Đường dẫn truy cập

Ông Trump lần đầu tiên có động thái lớn trong ngoại giao Ukraine


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Ông Donald Trump hôm 12/2 thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine trong các cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, bước tiến lớn đầu tiên của tân tổng thống Hoa Kỳ hướng tới ngoại giao về một cuộc chiến mà ông đã hứa sẽ chấm dứt.

Trong một bài đăng trên nền tảng mạng xã hội của mình sau khi nói chuyện với ông Putin, ông Trump cho biết họ đã “đồng ý để các nhóm của chúng tôi bắt đầu đàm phán ngay lập tức” và ông sẽ bắt đầu bằng cách gọi điện cho ông Zelenskyy.

Sau khi nói chuyện với nhà lãnh đạo Ukraine, ông Trump cho biết: “Cuộc trò chuyện diễn ra rất tốt. Ông ấy, giống như Tổng thống Putin, muốn HÒA BÌNH”.

Văn phòng của ông Zelenskyy nói ông Trump và ông Zelenskyy đã nói chuyện qua điện thoại trong khoảng một giờ, trong khi Điện Kremlin cho biết cuộc gọi của ông Putin với ông Trump kéo dài gần một tiếng rưỡi.

“Tôi đã có một cuộc trò chuyện ý nghĩa với Tổng thống Mỹ. Chúng tôi... đã nói về các cơ hội để đạt được hòa bình, thảo luận về sự sẵn sàng hợp tác của chúng tôi ... và khả năng công nghệ của Ukraine ... bao gồm máy bay không người lái và các ngành công nghiệp tiên tiến khác”, ông Zelenskyy viết trên X.

Điện Kremlin cho biết ông Putin và ông Trump đã đồng ý gặp nhau và ông Putin đã mời ông Trump đến thăm Moscow.

Ông Trump từ lâu đã nói rằng ông sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, mà không nêu rõ chính xác cách ông sẽ thực hiện điều này.

Sáng ngày 12/2, Bộ trưởng Quốc phòng của ông Trump, ông Pete Hegseth, đã đưa ra tuyên bố thẳng thắn nhất của tân chính quyền về cách tiếp cận đối với cuộc chiến, nói rằng việc thu hồi toàn bộ lãnh thổ của Ukraine bị Nga chiếm đóng kể từ năm 2014 là không thực tế, cũng như việc đảm bảo tư cách thành viên của Ukraine trong NATO.

“Chúng tôi muốn, giống như các bạn, một Ukraine có chủ quyền và thịnh vượng. Nhưng chúng ta phải bắt đầu bằng cách thừa nhận rằng việc quay trở lại biên giới trước năm 2014 của Ukraine là một mục tiêu không thực tế”, ông Hegseth phát biểu tại một cuộc họp của Ukraine và hơn 40 đồng minh tại trụ sở NATO ở Brussels. “Theo đuổi mục tiêu ảo tưởng này sẽ chỉ kéo dài chiến tranh và gây ra nhiều đau khổ hơn”.

Ông Hegseth nói bất kỳ nền hòa bình lâu dài nào cũng phải bao gồm “những đảm bảo an ninh vững chắc để đảm bảo rằng chiến tranh sẽ không bắt đầu lại”. Nhưng ông cho biết quân đội Hoa Kỳ sẽ không được triển khai đến Ukraine như một phần của những đảm bảo đó.

“Hoa Kỳ không tin rằng tư cách thành viên NATO của Ukraine là kết quả thực tế của một giải pháp đàm phán”.

Pháp, Đức và Tây Ban Nha cho biết số phận của Ukraine không được quyết định nếu không có sự tham gia tích cực của Kyiv. Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Jean-Noel Barrot nói châu Âu sẽ đóng vai trò của mình trong việc cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine ngay cả khi tư cách thành viên NATO không phải là ngay lập tức.

Ông Zelenskyy ngỏ ý cho Mỹ đầu tư vào khoáng sản ở Ukraine

Ông Zelenskyy, với hy vọng sẽ khiến ông Trump quan tâm đến việc tiếp tục hỗ trợ đất nước của mình, gần đây đã đề nghị một thỏa thuận theo đó Hoa Kỳ sẽ đầu tư vào khoáng sản ở Ukraine.

Bộ trưởng Ngân khố của ông Trump, Scott Bessent, đến Kyiv vào ngày 12/2 trong chuyến thăm đầu tiên của một thành viên nội các trong tân chính quyền Hoa Kỳ, cho biết một thỏa thuận khoáng sản như vậy có thể đóng vai trò là “lá chắn an ninh” cho Ukraine sau chiến tranh.

Không có cuộc đàm phán hòa bình nào được tổ chức kể từ những tháng đầu của cuộc xung đột mà hiện đang tiến gần đến mốc ba năm. Người tiền nhiệm của ông Trump là ông Joe Biden và hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây không có cuộc thảo luận trực tiếp nào với ông Putin sau khi Nga phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022.

Trong năm đầu tiên của cuộc chiến, Ukraine đã thành công trong việc đẩy lùi lực lượng Nga khỏi vùng ngoại ô Kyiv và chiếm lại nhiều vùng lãnh thổ do Nga chiếm đóng.

Nhưng Moscow chủ yếu chiếm ưu thế kể từ cuộc phản công thất bại của Ukraine vào năm 2023, đạt được những bước tiến chậm nhưng chắc trong cuộc giao tranh dữ dội đã giết chết hoặc làm bị thương hàng trăm nghìn quân ở cả hai bên và tàn phá các thành phố của Ukraine.

Nga chiếm khoảng một phần năm Ukraine và yêu cầu Kyiv phải nhượng lại nhiều lãnh thổ hơn và phải trở nên trung lập vĩnh viễn theo bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào. Ukraine yêu cầu Nga rút khỏi lãnh thổ đã chiếm và nói rằng Ukraine phải nhận được tư cách thành viên NATO hoặc các đảm bảo an ninh tương đương để ngăn chặn Moscow tấn công một lần nữa.

Trong các cuộc thảo luận gần đây, Kyiv dường như đã chấp nhận rằng họ sẽ không sớm được kết nạp vào NATO nhưng đã nhấn mạnh nhu cầu được hỗ trợ quân sự theo một thỏa thuận hòa bình.

“Nếu Ukraine không tham gia NATO, điều đó có nghĩa là Ukraine sẽ xây dựng NATO trên lãnh thổ của mình. Vì vậy, chúng tôi cần một đội quân đông đảo như quân đội Nga hiện nay”, ông Zelenskyy nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist được công bố vào ngày 12/2.

“Và để làm được tất cả những điều này, chúng tôi cần vũ khí và tiền bạc. Và chúng tôi sẽ yêu cầu Hoa Kỳ cung cấp điều này”, ông Zelenskyy nói, mô tả đó là “Kế hoạch B” của ông.

Diễn đàn

Liên quan

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG