Phần 1
Cứ như những gì mà hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vừa tường thuật thì gần như tất cả đại biểu của Quốc hội khóa 15 “nhất trí” với Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (1).
Dự luật vừa đề cập do Bộ Công an soạn thảo, được chính phủ nhiệm kỳ trước bảo trợ song bị các đại biểu Quốc hội khóa trước (khóa 14) bóp chết hồi tháng 11/2020 và nay được Bộ Công an mở lại, rồi được chính phủ nhiệm kỳ mới “hà hơi, tiếp sức”.
***
Hồi tháng 11/2020, trong 393 đại biểu tham gia cho ý kiến về việc có cần hay không một đạo luật như vậy, có 290 đại biểu (73,7%) xác định, đây là đạo luật chưa cần thiết vì nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng, đồng thời tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia (2).
Dùng luật (Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở) để thống nhất ba lực lượng: Công an bán chính quy, Bảo vệ dân phố, Dân phòng trên toàn quốc là sáng kiến của ông Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an). Khi có tới 73,7% đại biểu tham gia cho ý kiến (tương đương 60,2% tổng số đại biểu) và nhất trí bác bỏ đề nghị chấp thuận, điều đó cho thấy hơn một nửa đại biểu Quốc hội không tin ông Tô Lâm nói thật: Nếu có luật, thống nhất ba lực lượng có thể giảm được 500.000 người!
Tuy nhiên đó chưa phải là điểm đáng chú ý nhất. Góp ý của hai ông tướng quân đội, khi đó cùng là đại biểu Quốc hội, mới đáng bận tâm. Tướng Sùng Thìn Cò (Phó Tư lệnh Quân khu 2), Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh (UB QPAN) Quốc hội khóa 14, nhắc ông Tô Lâm rằng: Lực lượng công an đã quá đông. Mỗi tỉnh ít nhất cũng có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa! Chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?
Tướng Nguyễn Mai Bộ (Phó Chánh án Tòa Quân sự Trung ương), cũng là Ủy viên UB QPAN của Quốc hội nói thêm, theo ông, thống nhất ba lực lượng không những không thể giảm 500.000 người mà còn khiến ngân sách phải gánh thêm lương cho chừng 800.000 người (126.000 công an xã bán chuyên trách, 70.000 bảo vệ phường - xã, 500.000 phòng cháy chữa cháy), chưa kể chi phí cho trụ sở, hoạt động,… và các địa phương sẽ không còn tiền đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội (3).
***
Quốc hội khóa 14 mãn nhiệm vào năm 2021 nhưng ông Tô Lâm vẫn tại nhiệm (tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị đảng CSVN khóa mới – khóa 13, tiếp tục là Bộ trưởng Công an trong chính phủ nhiệm kỳ mới, tiếp tục làm đại biểu cho dân chúng tại Quốc hội khóa 15) và vì vậy tiếp tục mang Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở ra, dựng dậy rồi đẩy tới cho Quốc hội đương nhiệm xem xét. Lần này, từ đại biểu quốc hội đến báo giới cùng làm ngơ, không đả động gì đến chi phí nuôi... “lực lượng” mới nếu có luật!
Khác với khóa trước, Chủ nhiệm UB QPAN của Quốc hội là ông Võ Trọng Việt – tướng quân đội, Chủ nhiệm UB QPAN của Quốc hội khóa này là ông Lê Tấn Tới - tướng công an . Ông Tới hiện chỉ là trung tướng nhưng sắp thành... thượng tướng bởi Quốc hội mới đồng ý với đề nghị sửa Luật Công an nhân dân của Bộ Công an (4). Chẳng có gì lạ khi ông Tới khẳng định: UB QPAN cơ bản nhất trí về sự cần thiết phải có luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở!
Theo ông Tô Lâm, cần phải có luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở vì cần phải “bảo đảm an ninh trật tự ngay từ địa bàn cơ sở, xây dựng xã hội trật tự kỷ cương, an toàn, không ai bị đe dọa, ảnh hưởng”. Luật sẽ tạo tiền đề để... “xã bám cơ sở, quan tâm từng gia đình, từng người dân là rất quan trọng. Phường, xã phải là những pháo đài về an ninh trật tự, là nơi được bảo đảm an ninh, an toàn nhất”. Mục tiêu của công an là... “xây dựng những xã không có tội phạm, những xã không có ma túy”.
