Tờ báo tài chính số một của Anh, Financial Times, vừa có bài dài hơn 4.000 từ về các hoạt động kinh doanh của người giàu nhất Việt Nam, tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng.
Trái với hoàn cảnh éo le của cả hai anh em cựu uỷ viên bộ chính trị Đinh La Thăng, ông Vượng hiện vẫn vững như bàn thạch cho dù em trai ông, nguyên chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ, đã bị bắt vì tội đưa hối lộ.
Phóng sự của Financial Times khá công phu nhưng chỉ là cũ người, mới ta. Người Việt hầu như ai cũng biết những gì được viết ra với số lượng từ chật cứng sáu trang giấy khổ A4.
Nhưng với người nước ngoài, đây có lẽ là lần đầu tiên họ biết tới Vingroup của ông Vượng và giá trị về thông tin đối ngoại quan trọng hơn những gì phóng viên có vẻ cố để cân bằng lại ánh hào quang của Vingroup toả ra từ bài viết.
Hãy đi nhanh tới cuối bài với câu trích dẫn học giả Alexander Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh châu Á-Thái Bình Dương ở Honolulu: “Hiện giờ tôi nghĩ rằng… Vingroup là một trong những công ty tư nhân được quản lý tốt nhất ở Việt Nam... Vì thành công của bất kỳ công ty tư nhân nào ở đất nước [này] phụ thuộc vào quan hệ của họ với các chính trị gia, số phận của họ phụ thuộc nhiều vào [ganh đua] chính trị nội bộ giữa giới lãnh đạo cấp cao.”
Chuyện Vingroup được quản lý tốt là điều có thể hiểu được vì họ có tiền bỏ ra tuyển dụng những nhân tài hàng đầu ở cả Việt Nam và nước ngoài về làm việc cho họ.
Điều đáng nói ở đây là vế sau của lời trích dẫn. Vingroup của ông Vượng đã dựa vào những mối quan hệ nào để có được những mảnh đất vàng mà ông dùng làm đòn bẩy để gây dựng đế chế kinh doanh? Vingroup đã chăm sóc các mối quan hệ đó ra sao? Tại một đất nước mà các quan chức được coi là “bậc thầy về nhận hối lộ”, người ta có quyền đặt câu hỏi công ty của ông Vượng liệu đã bao giờ đưa hối lộ chưa và nếu có thì đưa cho ai?
Nói tới chuyện đưa hối lộ, tôi xin kể những chuyện tôi nghe được từ thời gian đầu Đổi Mới của Việt Nam và tình trạng này ngày càng tồi tệ.
Chuyện thứ nhất liên quan tới một dự án trúng thầu của Bộ Tài chính. Dĩ nhiên người trúng thầu phải hiểu rằng họ sẽ phải bỏ ra một số phần trăm nhất định của dự án để hối lộ quan chức bộ này. Vậy họ phải làm sao để hợp pháp hoá các khoản chi này trên giấy tờ? Giải pháp là tuyển mấy nhân viên ma, người không có mà lương vẫn nhận đều.
Chuyện thứ hai nhỏ hơn nhưng cũng thể hiện sự láu cá của các công ty nước ngoài. Hồi năm 1999 tôi phụ trách quan hệ đối ngoại cho IBM Việt Nam. IBM tuân thủ luật cấm hối lộ của Hoa Kỳ và tôi không được phép đưa phong bì cho các phóng viên và quà tặng không được có trị giá quá 50 đô la. Nhưng nếu tôi mời phóng viên đi dự hội nghị, hội thảo ở những nơi xa thì tôi có thể trả tiền vé máy bay, khách sạn và chi phí ăn uống cho các nhà báo. Trong khi đó một đối thủ cạnh tranh của IBM đã thuê một công ty làm quan hệ đối ngoại của Việt Nam và nhắm mắt làm ngơ cho công ty này đưa phong bì cho phóng viên.
Tác giả phóng sự về Vingroup trên Financial Times, phóng viên John Reed, kể rằng khi ông tham dự lễ ra mắt thương hiệu điện thoại di động Vsmart của ông Vượng, tập tài liệu dành cho các nhà báo bao gồm cả phong bì trong đó có hai triệu đồng. Phóng viên phương tây không được phép nhận phong bì và ông Reed nói ông đã trả lại phong bì của Vingroup.
Đó là phong bì tại cuộc họp báo đại trà. Không rõ nếu họ cần các nhà báo cho các vụ việc cụ thể thì trong phong bì đó sẽ có bao nhiêu triệu. Câu hỏi tương tự cũng có thể được đặt ra cho các quan chức có liên quan tới Vingroup.
“Để thành công ở Việt Nam, người ta phải vun đắp quan hệ với những người làm trong chính quyền để được họ bảo vệ,” học giả Alexander Vuving được dẫn lời nói tiếp với Financial Times.
“Nhưng một khi người ta có quan hệ gần gũi với những người nhiều quyền lực trong nhà nước độc đoán, [người ta dễ] bị cám dỗ để dùng nó nhằm bịt miệng những người chỉ trích.”
Bài viết cho thấy Vingroup dùng mọi biện pháp để đảm bảo những tin tiêu cực, dù chúng có là sự thật, về tập đoàn này biến mất khỏi ánh mắt dõi theo của công chúng càng nhiều càng tốt. Các cách đó có thể là tiền, là dùng ảnh hưởng của Vingroup với lực lượng công an hay thậm chí là xã hội đen như cáo buộc của một số người được Financial Times phỏng vấn.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc từ chỗ chất vấn ai cho Vingroup xây những toà nhà quá cao ở trung tâm Hà Nội hồi đầu nhiệm kỳ giờ đã coi những gì Vinfast làm được trong ngành ô tô là “kỳ tích”. Dĩ nhiên kỳ tích đó có sự đóng góp của chính phủ với những ưu đãi về chính sách và thuế cao đánh vào xe ngoại nhập để Vinfast có thể bán xe với giá cao gấp hàng chục lần thu nhập bình quân đầu người trong khi giá xe tại các nước giàu chỉ ngang bằng với thu nhập bình quân đầu người. Tại Anh chiếc xe Volkswagen cũ đầu tiên tôi mua chỉ có 400 bảng. Chiếc Ford Mondeo thứ hai hơn 2.000 bảng. Chiếc Renault Megane mua mới giá 14.000 bảng và chiếc Renault Clio thể thao hiện nay chưa tới 10.000 khi mua xe đã dùng được khoảng ba năm và đi chừng 30.000km.
Người viết bài cho Financial Times nói rằng người Việt đang dùng ‘Vin mọi thứ’, từ nhà cửa, trường học, dịch vụ y tế, điện thoại và nay là xe hơi. Điều đáng lo là họ sẽ chịu ảnh hưởng bởi các chính sách của Vin chính phủ cho dù Vin chẳng phải là chính chủ của bất kỳ chính phủ nào.