Những người lao động nhập cư ở thành phố Hồ Chí Minh năm nay không thể về quê đón Tết vì Covid bày tỏ với VOA nỗi buồn, nỗi nhớ quê, nỗi lo lắng về tình hình dịch bệnh và một năm kinh tế quá khó khăn.
Những ngày giáp Tết Nguyên đán Tân Sửu cũng là lúc thành phố lớn nhất nước phải căng mình trước đợt tái phát Covid. Tính đến ngày 10/2, tức 29 Tết, thành phố này đã ghi nhận 33 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng kể từ ca 1979 là một công nhân xếp dỡ hàng hóa tại sân bay Tân Sơn Nhất, theo báo mạng VnExpress.
Điều đáng lo là giới chức trách vẫn chưa xác định được nguồn lây. Đợt bùng phát này đã khiến thành phố thực hiện phong tỏa trên diện hẹp với gần 40 khu vực bao gồm các con đường, khu phố, ngõ hẻm, khu chung cư, khách sạn trên khắp thành phố.
Chính quyền thành phố cũng yêu cầu ngừng tất cả các hoạt động lễ hội-tôn giáo trong những ngày Tết. Tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí như rạp chiếu phim, quán bar, quán nhậu, karaoke, vũ trường, phòng tập thể hình, sân khấu, massage, phòng trà, bida… đều phải đóng cửa. Những nơi được phép mở cửa để người dân du Xuân phải thực hiện các biện pháp phòng dịch rất gắt gao.
Người dân thành phố cũng được yêu cầu hạn chế tối đa việc đi lại, tiếp xúc và tụ tập trong những ngày Tết trong nỗ lực dập dịch nhanh nhất có thể.
‘Theo dõi tình hình dịch mỗi ngày’
Anh Nguyễn Đình Toại, 35 tuổi, một bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Nhi đồng 1, là một trong số rất nhiều người làm việc ở Sài Gòn năm nay không thể về quê ăn Tết.
Trao đổi với VOA, anh Toại cho biết trước khi bùng dịch, anh tính là đến 30 Tết sau khi xong ca trực thì anh ra sân bay để về quê nhà ở thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị.
“Tôi làm bác sĩ nên có những người bạn làm bên dịch tễ nói cho biết là có thể sẽ có rải rác những đợt bùng phát như vậy đó, thành thử tôi không mua vé trước mà đợi đến gần ngày đi mới mua vé,” bác sĩ Toại nói và cho biết phải hủy hay trả vé như hàng ngàn người khác trong những ngày qua.
Không chỉ mình anh mà năm nay cả 4 anh, chị, em của anh đang đi làm trong thành phố Hồ Chí Minh đều không thể về, nên mẹ anh ‘chỉ ăn Tết với một đứa em còn ở ngoài đó thôi.’
“Có năm các anh chị em tôi không về được thì đón mẹ vô trước Tết và ở lại luôn cho đến hết Tết. Nhưng năm nay có dịch nên mẹ cũng không vào được,” anh kể.
Tuy nhiên, mẹ anh cũng thông cảm cho quyết định của các con. “Mẹ tôi có kể là ngoài đó nhiều gia đình có con trong này người ta mắc kẹt vì dịch họ khuyên con đừng có về luôn,” anh nói.
“Vì nếu từ vùng dịch về thứ nhất có thể bị cách ly tập trung, thứ hai khi mình về mình làm cho nhiều người bị cách ly theo,” anh giải thích.
Trước Tết một tháng anh có về quê làm giỗ cho ba anh và ‘có thăm hỏi họ hàng cô bác hết rồi’ nên ‘Tết cũng không nhớ nhà nhiều lắm’.
Về kế hoạch ăn Tết ở Sài Gòn, anh Toại nói anh ‘phải căn cứ vào bản tin hàng ngày của cơ quan chống dịch thành phố để biết nơi nào giãn cách nơi nào không để lên lịch trình’.
“Anh chị em tôi mỗi người ở một quận. Chúng tôi phải coi những nơi đó có ca mới không, có bị giãn cách không thì mới tụ tập với nhau,” anh nói.
“Ngày mồng 1 tôi thường hỏi thăm sức khỏe, chúc Tết gia đình và đi chùa nhưng bây giờ chỉ có thể gọi phone thôi còn chùa thì không mở nữa.”
Những ngày này do anh vẫn còn đi làm và đi phát quà từ thiện nên ‘bị cuốn theo công việc và chưa có lúc ở nhà một mình để cảm thấy trống vắng, nhớ nhung như thế nào’, vị bác sĩ nhi khoa này cho biết.