Tuy nhiên, biện luận của ông Tô Lâm lại gián tiếp khẳng định ông và ngành do ông lãnh đạo bất lực vì bất kể “lực lượng công an đã quá đông, mỗi tỉnh ít nhất cũng có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy” nhưng thực trạng vẫn như đã biết và đang thấy. Tuy đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ chưa bao giờ báo cáo để dân chúng biết rằng họ phải “thắt lưng, buộc bụng” nhịn nhiều loại phúc lợi để nuôi bao nhiêu “cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân” nhưng dựa vào một vài dữ liệu từ phát biểu của tướng Sùng Thìn Cò hôm 17/11/2020 tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14 thì có thể tạm ước đoán, lực lượng công an các tỉnh, thành không dưới 200.000 người, đó là chưa kể nhân sự của các cục chính trị, tình báo, an ninh, cảnh sát, hậu cần - kỹ thuật, thi hành án hình sự - hỗ trợ tư pháp, các trung đoàn cảnh sát cơ động,… trực thuộc Bộ Công an. Cho dù nuốt chửng khoản tiền gấp vài lần ngân sách dành cho giáo dục, y tế nhưng công an càng ngày càng càn rỡ, các loại tội phạm càng ngày càng lộng hành, xã hội càng ngày càng hỗn loạn, bất an trở thành cảm giác thường trực của thường dân. Có xứ nào mà lực lượng bảo vệ trật tự, trị an kém cỏi, vô trách nhiệm tới mức nhân viên y tế phải khẩn khoản xin trang bị khiên và áo giáp để tự vệ như Việt Nam (5) nhưng thay vì chất vấn, truy cứu trách nhiệm, cách chức Bộ trưởng Công an hoặc buộc từ chức thì cả hệ thống chính trị lẫn hệ thống công quyền lại nhất trí với việc cho lực lượng này bổ sung thêm... sáu viên tướng và chuẩn bị cho phép lực lượng này dùng công quỹ để nuôi thêm khoảng 800.000 nhân sự? Có xứ nào dung dưỡng tình trạng lực lượng vũ trang công khai kèn cựa nhau – khóa trước, tướng quân đội được biệt phái sang Quốc hội làm Chủ tịch UB QPAN mang hàm thượng tướng thì khóa này, tướng công an cũng phải có cấp bậc tương đương khi giữ chức vụ đó – như vừa thấy hôm nay (22/6/2023)?
Vì sao ông Tô Lâm dám vồ lấy “sự kiện Cư Kuin” làm dẫn chứng để dọa Quốc hội và dám dùng Nghị quyết của BCH TƯ đảng khóa 13: Quan tâm đến an ninh, an toàn không phải là an ninh quốc gia, chủ quyền toàn vẹn, bền vững của chế độ... mà phải đến cá nhân, từng con người. Mục tiêu là cuộc sống ấm no, hòa bình, an ninh, an toàn, thảnh thơi chứ không phải lúc nào cũng lo sợ (6) – để thúc ép các đại biểu Quốc hội biến Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thành luật nhưng không Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên BCH TƯ đảng nào đang “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân” tại Quốc hội dám cật vấn ông Tô Lâm, rằng tại sao ông ta đảm nhiệm vai trò Bộ trưởng Công an đã bảy năm nhưng “an ninh, an toàn, thảnh thơi” càng ngày càng xa tầm với của đồng bào và nay còn muốn tiếp tay cho Bộ Công an đẩy trách nhiệm “bảo đảm an ninh, an toàn” cho phường, xã? Trong đại dịch COVID-19, phường – xã đã từng là... “pháo đài”, bao nhiêu người muốn nơi mình cư trú thành loại... “pháo đài” như vậy?
(còn tiếp)
Chú thích
(4) https://tuoitre.vn/quoc-hoi-chot-bo-sung-6-vi-tri-si-quan-cong-an-cap-tuong-20230622150819449.htm
(5) https://cand.com.vn/y-te/bac-si-kien-nghi-sam-khien-ao-giap-de-phong-bi-tan-cong--i663940/
Diễn đàn