Đường dẫn truy cập

Tổng thống Obama loan báo cắt giảm quân số ở Afghanistan


Tổng thống Barack Obama đọc diễn văn từ Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington, ngày 22/6/2011
Tổng thống Barack Obama đọc diễn văn từ Tòa Bạch Ốc ở thủ đô Washington, ngày 22/6/2011

Tối qua, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Barack Obama thông báo kế hoạch rút quân từng phần 10.000 binh sĩ ra khỏi Afghanistan vào cuối năm nay, và đặt mục tiêu rút số quân tăng viện còn lại gồm 33.000 binh sĩ vào năm tới. Thông tín viên đài VOA Dan Robinson tường thuật từ Tòa Bạch Ốc.

Hiện có khoảng 100.000 binh sĩ Hoa Kỳ tại Afghanistan tham gia cuộc chiến đã kéo dài gần 10 năm.

Tổng thống Obama nói đã đến lúc đưa một số binh sĩ trở về nhà. Ông nêu lên vị thế đã được tăng cường của các lực lượng Hoa Kỳ và NATO cũng như đà tiến đạt được trước Taliban.

Đồng thời, ông Obama cũng nói rằng tổ chức al-Qaida ở Pakistan hiện chịu nhiều áp lực hơn bao giờ hết kể từ khi xảy ra vụ tấn công khủng bố nhắm vào Hoa Kỳ ngày 11/9/2009, trong đó có việc mất thủ lĩnh Osama bin Laden.

Tổng thống Obama nói: “Kể từ tháng tới, chúng ta sẽ có thể đưa 10.000 binh sĩ khỏi Afghanistan trước cuối năm nay, và chúng ta sẽ đưa tổng cộng 33.000 binh sĩ trở về nhà trước mùa hè sang năm, tức là rút toàn bộ số quân tăng viện tôi từng thông báo tại West Point. Sau việc giảm quân số ban đầu này, các binh sĩ của chúng ta sẽ tiếp tục trở về nhà với tốc độ đều đặn trong khi các lực lượng an ninh Afghanistan tiếp nhận vai trò lãnh đạo.”

Tổng thống Obama cho biết các lực lượng Afghanistan đã đảm trách vai trò về an ninh tại một số khu vực.

Tổng thống Obama nhắc lại rằng phe Taliban, hiện đang đối thoại với chính phủ, phải cắt đứt quan hệ với al-Qaida, từ bỏ bạo lực và tôn trọng hiến pháp của Afghanistan.

Ông Obama gọi mục tiêu nhắm tới một nước Afghanistan không phải là một nơi ẩn náu an toàn của al-Qaida là có thể đạt được, nhưng ông nói người dân Afghanistan rốt cục phải tự đem lại an ninh cho nước mình.

Tổng thống Obama nói:“Chúng ta không tìm cách biến Afghanistan thành một nơi hoàn hảo. Chúng ta sẽ không làm cảnh sát trên các đường phố hay tuần tra các rặng núi một cách vô thời hạn. Đó là trách nhiệm của chính phủ Afghanistan, phải tăng cường khả năng bảo vệ người dân nước mình; và phải chuyển đổi một nền kinh tế hình thành bởi chiến tranh, sang một nền kinh tế có thể duy trì nền hòa bình lâu dài.”

Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã nhanh chóng lên tiếng ca ngợi thông báo của Tổng thống Obama cũng như nỗ lực các lực lượng Hoa Kỳ và NATO ở Afghanistan.

Ông Rasmussen nói: "Chiều hướng đang thay đổi. Phe Taliban đang chịu áp lực. Các lực lượng Afghanistan càng ngày càng mạnh hơn.”

Tại Washington, có nhiều phản ứng khác nhau trước bài phát biểu. Một số nhà lập pháp chỉ trích tổng thống rút quá nhiều quân, trong khi số khác thì kêu gọi giảm quân nhiều hơn nữa.

Ông Gary Thomas, phân tích gia tin tức kỳ cựu của VOA, cho rằng quyết định của ông Obama cần phải đạt được hai mục tiêu chính.

Ông Thomas nhận xét: “Tổng thống cần phải giảm số quân sao cho đừng bị coi như là bất chợt bãi bỏ mọi sự ủng hộ và hỗ trợ cho Tổng thống Karzai, nhưng vẫn còn đủ áp lực quân sự đối với Taliban khiến họ phải tiến tới bàn đàm phán.”

Tổng thống Obama cũng đề cập tới tâm lý chống chiến tranh Afghanistan đang ngày càng dâng cao ở Hoa Kỳ trong bối cảnh nền kinh tế đang chật vật phục hồi. Nhưng ông cũng kêu gọi một lập trường trung dung giữa xu hướng cô lập và mở rộng vai trò ở nước ngoài.

Tổng thống Obama nói: “Chúng ta phải vạch ra một con đường trung dung hơn. Như nhiều thế hệ trước, chúng ta cần phải giữ vai trò nổi bật của Hoa Kỳ trong các sự kiện xảy ra đối với con người. Nhưng chúng ta phải vừa thực dụng vừa nhiệt thành; vừa thể hiện chiến lược vừa quyết tâm.”

Theo Tổng thống Obama, quyết tâm đó sẽ cho phép các lực lượng Afghanistan đảm trách toàn bộ an ninh của nước này trước năm 2014. Ông Obama cho biết sẽ chủ trì một hội nghị thượng đỉnh của NATO tại Chicago vào tháng 5 năm tới để thảo luận về con đường hướng tới cuộc chuyển giao trách nhiệm đó.

Xem toàn bộ bài diễn văn của Tổng thống Obama

VOA Express

XS
SM
MD
LG