Thiện Ý
Sau khi dàn dựng màn mở đầu “Phá án”, công an đưa chúng tôi trở lại nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu tiếp tục “làm việc” tức bị công an chấp pháp thẩm vấn, điều tra xét hỏi.
Tôi được đưa thẳng trở lại buồng giam tập thế số 8, Khu C.2. vào buổi sáng một ngày cuối tháng 11-1978. Anh em bạn tù lo lắng hỏi tôi bị đưa đi đâu mà cả đêm hôm qua không trở về buồng giam. Nhưng tôi chỉ nói là công an đưa đi làm việc nơi khác. Vì người bạn tù lớn tuổi nằm cạnh tôi đã nói riêng với tôi phải cẩn thận lời ăn tiếng nói để tránh tai mắt của công an trong phòng giam mà anh em gọi là ăng-ten (theo tiếng pháp). Đó là những kẻ có nhiệm vụ báo cáo cho quản giáo những gì nghe, thấy được liên quan đến các tù nhân trong cùng buồng giam. Qua một ngày đêm bị bỏ đói khát và mất ngủ, tôi lăn ra ngủ cho đến khi nghe tiếng anh em gọi nhau lấy phần ăn trưa. Vẫn bobo với chút nước muối pha loãng. Tôi được người bạn tù kế bên chia cho chút muối mè mặn; nên tôi đã ăn và cảm thấy ngon miệng, dù bobo là thực phẩm dùng cho ngựa ăn ở Liên Xô, rất khó ăn.
Tôi ở buồng giam tập thể số 8 trước sau khoảng hai tuần. Vào một ngày đầu tháng 12-1978, công an coi tù mở cửa buồng giam kêu tôi đem hết đồ đạc cá nhân ra ngoài. Sau đó chuyển tôi vào biệt giam số 6 nằm cùng dãy với buồng giam tập thể số 8 ở phía bên ngoài.
Tôi vừa bước vào buồng biệt giam, cửa sắt đóng lại, bóng tối tràn ngập. Tôi có cảm giác hụt hẫng tối xầm mắt, như vừa bị ném từ vùng sáng vào một vùng đen tối sâu thẳm. Sau ít phút định thần, tôi thấy buồng giam tối đen mỗi lúc một sáng mờ dần nhờ ánh sáng chiếu qua khe một cửa sổ nhỏ trên cửa sắt biệt giam đóng kín. Ánh sáng này giúp tôi dần dần nhận ra được không gian của biệt giam. Buồng rộng khoảng 1 mét 50, dài 2 mét 50. Chỗ ngủ cho tù nhân là một bệ xi măng dài khoảng 2 mét, rộng 1 mét. Chiều dài bệ xi măng ngăn cách với một không gian khoảng dưới một mét vuông làm cầu tiêu, có vòi nước gắn vào tường mặt tiền biệt giam. Chiều rộng bệ xi măng giáp với một rãnh làm lối đi thấp hơn khoảng 0.5 mét, rộng khoảng 0.5 mét. Rãnh này (tù nhân gọi là phi đạo) chạy dài ra đến cửa biệt giam, là một cửa sắt. Cửa này có một cửa sổ nhỏ cao ngang tầm đứng của tù nhân có chiều cao trung bình, dài rộng vừa đủ cho một khuôn mặt trung bình áp vào để lấy ánh sáng hay hít thở khí trời. Sau này được biết tù nhân gọi là ‘cửa gió’, được đóng mở theo thời gian quy định trong ngày; hay đóng cửa dài hạn nhiều ngày, được sử dụng như biện pháp trừng phạt tù nhân vi phạm nội quy hay ngoan cố không khai theo ý muốn của chấp pháp.
Ba ngày đầu ở biệt giam cửa gió bị đóng và chỉ được mở hai lần một ngày vào giờ đưa đồ ăn sáng và chiều do những người tù được tin tưởng cho ra khỏi buồng tù trong thời gian làm lao động. Ngày thứ tư tôi được công an kêu ra khỏi biệt giam đi “làm việc.” Vừa bước vào phòng làm việc, tôi đã thấy một người mặc thường phục mang kính đen ngồi ở bàn. Tôi cúi đầu chào và một cách tự nhiên bê chiếc ghế nhỏ không có tựa lưng ở gần sát tường đặt gần sát bàn làm việc. Tôi đã quên là mình đang là tù nhân, không được phép làm như vậy; là vi phạm khoảng cách an toàn giữa tù nhân và chấp pháp. Nhưng tôi không thấy viên chấp pháp này nói gì mà mở đầu bằng câu vấn an sức khỏe, rồi tự giới thiệu là người thay thế công an tên H. Đội trưởng đội chấp pháp làm vụ án MTNQVN. H. là người tôi đã gặp hai lần trước đó mà tôi đã nói ở phần trước. Một lần đầu sơ ngộ và lần thứ hai còng tay bịt mắt tôi dung xe đưa đến biệt giam công an Quận 8 Saigon chuẩn bị phá án. Khác đội trưởng H. là người Nghệ Tĩnh, đội trưởng thay thế đang ngồi trước mặt tôi là người nói tiếng Bắc. Ông này trạc trên dưới 50 tuổi, khuôn mặt gầy, khắc khổ, trầm tĩnh; khác với H. trạc ngang tuổi, khuôn mặt béo tốt, dáng mập mạp, lanh lợi, giọng Nghệ Tĩnh sôi nổi. H. tự giới thiêu tên T.A.N. Trong lần làm việc đầu tiên này, tôi cảm thấy mình an tâm và bình tĩnh hơn lần đầu làm việc với H. Ngồi đối diện, mắt nhìn thẳng vào mặt đội trưởng chấp pháp, tôi trả lời một câu hỏi duy nhất anh ta đặt ra cho tôi là - Vì sao anh chống chế độ khi đảng đã cho anh những điều kiện và cơ hội thuận lợi để phục vụ nhân dân và đất nước?
