Bộ Ngoại giao và cơ quan tình báo quốc gia Nam Triều Tiên cho hay họ không thể bình luận về những bản tin mới liên kết các nỗ lực nguyên tử của Bình Nhưỡng với Iran.
Các giới chức của hai cơ quan được coi là tuyến đầu trong công tác theo dõi các chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên cho hay những lời cáo giác, dường như bị các nhà ngoại giao tiết lộ trong những ngày gần đây, có liên quan đến thông tin bí mật.
Những lời cáo giác được đưa ra sau báo cáo hôm thứ Ba tuần trước của Cơ quan Nguyên tử năng Quốc tế (IAEA), là cơ quan theo dõi hạt nhân của Liên Hiệp Quốc.
Đánh giá đầy đủ nhất của IAEA từ trước đến nay về các chương trình hạt nhân của Iran nêu ra chi tiết điều mà báo cáo này gọi là bằng chứng cho nỗ lực bí mật và liên tục của Iran, từ năm 2003, nhằm chế tạo một quả bom nguyên tử, vượt xa các mục tiêu đã định về nghiên cứu năng lượng và y khoa.
Đặc sứ cấp cao nhất của Iran tại IAEA, hôm thứ sáu tuần trước gọi báo cáo này là một sự bịa đặt dựa trên tin tức tình báo “tồi tệ” của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Báo cáo dài 25 trang từ đó đã được công bố và không đề cập gì đến một sự liên hệ giữa Iran và Bắc Triều Tiên. Nhưng hôm thứ sáu vừa qua, các nhân viên điều tra của Liên Hiệp Quốc đã đưa ra một buổi trình bầy kỹ thuật riêng với 35 nước thành viên trong Hội đồng Quản trị IAEA. Kể từ khi đó, các nhà ngoại giao đã được các cơ quan truyền thông Nam Triều Tiên trích thuật mà không nêu danh tính tố cáo rằng hàng trăm khoa học gia và kỹ sư của Bắc Triều Tiên đã từng làm việc tại các cơ sở hạt nhân và phi đạn của Iran.
Một tờ báo của Nhật Bản nói rằng trong số các địa điểm của Iran mà phía Bắc Triều Tiên đã đến thăm có 3 trung tâm khảo cứu thực hiện những cuộc thực tập giả về cách thức châm ngòi cho các vũ khí nguyên tử.
Ông Bruce Bennett, một chuyên gia kỳ cựu về quốc phòng của Tập đoàn Rand, chuyên thực hiện công tác nghiên cứu và phân tích cho các cơ quan tình báo và quân đội Hoa Kỳ.
Ông nói từ nhiều năm nay, các chuyên gia đã nghi ngờ về hình thức hợp tác này.
Ông Bennett cho biết: “Chẳng hạn như đã có những câu chuyện về người Iran tại các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở Bắc Triều Tiên.Vì thế nếu thông tin được thực sự chia sẻ thì ta sẽ có một tình huống nguy hiểm hơn bởi vì đa số sẽ lập luận rằng chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên sẽ xuất đầu lộ diện trước Iran và chúng ta không muốn Iran có được sự hỗ trợ đó.”
Viện Nghiên cứu Sách lược Quốc tế có trụ sở ở London, trong một cuộc khảo cứu năm nay, đã mô tả sự hợp tác đó là hỗ tương. Viện này nói rằng Bắc Triều Tiên trên chân Iran về mặt kỹ thuật trong việc tinh chế uranium và chế tạo các thiết bị có liên hệ đến hạt nhân, tỷ như thép có sức bền cao. Bản phúc trình của Viện nói rằng các chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên cũng được hưởng lợi ích từ kỹ thuật của Iran.
Ông Bennett thuộc Tập đoàn Rand nói rằng cộng đồng quốc tế cần phải chú ý hơn đến các liên hệ về hạt nhân giữa Bắc Triều Tiên và Iran.
Ông Bennett nói: “Nhưng ngăn chặn điều đó hay thậm chí kéo chậm đà lại sẽ rất là phức tạp. Người ta có thể đến Iran mà không phải qua những nơi có thể ngăn chặn họ.”
Các bản tin của các cơ quan truyền thông nói rằng phía Bắc Triêu Tiên vào Iran một cách bí mật qua những nước khác, như Nga và Trung Quốc. Nghe nói người Bắc Triều Tiên được tuyển dụng ở 10 cơ sở hạt nhân và phi đạn ở Iran và dường như thay đổi luân phiên mỗi vài tháng.
