Đường dẫn truy cập

Peter Arnett, chiến trường Afghanistan và cuộc đối mặt Osama Bin Laden (kỳ cuối)


Ký giả Peter Arnett phỏng vấn Osama Bin Laden vào tháng 3 năm 1997 tại Afghanistan. (Hình: Peter Arnett cung cấp)
Ký giả Peter Arnett phỏng vấn Osama Bin Laden vào tháng 3 năm 1997 tại Afghanistan. (Hình: Peter Arnett cung cấp)

Alexis Đinh/Đinh Yên Thảo

VOA - Cuộc chiến Afghanistan qua bốn đời tổng thống Mỹ vừa kết thúc với những cuộc tranh luận đại chúng sôi nổi về sự sụp đổ của chính quyền Kabul. Ký giả Peter Arnett từng đến với chiến trường Afghanistan tường trình về cuộc chiến này. Trong kỳ cuối của cuộc phỏng vấn kéo dài 3 kỳ, do Alexis Đinh và Đinh Yên Thảo thực hiện, Arnett kể lại cuộc gặp gỡ với trùm khủng bố Osama Bin Laden. Trong bài này, Arnett cũng chia sẻ một vài suy nghĩ về nghề nghiệp qua các câu hỏi của Alexis Đinh, một học sinh trung học gốc Việt thuộc thế hệ thứ nhì và đặc biệt yêu thích lịch sử và báo chí. Alexis hiện là trưởng ban biên tập báo trường tại trung học Garland High School, Texas.

***

Phóng viên (PV): Afghanistan từng là điểm nóng của thế giới và Osama bin Laden là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến này. Làm sao ông phỏng vấn được Bin Laden?

Peter Arnett: Vào đầu năm 1997, CNN quyết định thử tìm cách phỏng vấn thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Al Qaeda là Osama Bin Laden sau khi các nguồn tin của FBI tại Washington DC thông báo cho các ký giả về an ninh của chúng tôi rằng ông ta đã trở thành "nhà tài trợ và dàn dựng kế hoạch các hoạt động khủng bố quan trọng bậc nhất tại Trung Đông ". Chúng tôi đã dò, và thấy được những người ủng hộ hoạt động của ông ta đang điều hành một tổ chức biểu tình chống chính phủ Ả Rập Saudi công khai tại khu ngoại ô Dollis Hill của London. Trong khi Bin Laden từng trả lời một số cuộc phỏng vấn với các nhà báo Anh khi ông ta sống ở Bắc Phi, ông ta chưa trả lời phỏng vấn trên truyền hình nào. Sau khi chuyển đến Afghanistan vào năm 1996, ông ta mất dạng tung tích, chỉ đưa ra những quan điểm chính trị cực đoan, đầy hăm dọa qua các dĩa DVD và băng thu âm được phân phát cho người Ả Rập trên toàn thế giới.

Sau sáu ngày chờ đợi tại một khách sạn thuộc thành phố Jalalabad của Afghanistan, nhóm phóng viên CNN đã được bịt mắt, liên tục bị xét người và chở vòng vèo qua các vùng núi đồi gập ghềnh của Afghanistan để đến gặp Bin Laden. (Hình: Peter Arnett cung cấp)
Sau sáu ngày chờ đợi tại một khách sạn thuộc thành phố Jalalabad của Afghanistan, nhóm phóng viên CNN đã được bịt mắt, liên tục bị xét người và chở vòng vèo qua các vùng núi đồi gập ghềnh của Afghanistan để đến gặp Bin Laden. (Hình: Peter Arnett cung cấp)

Giám đốc tổ chức tại London của ông ta là Khalid al-Fawwaz thoạt đầu chẳng thừa nhận mối liên hệ chặt chẽ của mình với Bin Laden, mặc dù tấm áp-phích vị thủ lĩnh Al Qaeda được treo ngay trong văn phòng của ông ta. Tuy nhiên sau vài tuần, ông ta cuối cùng cũng tự tin thông báo với CNN rằng vị thủ lĩnh khủng bố sẽ sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn truyền hình lần đầu tiên tại một căn cứ vùng núi phía Đông Afghanistan, chỉ khi chúng tôi tuân theo các biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Chúng tôi đồng ý.

