Một phái đoàn nghị sỹ cấp cao của Mỹ sẽ gặp công tố viên cao nhất của Tòa án Hình sự Quốc tế tại The Hague vào ngày 7/9 và thảo luận về các cáo buộc tội ác chiến tranh nhằm vào Tổng thống Nga Vladimir Putin, lãnh đạo phái đoàn cho biết hôm 6/9.
Phái đoàn do dân biểu Cộng hòa Michael McCaul, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, dẫn đầu, sẽ nói chuyện với công tố trưởng Karim Khan của ICC – dấu hiệu mới nhất về cải thiện quan hệ giữa Washington và tòa án tội ác chiến tranh hàng đầu thế giới.
ICC đã ban hành lệnh bắt ông Putin hồi tháng 3, cáo buộc ông phạm tội ác chiến tranh khi trục xuất hàng trăm trẻ em khỏi Ukraine bất hợp pháp. Nga đã nhiều lần phủ nhận quân họ dính đến tội ác chiến tranh, hoặc cưỡng ép đưa trẻ em Ukraine đi nơi khác.
McCaul cho biết ‘30.000 trẻ em đã bị đưa đi khỏi gia đình và bị nhồi sọ ở Nga’. Washington đang xem xét làm thế nào họ có thể ‘giúp The Hague thu thập thêm bằng chứng và thông tin tình báo để chứng minh ông Putin có tội,” ông nói.
Mỹ không phải là thành viên ICC, cũng như các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga, nhưng Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Merrick Garland đã ghé thăm tòa án này mà không loan báo hồi tháng Sáu, động thái lần đầu tiên xảy ra.
Hồi tháng 7, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu chính quyền của ông bắt đầu chia sẻ với ICC bằng chứng về tội ác chiến tranh mà Nga bị cáo buộc ở Ukraine.
Chính quyền Biden đã hỗ trợ công việc của ICC điều tra tội ác chiến tranh ở Ukraine kể từ khi Nga phát động xâm lược hồi tháng 2 năm 2022.
Khi được hỏi liệu có đủ bằng chứng chứng minh Nga, vốn cho rằng họ đang chiến đấu phòng vệ trước phương Tây, phạm tội diệt chủng hay không, các thành viên phái đoàn Quốc hội đã ví hành động này với việc Đức Quốc xã chiếm đóng châu Âu trong Đệ nhị Thế chiến.
“Khi anh tìm cách xóa đi một nền văn hóa, một dân tộc và một tôn giáo, đó là một định nghĩa diệt chủng,” ông McCaul nói.
Diễn đàn