Chuyến công du của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Việt Nam trong 3 ngày, bắt đầu từ thứ Hai, dự kiến sẽ là một bước ngoặt trong quan hệ kinh tế và chiến lược ngày càng tăng giữa hai nước từng là cựu thù trong cuộc chiến tranh kéo dài hơn một thập kỷ.
Kể từ khi quan hệ ngoại giao giữa Hà Nội và Washington được thiết lập vào năm 1995, đã có những bước đột phá lớn về kinh tế. Xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ hiện đã qua mặt các nước khác trong khối ASEAN, trong khi hàng Mỹ vào thị trường Việt Nam cũng đang tăng trưởng đáng kể.
Việt Nam, một trong số 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu (TPP), đang tăng tốc qua các nước khác trong khu vực Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan vốn không là một bên trong TPP.
Giáo sư Tương Lai, một cựu cố vấn thủ tướng, nhận xét “TPP là chìa khóa để giúp Việt Nam bắt đầu một chương mới và thoát ra khỏi quỹ đạo của Trung Quốc”.
Nhưng thỏa thuận TPP đang đối mặt trước những rào cản pháp lý tại Washington. Trong số các quan ngại được nêu ra, những người không tán thành TPP phản đối việc thỏa thuận thương mại gây tranh cãi này có sự tham gia của một chế độ độc tài toàn trị.
Việt Nam muốn mối quan hệ thương mại phát triển và bao gồm cả lĩnh vực võ khí vốn là điều không tưởng trước kia.
Ông Cù Chí Lợi, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Mỹ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) nói với đài VOA rằng “Việc Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng là một biểu tượng rất quan trọng khi hai nước đã hình thành quan hệ đối tác toàn diện. Duy trì lệnh cấm vận đó cho thấy những hạn chế trong mối quan hệ song phương”.
Mỹ dỡ bỏ một phần lệnh cấm kéo dài 3 thập kỷ qua đối với quốc gia cộng sản Việt Nam hồi tháng 10 năm 2014, cho phép chuyển giao trong tương lai các thiết bị liên quan đến an ninh hàng hải.
Năm ngoái, chính phủ Hoa Kỳ đã cung cấp 18 triệu đôla cho một nhà thầu Mỹ xây dựng một cặp tàu tuần tra dài 22 mét bằng nhôm cho lực lượng tuần duyên Việt Nam.
Đại sứ của Hà Nội tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, đầu tháng này phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh về chiến tranh Việt Nam nói rằng lệnh cấm võ khí sát thương là một ‘rào cản của quá khứ’ nên được loại bỏ để phản ánh đầy đủ mối quan hệ bình thường và mức độ hiện tại của mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ash Carter tuyên bố với Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng ông ủng hộ việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm này với Việt Nam.
Ông Lợi cho rằng Việt-Mỹ chia sẻ quan điểm chung về một số vấn đề an ninh và chiến lược khu vực, đặc biệt là cùng nhau cảnh giác trước các ý đồ của Bắc Kinh ở Biển Đông và điều đó khiến Hà Nội và Washington có thể ‘vượt qua nhiều trở ngại và khác biệt’.
Vấn đề được chú ý trong chuyến thăm của ông Obama chính là những tín hiệu về việc hai nước sẵn sàng siết chặt các mối quan hệ chiến lược gần gũi hơn tới mức nào.
Công chúng Việt Nam ngày càng phẫn nộ trước việc Bắc Kinh bồi đắp các rạn san hô đang có tranh chấp ở Biển Đông. Tuy nhiên, chính sách của Hà Nội là tránh bất kỳ liên minh nào, không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình và cũng không dựa vào sự bảo vệ của nước khác.
Tuy nhiên, có suy đoán rằng Mỹ phải được quyền dùng các phi đạo hoặc hải cảng của Việt Nam như ở Vịnh Cam Ranh chẳng hạn, để đổi lấy việc Washington dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận võ khí cho Việt Nam.
Một vấn đề gai góc khác trong mối quan hệ Việt-Mỹ đang đâm chồi là những chỉ trích của Hoa Kỳ về hồ sơ nhân quyền Việt Nam vẫn còn ‘tồi tệ trong tất cả các lĩnh vực’, theo tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch.
Báo Washington Post trong một bài xã luận ngày 13 tháng 5 viết rằng “Dỡ bỏ lệnh cấm võ khí dường như hợp lý, nhưng Tổng thống Obama nên nhấn mạnh vào những cải thiện thực sự về nhân quyền trước khi xúc tiến”.
Ngày càng nhiều các blogger và các nhà hoạt động Việt Nam bày tỏ mong muốn dân chủ, tự do và minh bạch hơn, nhưng họ đối mặt với nguy cơ bị trả thù từ nhà chức trách Việt Nam với các hình thức từ đe dọa đến cầm tù.
Ông Lợi nói “Mỹ và các tổ chức quốc tế phải thấy rằng nhân quyền tại Việt Nam gần đây đã được cải thiện đáng kể. Điều này nên được cân nhắc một cách khách quan”. Vẫn theo lời ông, “Dĩ nhiên, một quốc gia đang phát triển thì vẫn phải đối mặt với những khó khăn, trở ngại trong vấn đề đó”.
Một số người Việt Nam, chẳng hạn như Giáo sư Tương Lai, kêu gọi Washington giờ đây nên gác sang một bên vấn đề gây tranh cãi này.
Ông nói với đài VOA rằng “Nếu kinh tế được tăng cường, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để bàn về những thay đổi xã hội và quyền con người”.
Tuy nhiên, phát triển kinh tế ở Việt Nam dường như lại làm gia tăng các vấn đề về môi trường, dẫn tới các cuộc xuống đường đông đảo chưa từng có của người dân Việt Nam trong tháng này.
Tác nhân của các cuộc tuần hành bị đàn áp bởi lực lượng chống bạo động là 100 tấn cá chết ở duyên hải miền Trung. Người biểu tình quy lỗi các hóa chất độc hại từ một nhà máy thép của Đài Loan là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt.
Trong thông cáo ngày 13/5, Văn phòng Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền nói “Chúng tôi quan ngại về mức độ ngày càng gia tăng bạo lực đối với người biểu tình bức xúc về vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền Trung Việt Nam”. “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do hội họp phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền”.
Các cuộc biểu tình lan tới thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức vào các ngày Chủ nhật liên tiếp. Nhà chức trách Việt Nam có thể phải đối mặt với một cuộc biểu tình rầm rộ nữa vào Chủ nhật này, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Obama.