Mức độ khói bụi dày đặc ở thủ đô Trung Quốc hồi giữa tháng 12 đã buộc chính phủ phải ban hành lệnh “báo động đỏ” lần đầu tiên ở Bắc Kinh. Trong bối cảnh mức độ ô nhiễm ở Trung Quốc đang ngày một gia tăng nghiêm trọng, những chiếc máy lọc không khí trong nhà và văn phòng làm việc đã xuất hiện ngày một nhiều. Tuy nhiên, vì giá thành của những bộ lọc không khí này còn khá đắt đỏ cho người dân Trung Quốc, một xu hướng tự làm máy lọc không khí tại nhà (DIY hay Do It Yourself) đang trở nên phổ biến hơn.
Lệnh “báo động đỏ” được ban hành ở Bắc Kinh hồi tháng trước buộc các trường học và văn phòng làm việc đóng cửa. Người dân được khuyến cáo ở trong nhà để tránh khói bụi ô nhiễm bên ngoài. Mặc dù vậy, một số bậc phụ huynh vẫn đưa con tới trường học bởi đó là nơi được cho là an toàn hơn cho con cái họ. Cô Fang Yang, có con gái 5 tuổi, nói rằng cô vẫn đưa con tới lớp mẫu giáo vì ở đó có những chiếc máy lọc không khí rất khỏe, trong khi ở nhà cô thì hiện chưa có chiếc nào.
Còn tại Thượng Hải, một thành phố đô thị lớn khác ở Trung Quốc, mức độ khói bụi cũng đã tăng lên mức cao nhất vào ngày 15 tháng 12 tính từ tháng Giêng năm ngoái. Tại đây, các trường học buộc phải đưa ra lệnh cấm tổ chức các hoạt động ngoài trời trong khi giới hữu trách phải giới hạn các công tác xây dựng ở ngoài công trường và nhà máy vì không khí ô nhiễm lan rộng khắp cả nước.
Cô Chen Jun, 35 tuổi, nhớ tới nhà văn nổi tiếng Trung Quốc Trương Ái Linh khi nói về khói mù:
“Thật kinh khủng. Sáng nay tôi đăng lên tài khoản Wechat của tôi về những lúc khói mù làm tôi cảm thấy khó chịu, giống như trong những cuốn tiểu thuyết của Trương Ái Linh vậy, tôi cảm thấy tôi đang ở trong bóng tối và không biết phải đi đâu để tìm lối thoát.”
Đối với thế hệ trẻ ở Trung Quốc, viễn cảnh phải hít thở bầu không khí ô nhiễm hàng tiếng đồng hồ đã là quá đủ để họ quyết định bỏ việc.
Cô Yao Hui, 24 tuổi, một cư dân Thượng Hải, đã thu dọn và rời khỏi một công ty nội thất sau khi làm việc được bốn tháng bởi vì thiết bị đo chất lượng không khí mà cô đang sử dụng báo rằng mức độ không khí ở văn phòng làm việc thuộc hạng mục ô nhiễm cao nhất. Cô cho biết:
Nếu một công ty có thể đem lại một môi trường làm việc tốt cho nhân viên thì có nghĩa là họ có suy nghĩ tới yếu tố trách nhiệm với nhân viên, và nếu một công ty có trách nhiệm thì chắc chắn sẽ phát triển tốt.
“Sau lương bổng và các phúc lợi thì điều quan trọng thứ ba là môi trường. Tôi không phải là ngoại lệ. Tôi thuộc thế hệ 9x vì thế mà tôi có một số mong muốn về một môi trường làm việc cụ thể nào đó. Nếu một công ty có thể đem lại một môi trường làm việc tốt cho nhân viên thì có nghĩa là họ có suy nghĩ tới yếu tố trách nhiệm với nhân viên, và nếu một công ty có trách nhiệm thì chắc chắn sẽ phát triển tốt.”
Và do đó, trong khi mối quan tâm của công chúng về nạn ô nhiễm và các vấn đề sức khỏe khác đang ngày một lớn dần ở Trung Quốc, một số công ty đa quốc gia đang tìm kiếm những nhân tài bằng cách đưa ra một điều kiện làm việc hiếm gặp, đó là không khí sạch trong văn phòng. Nhiều công ty đa quốc gia như PricewaterhouseCoopers, J.D. Power và WPP Plc, đang chi hàng ngàn đôla để cho lắp đặt các hệ thống lọc không khí và các thiết bị theo dõi trực tiếp. Có thể nói ngành kinh doanh không khí sạch đang bùng nổ tại đây.