Tôi đã phỏng vấn Bin Laden trong một căn lều của những người chăn cừu có lót thảm lông để ngồi. Tôi đến với nhà sản xuất Peter Bergen và nhà quay phim Peter Jouvenal. Chúng tôi được mời ăn cơm, bánh mì và thịt gà. Ngọn đèn dầu hắt ra ánh sáng tù mờ trong căn lều, đủ soi sự hồi hộp trên khuôn mặt của chúng tôi trong khi đợi Bin Laden xuất hiện. Chúng tôi đang ở nơi xa lạ, một nơi mà chúng tôi không cảm thấy được chào đón và sắp gặp một đối thủ nguy hiểm mà chúng tôi đánh giá cao. Chúng tôi muốn có mặt ở Afghanistan, chúng tôi đã đuổi bắt để có được một thời điểm đấu trí với thủ lĩnh của tổ chức khủng bố nguy hiểm nhất thế giới. Cuộc phỏng vấn của chúng tôi thực ra là một yêu cầu ông ta giải thích về bản thân mình với những người mà ông ta đe dọa.

Bin Laden đến lúc nửa đêm từ một nơi nào đó bên kia dãy núi. Ông ta đẩy cánh cửa lều bằng vải bố bước vào, nhìn từ trên cao xuống nhóm chúng tôi, tôi nghĩ chắc khoảng hơn sáu mét, bởi chiếc khăn quấn vải trắng quanh đầu tạo cảm giác vậy. Ông ta cầm một khẩu AK-47 bóng láng trên tay phải, khoác áo nhà binh bên ngoài và mặc quần rộng thùng thình. Tôi định đứng dậy chào nhưng ông ta ra hiệu cho tôi cứ ngồi. Ông ta đứng trước chúng tôi một hồi lâu như vậy, rồi gọi cho người cố vấn truyền thông của mình đưa ông ta đến một tấm chăn xanh lá cây dọc theo bức tường phía xa, ngồi xuống một cách nặng nề. Tôi nhận ra ông ta đi khập khiễng. Tiếng máy phát điện chạy rì rầm để cung cấp điện cho đèn máy quay phim. Tôi ngồi xổm xuống tấm chăn của mình và nhìn sang Bin Laden, cách ba người. Bộ râu đen rậm của ông ta có những sợi xám và ánh mắt kiên định, đầy quả quyết. Tôi đã từng phỏng vấn những kẻ xấu khác. Giống như họ, ông ta đầy vẻ tự tin về khả năng thuyết phục của mình.

Viên cố vấn truyền thông của ông ta là người thông dịch. Tôi đặt câu hỏi và Bin Laden trả lời bằng tiếng Ả Rập, giọng nói kích động theo những gì ông ta nói về các vấn đề gần gũi với mình, chẳng hạn như về cuộc Thánh chiến chống lại nước Mỹ. Tôi đã hỏi ông ta rằng, nếu cuối cùng Hoa Kỳ kết thúc sự hiện diện của mình tại Ả Rập Saudi mà ông ta đã phản đối kịch liệt, liệu ông có chấm dứt lời kêu gọi Thánh chiến hay không. “Không,” ông ta trả lời, rằng chấm dứt cuộc Thánh chiến không đi kèm với việc Mỹ rút quân khỏi bán đảo Ả Rập "mà chỉ là một yêu cầu ngừng sự can dự gây hấn chống lại người Hồi giáo trên toàn thế giới".

Cuộc phỏng vấn kéo dài một giờ và Bin Laden sau đó đã rời ngay trong đêm. Các câu trả lời của ông ta khẳng định rằng cuộc Thánh chiến của ông ta chống lại Hoa Kỳ đã bắt đầu từ lâu, trước khi nó được tuyên bố vào năm 1996. Và rằng sự tàn bạo mà ông ta chủ trương, bao gồm cả vụ tấn công 9/11 kinh hoàng bốn năm sau đó, cũng chẳng quá khủng khiếp vì nó được khoác lên sự cần thiết tôn giáo.