Báo Washington Post hôm 7 tháng 11 loan tin các nhà ngoại giao
và chuyên gia Tây phương đã tường trình về những phát hiện của IAEA nói rằng Iran đã đạt được ngưỡng của khả năng hạt nhân với kỹ thuật tối thiết có liên hệ đến Bắc Triều Tiên và Pakistan.
Iran và Bắc Triều Tiên là khách hàng của mạng lưới đặt dưới sự điều hành của khoa học gia hạt nhân Pakistan A.Q. Khan. Và cả hai nước đều bị Liên Hiệp Quốc áp đặt các biện pháp chế tài kinh tế vì chương trình hạt nhân của họ.
Vào lúc kết thúc cuộc họp thượng định APEC tại Hawaii hôm qua, Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói với các phóng viên rằng các biện pháp chế tài chống lại Iran đã “thấm mạnh” và ông sẽ hội ý với các quốc gia khác về những biện pháp tăng cường để ngăn chặn Iran thủ đắc một vũ khí hạt nhân.
Bắc Triều Tiên cũng bị cáo buộc trong các bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc và các bản phúc trình khác là có thể cung cấp kỹ thuật nguyên tử bị cấm chỉ cho Syria và Miến Điện.
Hồi tháng 8, một nhật báo của Đức đã loan tin Bắc Triều Tiên cung cấp cho Iran một chương trình máy điện toán có thể giúp các nhà khoa học xác định các phản ứng dây chuyền tự động, cấp thiết cho việc xây
các lò phản ứng và cũng được sử dụng trong việc phát triển các chất nổ hạt nhân.
Các chuyên gia phân tích cho biết họ cũng đã theo dõi từ những năm 1980, công cuộc hợp tác giữa Bình Nhưỡng và Tehran về phát triển phi đạn.
Điều gây quan ngại nhiều nhất là liệu Bắc Triều Tiên có cung cấp cho Iran một số phi đạn tối tân do Nga thiết kế hay không. Tuy nhiên, không có bằng chứng rằng cả Bắc Triều Tiên lẫn Iran đã cho phóng thử nghiệm phi đạn được đặt tên là BM-25 hay Musdan này hay chưa.
Nga phủ nhận sự hiện hữu của phi đạn này. Một số chuyên gia lập luận rằng các phi đạn Musudan trưng bầy trước công chúng trước đây trong các cuộc duyệt binh ở Bình Nhưỡng chỉ là giả hiệu. Các phi đạn này được cho là cơ sở trên R-27 của Liên bang Sô viết, một loại phi đạn phóng đi từ tiềm thủy đĩnh với tầm xa từ 2.500 đến 4.000 kilomét, được thiết kế để mang các đầu đạn hạt nhân.
Trong một buổi trình bầy tại một cuộc hội thảo ở Seoul tuần trước, ông Bennett thuộc tập đoàn Rand nói rằng có nhiều tin đồn về tầm cỡ của kho vũ khí hạt nhân mà Bắc Triều Tiên có thể có. Ông nói Bình Nhưỡng có thể chưa có vũ khí nào nhưng có thể có tới 20 vũ khí với con số có thể tin được là từ 2 đến 16.
Nhưng ông Bennett khẳng định rằng có thể sai nếu mô tả Bắc Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân bởi vì nước này chưa trưng bầy một quả bom nguyên tử có hiệu lực, mặc dù đã thực hiện các cuộc thử nghiệm thiết bị hạt nhân vào năm 2006 và 2009.
Hai nước Triều Tiên không có quan hệ ngoại giao. Hai bên đã giao tranh trong cuộc nội chiến kéo dài 3 năm mà không đi đến kết thúc hồi đầu thập niên 1950. Trên nguyên tắc, hai bên vẫn còn ở trong tình trạng chiến tranh bởi vì chưa có hòa ước nào được ký kết.
Các cơ quan truyền thông tin tức ở Đông Bắc Châu Á loan tin về chi tiết của một sự hợp tác theo như lời cáo giác giữa Iran và Bắc Triều Tiên trong việc tìm cách chế tạo bom nguyên tử. Các hoạt động chung này đã bị nghi ngờ từ nhiều năm nay, theo như bài tường thuật từ Seoul của thông tín viên VOA Steve Herman.
Liên quan
Đọc nhiều nhất
1