Đường dẫn truy cập

Nhiều người chỉ trích ý tưởng ‘Bộ Thanh niên’ của Chủ tịch Quốc hội


Đoàn viên Thanh niên được xem là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.
Đoàn viên Thanh niên được xem là cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản ở Việt Nam.

Nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói Việt Nam “nên nghiên cứu thành lập Bộ Thanh niên và Thể thao” tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 20/4. Tuy nhiên, đề xuất này nhanh chóng nhận nhiều lời chỉ trích trên mạng xã hội.

Ý tưởng về một bộ mới phụ trách các vấn đề liên quan đến thanh niên được bà Ngân đưa ra khi Ủy ban Thường vụ bàn về Dự thảo Luật Thanh niên (sửa đổi), theo báo chí trong nước.

Các bài tường thuật của báo chí Việt Nam dẫn lời Chủ tịch Ngân phát biểu rằng việc lập Bộ Thanh niên “không phải là xây dựng cơ quan mới” mà bộ sẽ hình thành từ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Bà Ngân nói: "Trụ sở có sẵn rồi, ngân sách cho Đoàn thanh niên như chi cho một bộ, như vậy lập bộ mới sẽ không phát sinh biên chế", theo các báo trong nước.

Tôi nghĩ nếu giải tán được Đoàn Thanh niên thì tốt hơn, thay vì nâng thành một bộ nữa, tốn kém ngân sách nhà nước.
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang


Theo tìm hiểu của VOA qua trang thông tin điện tử của Trung ương Đoàn Thanh niên CS HCM và các trang tin trong nước, kinh phí cho hoạt động của tổ chức này lên đến trên dưới 350 tỷ đồng mỗi năm, lấy từ “nguồn ngân sách trong nước”.

Một phân tích hồi tháng 3/2019 của Luật khoa tạp chí, gồm các nhà nghiên cứu độc lập, chỉ ra rằng số tiền nhà nước chi cho Đoàn Thanh niên tương đương với chi cho một bộ.

Nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam, trong đó có tiến sĩ Nguyễn Quang A, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm), tỏ ý không đồng tình hoặc chỉ trích ý tưởng của bà Ngân trên trang cá nhân của họ hoặc trong hai diễn đàn lớn là Góc nhìn Báo chí - Công dân và Bàn luận về Kinh tế - Chính trị, có hàng trăm nghìn thành viên.

Những người chỉ trích nêu ra lo ngại rằng việc lập bộ mới sẽ làm bộ máy nhà nước càng thêm cồng kềnh trong bối cảnh “đất nước kiệt quệ lắm rồi”. Bên cạnh đó, một số người chỉ ra thực tế rằng Đoàn Thanh niên hầu như không có hoạt động gì có tính hiệu quả thiết thực cho xã hội.

Nhà hoạt động vì dân chủ và tiến bộ xã hội Phạm Đoan Trang bình luận với VOA rằng việc thành lập Bộ Thanh niên là “không cần thiết”, và đưa ra phân tích về tính chất “vô bổ”, “xã hội dân sự trá hình” của Đoàn Thanh niên, mà bà gọi là “cánh tay nối dài của Đảng Cộng sản”:

“Cách họ hoạt động thì ngày càng xa rời thực tế, ngày càng độc hại. Nó không khuyến khích được sự phát triển, trưởng thành của thanh niên. Sự giả dối, dối trá, đạo đức giả, v.v… nó tràn ngập trong sinh hoạt đoàn thanh niên. Những hoạt động của họ bị chính trị hóa, gắn chặt với vấn đề tư tưởng. Ví dụ, thanh niên được huy động vào các việc như là dạy chính trị, dạy trẻ em ‘ơn Đảng ơn Bác’. Rồi thì thanh niên được huy động vào việc giải tỏa ách tắc giao thông, và đặc biệt là ngăn biểu tình. Nhiều hoạt động làm thanh niên hỏng đi, chí ít ra là cũng mất thì giờ”.

Đoàn viên được huy động vào lực lượng điều khiển giao thông.
Đoàn viên được huy động vào lực lượng điều khiển giao thông.

Bà Phạm Đoan Trang, người từng nhận Giải thưởng Tự do Báo chí của tổ chức Phóng viên Không biên giới, nói với VOA rằng bà có cùng quan điểm với những người phản đối ý tưởng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân về nâng cấp Đoàn Thanh niên lên thành một bộ.

Bà Trang nói thêm: “Tôi nghĩ nếu giải tán được Đoàn Thanh niên thì tốt hơn, thay vì nâng thành một bộ nữa, tốn kém ngân sách nhà nước, và tiếp tục làm mạnh thêm các công việc vô bổ, có hại của Đoàn Thanh niên từ trước tới giờ”.

Những gì liên quan đến tham nhũng, minh bạch, khả năng quản trị đất nước tốt, trách nhiệm giải trình, tự do, dân chủ nhân quyền, v.v… thì nhà nước Việt Nam luôn lờ đi không đem ra so sánh. Kiểu so sánh như vậy nhẹ thì gọi là thiếu lương thiện, nặng thì gọi là lưu manh.
Bà Phạm Đoan Trang


Các bản tin trong nước hôm 20/4 cho hay nữ Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu trước Thường vụ Quốc hội với hàm ý so sánh là nước Singapore láng giềng “chỉ có mấy triệu dân” nhưng trong chính phủ của họ “có Bộ Thanh niên và Thể thao”.

Về lời phát biểu này, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang giải thích với VOA về bản chất đằng sau việc các lãnh đạo trong nước đôi lúc so sánh Việt Nam với nước ngoài:

“Những so sánh của bộ máy lãnh đạo Việt Nam, giữa Việt Nam với nước ngoài, luôn luôn có mục đích chính trị, nhằm ru ngủ, đánh lừa dân chúng. Họ chỉ so sánh những cái có lợi cho họ để lừa thôi. Cái cần so sánh thì không so. Những gì liên quan đến tham nhũng, minh bạch, khả năng quản trị đất nước tốt, trách nhiệm giải trình, tự do, dân chủ nhân quyền, v.v… thì nhà nước Việt Nam luôn lờ đi không đem ra so sánh. Kiểu so sánh như vậy nhẹ thì gọi là thiếu lương thiện, nặng thì gọi là lưu manh”.

Công luận Việt Nam lâu nay không ủng hộ việc chi ngân sách cho các hội, đoàn thuộc sự quản lý của nhà nước do họ không thấy những lợi ích rõ rệt mà các tổ chức đó mang lại, dù chúng tiêu tốn số tiền khổng lồ từ ngân sách nhà nước.

Một nghiên cứu được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ở Việt Nam (VERP) công bố hồi giữa năm 2016 cho thấy chi phí từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức quần chúng công, bao gồm cả Đoàn Thanh niên, lên đến hơn 14 nghìn tỷ đồng, quy đổi theo thời giá năm 2014.

VOA Express

XS
SM
MD
LG