PV: Quả là một cuộc phỏng vấn lịch sử. Cuộc chiến Afghanistan vừa chính thức chấm dứt, ông nghĩ gì về điều này?

Peter Arnett: Tôi chắc chắn là nhiều độc giả của các bạn sẽ đồng cảm với hoàn cảnh của hàng ngàn người Afghanistan từng làm việc cho quân đội Mỹ và nay phải đối diện với hệ lụy nguy hiểm của sự xác quyết và chiến thắng của Taliban. Tại Việt Nam thì Hoa Kỳ chiến đấu với người cộng sản cho đến khi quyền lợi an ninh quốc gia thay đổi. Với Afghanistan cũng vậy, Hoa Kỳ bắt đầu cuộc chiến Afghanistan vì những lợi ích quốc gia, một cuộc chiến chống khủng bố. Bây giờ đã đạt được mục đích thì Hoa Kỳ rút quân. Chúng ta chỉ có thể hy vọng là như tại Việt Nam, nhiều người Afghanistan cũng được giải cứu.

PV: Với riêng ông khi nhìn lại chặng đường đã qua thì những khoảnh khắc quyết định trong sự nghiệp của ông là gì?

Peter Arnett: Chiến tranh vùng Vịnh là thời điểm quyết định trong sự nghiệp báo chí của tôi. Với nó, tôi vận dụng tất cả những gì tôi từng học về nghề báo, về báo in và truyền hình, những chuyện lớn nào cần đưa và những tin nào cần gạt bỏ, hành động cân bằng giữa sự chông chênh của tin tức và tuyên truyền. Và chắc chắn là dù có cẩn trọng cách mấy, tin tức cũng sẽ gây ra sự khó chịu và tức giận, trong trường hợp Baghdad là cho chính phủ Tổng thống George H. W. Bush và những người trong nội các.

Ký giả Peter Arnett và Đại tướng Colin Powell, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Liên Quân trong chiến tranh vùng Vịnh tại New York vào tháng Tư năm 1991. Tướng Powell dẫn đầu cuộc chỉ trích Peter Arnett đã tạo cơ hội cho bộ máy tuyên truyền của Saddam Hussein hoạt động. Sau chiến tranh họ vẫn gặp nhau thân thiện và trò chuyện vui vẻ, theo lời kể của ký giả Arnett. (Hình: Peter Arnett cung cấp)
Ký giả Peter Arnett và Đại tướng Colin Powell, cựu Chủ Tịch Hội Đồng Tham Mưu Liên Quân trong chiến tranh vùng Vịnh tại New York vào tháng Tư năm 1991. Tướng Powell dẫn đầu cuộc chỉ trích Peter Arnett đã tạo cơ hội cho bộ máy tuyên truyền của Saddam Hussein hoạt động. Sau chiến tranh họ vẫn gặp nhau thân thiện và trò chuyện vui vẻ, theo lời kể của ký giả Arnett. (Hình: Peter Arnett cung cấp)

Khi tôi quay về Mỹ ngay sau chiến tranh kết thúc, tôi phát hiện ra là truyền thông chính thống, đặc biệt là những tờ báo lớn đã hoàn toàn ủng hộ việc đưa tin của tôi và thách thức lại những người trong chính phủ đặt nghi vấn với tôi. Quyết định đơn độc ở lại Baghdad của tôi để tường trình chuyện thả bom, phát hình trên CNN, việc đi quanh Iraq để chứng kiến những ảnh hưởng lên xã hội dân sự đã thu hút hàng triệu khán giả đến với CNN và những bản tin của tôi cũng đã được các hãng thông tấn khác chọn đăng. CNN bỗng nhiên trở thành một cái tên quen thuộc trên toàn thế giới. Điều được xem là hiện tượng đáng chú ý là việc một hãng tin của Mỹ tường trình các câu chuyện từ phe địch trong một cuộc xung đột do chính quân đội quốc gia mình chiến đấu. Đó là sự áp dụng căn bản về tầm nhìn của nhà sáng lập CNN Ted Turner là đưa tin cả hai phía trong các câu chuyện quốc tế, thậm chí cả với chiến tranh.