“Tết là cơ hội mọi người được sum vầy. Hạnh phúc nhất là mình được ở cạnh bên những người thương. Còn ăn Tết ở đây chỉ có một mình mà năm nay dịch bệnh cũng chẳng ai đến hết,” anh nói và cho biết qua Tết khi hết dịch ‘chắc chắn anh sẽ về’.
Về không khí Tết ở Sài Gòn trong ngày cuối năm, anh Toại nói khi anh đi phát quà Tết cho người vô gia cư chiều 29 Tết, anh thấy ‘đường phố rất là vắng’. Theo mô tả của anh thì chợ hoa công viên 23/9, một trong những nơi bán hoa Tết lớn nhất thành phố, ‘rất lưa thưa, phần lớn đã đóng cửa và dọn dẹp hết rồi chỉ còn một số ít nán lại vì bán chưa hết’.
“Có thể do năm nay mọi người kinh tế không tốt như những năm trước. Thứ hai do dịch bệnh nên bây giờ mọi người phần lớn không dám ra đường,” anh lý giải.
‘Không thể bằng quê hương’
Cũng trong tình cảnh không thể về quê như anh Toại, ông Phan Quốc Bảo, 45 tuổi, hiện đang dạy học cho người khiếm thính và có quê ở thành phố Đà Nẵng, cho biết ‘càng gần đến Tết ông càng cảm thấy nhớ nhà’.
“Tôi đã thông báo cho gia đình, nói chung mẹ tôi ủng hộ dù có hơi buồn một chút,” ông kể. “Tôi cảm thấy bứt rứt, nhớ mẹ già vì mẹ đang trông ngóng mình về.”
Tuy nhiên, theo lời ông thì mẹ ông ‘cũng không đến nỗi ăn Tết một mình vì nhà còn anh em ngoài Đà Nẵng chạy qua chạy lại với mẹ nên cũng đỡ’.
Về kế hoạch ăn Tết ở thành phố Hồ Chí Minh, ông Toại nói ‘khả năng cao chỉ ở trong nhà gọi điện nói chuyện vớ gia đình thôi’ vì ‘lệnh giãn cách nên Thánh lễ ở nhà thờ đã bị hủy, các lễ hội hay sinh hoạt cộng đồng như đường hoa các thứ đều bị hạn chế’.
“Có thể chỉ có vài người rất thân đến chúc Tết. Trước đ,ó bạn bè cũng liên lạc nói chuyện với nhau là năm nay hạn chế đi, có gì qua Tết dịch bệnh thuyên giảm thì gặp nhau cũng chưa muộn,” ông kể. “Tinh thần là năm nay ăn Tết trong nhà.”
Do không chuẩn bị trước khả năng phải ở lại Sài Gòn ăn Tết nên vợ ông chỉ kịp mua sắm chút ít đồ ăn Tết, còn lại ông được anh chị em, bạn bè chia sẻ đồ ăn trong mấy ngày Tết, ông cho biết.
“Nói không khí Tết thì Sài Gòn không thể nào thay thế không khí ở quê hương được,” ông bày tỏ và nói mong muốn về quê ăn Tết là nỗi thôi thúc trong lòng mỗi người xa xứ, còn ăn Tết ở Sài Gòn là ‘điều cực chẳng đã’.
Theo lời ông thì trong một năm qua, ông đã ‘hai lần dính vào đợt bùng phát dịch Covid-19’. Lần trước là hồi tháng 7-8 khi ông về Đà Nẵng chịu tang cha và bị mắc kẹt một tháng và lần này là Tết Tân Sửu bị kẹt ở Sài Gòn’.
“Cảm giác lo lắng nhiều, đặc biệt là về kinh tế. Tôi thấy việc làm của mình, của gia đình mình, của hầu hết tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng rất nhiều,” ông nói và cho biết mấy người em của ông làm du lịch ở Đà Nẵng phải chịu cảnh thất nghiệp, không có thu nhập từ nửa năm nay.
“Ai cũng khó khăn hết nên Tết năm nay là một cái Tết buồn,” ông Bảo than.
Ông so sánh tinh thần chống dịch ở thành phố Hồ Chí Minh ‘không bằng Đà Nẵng’ vì ở Đà Nẵng ‘bùng phát mạnh, gây ra không khí hoảng loạn nên chính quyền rất chặt chẽ trong giãn cách’ trong khi ‘Sài Gòn dân quá đông, còn phải lo kinh tế trong dịp cuối năm nên biện pháp chống dịch bị hạn chế.’
“Đúng những ngày Tết nhìn gia đình người khác sum họp thì mình càng nhớ gia đình hơn,” ông giãi bày.