gia phải lên tiếng, ông Tuấn cho rằng “Việt Nam đã mặc nhiên nhìn nhận những cáo buộc của Trung Quốc theo nội dung công hàm 17/4/2020 là đúng, không có điều gì phải bàn cãi”.
Con đường khác: vận động pháp lý
Theo ông Tuấn, do những điều nêu trên, Việt Nam chỉ có thể đơn phương kiện Trung Quốc về một số vấn đề liên quan đến việc giải thích và cách áp dụng Luật Biển mà thôi, nhưng với điều kiện không bị vướng “estoppel”.
Cụ thể về Hoàng Sa, Việt Nam có thể kiện Trung Quốc theo phương pháp mà Philippines đã kiện và nhận được phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) hồi năm 2016, ông Tuấn chỉ ra.
Đi vào chi tiết, ông nói rằng dựa trên Phụ lục VII của UNCLOS (Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển), Việt Nam có thể đơn phương kiện, không nhằm mục đích thắng thua, mà chỉ yêu cầu tòa phán quyết liệu cách áp dụng Luật Biển của Trung Quốc ở khu vực Hoàng Sa có phù hợp với Luật Biển hay không.
“Việt Nam có thể vận dụng một dụng cụ pháp lý, kiểu ‘không kiện mà thắng kiện’, để giảm thiểu những tai hại từ công hàm 1958, hay từ những yêu sách phi lý về ranh giới, hải phận, về quyền lịch sử của Trung Quốc tại Biển Đông. Đó là phương cách vận động thủ thuật ‘actio popularis’ để có một phán quyết có hiệu lực bắt buộc cho tất cả các bên ‘erga omnes’”, ông Tuấn gợi ý.
“Actio popularis” là một thuật ngữ Latin chuyên ngành luật nói về sự tham gia tố tụng của một bên thứ ba trong tranh chấp giữa hai bên. “Erga omnes” có thể hiểu là một phán quyết có giá trị phổ quát toàn cầu.
Theo nhà nghiên cứu ở Pháp, cách vận động này “không có thua mà chỉ có từ thắng cho đến hòa” song vấn đề đặt ra là “Việt Nam có đủ uy tín ngoại giao để làm được việc này hay không?”.
Nhiều nước chung lợi ích
Ông Tuấn phân tích rằng "actio popularis" là một "dụng cụ" pháp lý, có thể sử dụng đơn phương, tức một quốc gia, hay đa phương, nhiều quốc gia, với mục đích đưa một vấn đề trước một trọng tài quốc tế nhằm bảo vệ "lợi ích" chung của các quốc gia này. Hệ quả của "actio popularis" có thể là một phán quyết có giá trị "erga omnes", tức là có hiệu lực pháp lý bắt buộc chung cho các bên.
Một loạt quốc gia gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Úc và các nước thuộc khối ASEAN có "lợi ích chung" ở Biển Đông, như "quyền tự do hàng hải và không lưu" ở đó, ông Tuấn chỉ ra. Quyền này hiện đang bị Trung Quốc đe dọa, qua việc xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Trường Sa, chưa kể đến tham vọng của nước này muốn lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Mặt khác, các nước trong khu vực gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Indonesia… chịu chung mối đe dọa của Trung Quốc với các yêu sách phi lý về biển đảo ở Biển Đông, vẫn theo quan sát của nhà nghiên cứu.
“Nếu ngoại giao của Việt Nam có uy tín và bản lĩnh, Việt Nam có thể vận động các quốc gia này hợp nhau lại, đứng tên chung, cùng đệ đơn lên Tòa Công lý quốc tế, yêu cầu Tòa ra phán quyết rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có giá trị pháp lý ràng buộc ‘erga omnes’ cho tất cả các bên”, ông Tuấn nhận định.
“Làm được điều này, Việt Nam không kiện mà thắng kiện. Việt Nam vượt qua mọi trở ngại đến từ Công hàm 1958 hay vấn đề ‘estoppel’. Hệ quả phán quyết sẽ giảm đến mức tối đa các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông”, nhà nghiên cứu nhấn mạnh.
VOA liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề này nhưng chưa nhận được hồi đáp.
Diễn đàn