Với việc nhiều cư dân thành thị giờ đây tập trung vào chất lượng không khí không chỉ tại văn phòng công sở mà còn tại nhà, một phong trào tự làm máy lọc không khí DIY đang nở rộ. Những người ủng hộ cho phong trào này nói rằng những chiếc máy lọc tự làm có thể được tạo ra với giá thành chỉ bằng một phần nhỏ so với những chiếc máy có thương hiệu được bán trong những khu trung tâm mua sắm.
Theo lời bà Aily Zhang, thuộc ban điều hành công ty Smart Clean Air, không khí sách nên là một quyền con người chứ không phải là một sản phẩm xa xỉ. Bà Zhang thường có những bài phát biểu trước công chúng và những phần hướng dẫn minh họa để giúp người dân tự làm thiết bị lọc không khí này.
Nhu cầu về máy lọc không khí, máy hô hấp, và mặt nạ chống ô nhiễm đang rất lớn. Nhưng đối với nhiều người Trung Quốc, giá thành của những loại máy lọc có thương hiệu là điều không thể với tới.
Những chiếc máy như thế trong những năm gần đây được bán với giá trong khoảng 580 đến 2.000 đôla, tương đương khoảng 13 đến 45 triệu đồng. Nhưng với việc những mối quan tâm về chất lượng không khí ngày càng tăng, hiện đã có những chiếc máy lọc của những thương hiệu rẻ hơn với giá chưa tới 165 đôla, tương đương khoảng 3.7 triệu đồng. Nhưng mức giá này vẫn quá đắt cho nhiều người dân, những người tìm lời khuyên từ những người như bà Aily Zhang.
Bà Zhang nói rằng một chiếc máy lọc không khí hiệu quả có thể chỉ cần tới 34 đôla. Một chiếc máy tốt hơn với bộ lọc khỏe hơn sẽ tốn khoảng 80 đôla.
Cả những chiếc máy lọc tự làm DIY lẫn máy có thương hiệu đều sử dụng cùng một màng lọc từ sợi thủy tinh có tên gọi là HEPA hay lọc không khí chất hạt hiệu quả cao. Sự khác biệt giữa hai loại đó là những người tự làm bộ lọc dùng một chiếc quạt gia dụng để làm thành màng lọc, về cơ bản ép không khí ô nhiễm qua màng lọc và khóa lại những phần tử cực nhỏ bao gồm phần lớn khối lượng ô nhiễm.
Bà Zhang, thuộc ban điều hành công ty Smart Air Filters bán các bộ phận của những chiếc máy lọc không khí, cho biết những chiếc máy lọc không khí tự làm DIY cơ bản đem lại hiệu quả gần ngang bằng với những chiếc máy có nhãn hiệu. Chúng có thể lọc được 92 phần trăm tất cả các loại chất lớn hơn hoặc nhỏ hơn 0.3 micromet.
Hiện chưa có những tiêu chuẩn chính thức dành cho những chiếc máy lọc không khí nhưng dựa vào những lời kiểm chứng từ nhiều nhóm người sử dụng khác nhau thì những thiết bị tự làm tại nhà có hiệu quả trong việc làm sạch không khí. Cô Anne Liang, một cư dân Thượng Hải, 35 tuổi, cho biết:
“Các máy lọc không khí ở nhà đang làm việc hết công suất và chúng tôi chỉ có thể thực hiện những điều cơ bản như thế này. Tôi hy vọng ngoài những biện pháp bảo vệ được thực hiện từ phía người dân chúng tôi thì sẽ có một điều luật nào đó được áp dụng để giúp cải thiện môi trường của chúng tôi. Không khí là thứ mà tất cả mọi người đều cần, giàu hay nghèo, thì tất cả mọi người cũng đều hít thở một bầu không khí mà thôi.”
Nạn ô nhiễm ở Trung Quốc là một vấn đề gây nhức nhối ở quốc gia này. Nhiều sông hồ bị tắc vì rác thải và nhiều kim loại nặng nhiễm trong đất đai. Không khí bẩn đôi khi cũng khiến những chuyến bay phải trì hoãn.
Nguồn: VOA, Reuters