Turner đã được tạp chí Time bình chọn là Người Đàn Ông Trong Năm (Man of the Year) và kiếm được vài tỷ đô la từ CNN. Với tôi thì ngoài hàng chục giải thưởng báo chí danh giá, tôi còn được ứng một khoản tiền in sách đủ lớn để xin CNN nghỉ phép hai năm và viết cuốn hồi ký “Live from the Battlefield.”

PV: Là một nhà báo lâu năm trong chiến tranh, ông có nghĩ là chiến tranh đã có sẵn trong máu của ông hay ông ở trong chiến tranh?

Peter Arnett: Tôi tin là câu hỏi của các bạn là về động lực báo chí trong việc tường trình các cuộc chiến nguy hiểm trong suốt sự nghiệp của tôi. Hai hãng tin mà tôi làm việc phần lớn trong sự nghiệp mình là The Associated Press và CNN, đã tường thuật những tin tức quan trọng trong và ngoài nước, cạnh tranh độc giả và khán giả với các hãng tin khác. Tôi chọn chiến tranh, chọn làm phóng viên chiến trường trong những cuộc chiến quan trọng của nước Mỹ bởi tôi tin chắc là những điều ngay thực địa dẫu có nguy hiểm và khó khăn nhưng là một phần cần thiết của nhiệm vụ báo chí đến công chúng mà nó phục vụ.

PV: Sự nghiệp và đóng góp của ông chắc chắn đã truyền cảm hứng cho giới trẻ bước vào lãnh vực truyền thông. Làm thế nào để một nhà báo trẻ có cơ hội tiếp xúc và phỏng vấn những người nổi tiếng như ông đã làm?

Peter Arnett: Chìa khóa để phỏng vấn những người nổi danh hay khét tiếng trên thế giới phụ thuộc vào việc bạn đang làm việc cho các cơ quan truyền thông mà những người này xem là có ảnh hưởng. Saddam Hussein đã mời CNN làm khách của mình trong chiến tranh vùng Vịnh vì ông ta biết hệ thống này có tầm vóc quốc tế quan trọng và có chuyên môn kỹ thuật để thực hiện công việc đó. Osama Bin Laden đã chọn tôi thực hiện phỏng vấn vì ông ta nhận thức uy tín của tôi, là một nhà báo đáng tin cậy với nhiều kinh nghiệm. Cứ vậy mà diễn ra. Khi gia nhập The Associated Press vào năm 1961, tôi hướng tới những cơ hội mà các phóng viên báo nội địa không có, ngoại trừ những tờ báo quan trọng như New York Times và Washington Post.

PV: Lời khuyên của ông với phóng viên trẻ là gì?

Peter Arnett: Thành thật mà nói, tôi chẳng đủ thông tin về nghề báo hiện tại cùng các cơ hội của nó. Tôi đã nghỉ hưu từ năm 2006 và kể từ đó đến nay đã có quá nhiều thay đổi trong kỹ nghệ tin tức lẫn kỹ thuật. Những ngày này, ở tuổi 86, tôi viết, nói và suy nghĩ về ý nghĩa lịch sử của thời đại báo chí của mình, chừa lại môi trường truyền thông hiện tại và tương lai cho những ai theo dõi nó.

Tôi nghĩ nếu bất kỳ bạn trẻ nào còn đọc những điều này và thích thú tìm hiểu cuộc đời làm báo mạo hiểm của tôi thì nên đọc cuốn tự truyện Live from the Battlefield của tôi, do Simon & Schuster xuất bản năm 1994. Nó được tờ New York Times chọn vào 100 cuốn sách hay trong năm đó, hiện bán khá rẻ trên Amazon. Nó sẽ chỉ đường cho các bạn!

PV: Một lần nữa, chúng tôi cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi cuộc phỏng vấn riêng biệt dành cho độc giả Việt Nam.

XS
SM
MD
LG