Nghe câu hỏi này, tôi đoán ngay là công an đã nắm rõ lý lịch của tôi. Tôi nghĩ ngay đến sự kiện trước đó, chưa đầy một năm trước khi bị bắt. Đó là sự kiên tháng 1 năm 1978, tôi được một công an khu vực trường học tôi đang giảng dạy, tên S. khi làm công tác tư tưởng khuyến dụ tôi vào đảng CSVN; đã đánh giá tôi “Đồng chí là người có lý lich tốt, có năng lực nhiệt tình trong công tác giảng dạy và sinh hoạt học đường và ảnh hưởng quần chúng. Vì vậy chi bộ nhà trường muốn tạo cơ hội cho đồng chí gia nhập đảng CSVN”. (Sự kiên này tôi đã trình bày rõ chi tiết về cơ hội vào đảng và lý do tôi từ chối thế nào, đã được trình bày trên diễn đàn này trong một chương trình trước đây. Cũng như trước đó trên “Diễn đàn Bạn đọc” đài (VOA) ngày 7-2-2018). Liên tưởng đến sự kiện này, tôi nghĩ đây có thể là thế mạnh cho tôi khi làm việc với chấp pháp, để họ có thể làm việc với tôi theo một mối quan hệ mang tính mâu thuẫn nội bộ hơn là mâu thuẫn đối kháng (một mất, một còn). Nghĩa là trong chừng mực nào đó, từng được coi là “đồng chí nay có sai phạm nghiêm trọng” hơn là một tội phạm phản động chống chế độ.
Vì thế tôi trả lời theo chiều hướng ngụy biện để làm nhẹ tính chất tội phạm, gỡ tội. Đại để:
(1)- Tôi nói không chống chế độ với âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng, mà chỉ đấu tranh ôn hòa đòi các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền được quy định trong hiến pháp hiện hành. Tôi lập luận rằng, vì trước 30-4-1975, ở Miền Nam có cả một chính quyền, quân đội được Mỹ hỗ trợ vũ khí, lương thực, đạn dược, hậu cần… mà đã không chống nổi, thì nay, chúng tôi một nhóm người mới quy tụ thành một tổ chức chưa đi vào đấu tranh đã bị phá vỡ, thì làm sao chúng tôi chống để lật đổ chính quyền được. Thực tâm, chúng tôi chỉ muốn hình thành một tổ chức đối lập xây dựng, đấu tranh ôn hòa bằng vũ khí nhân quyền, để thúc đẩy chế độ tưng bước thực thi các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền, đã được ghi trong Hiến pháp hiện hành, phù hợp với ước muốn của toàn dân; cũng là ước muốn đã trở thành mục tiêu đấu tranh bao lâu nay của Hồ Chủ Tịch và các thế hệ đảng viên cộng sản chân chính, cũng như những người yêu nước không phải đảng viên CS như cha tôi. Tất cả đã chiến đấu và hy sinh cho các mục tiêu, lý tưởng tối hậu và cao cả.
(2)- Về lý do cá nhân chống chế độ khi tôi có cơ hội tiến thân trong chế độ mới
Tôi dùng ngay sự kiện từ chối cơ hội vào đảng CSVN và những ưu quyền đặc lợi sẽ được hưởng như anh công an khu vực trường học (Thiếu úy S. năm 1992 đã là Trung tá Trưởng cộng an một Quận nội thành) đã đưa ra một số quyền lợi tôi sẽ được hưởng nếu tôi gia nhập đảng CSVN. Cụ thể: tôi sẽ được tăng lương, biên chế vào Ban giám hiệu, muốn công tác bất cứ trường nào trong thành phố sẽ được giải quyết, khi công tác có nhu cầu tài chánh bao nhiêu cũng sẽ được cứu xét, đáp ứng… nếu tôi vào đảng. Tất cả tôi muốn chứng tỏ động lực vị tha (vì dân, vì nước) trong sáng của mình khi tham gia vào một tổ chức mang tính đối lập xây dựng để đấu tranh cho các quyền dân chủ, dân sinh, nhân quyền. Tôi cũng nói rõ với anh công an đội trưởng chấp pháp, là dù bị tù tội, tôi vẫn không ân hận, chấp nhận mọi hình phạt của đảng và nhà nước. Vì trước khi làm tôi có suy nghĩ thấu đáo. Tôi nhận trách nhiệm.
Ngoài ra tôi cũng nói một động lực tham gia MTNQ có tính chủ quan là do bất mãn. Vì đảng không tin tôi chỉ vì tôi là người Công Giáo. Bằng chứng tôi nêu ra là kỳ hè năm học 1976-1977, tôi được gửi đi học toàn thời gian khoảng một tháng về chủ nghĩa Mác-Lê để đào tạo làm Tổ trưởng cho lớp học tập chính trị hè dành cho các giáo viên toàn thành phố niên học 1976-1977. Mặc dầu tôi được trong Tổ bình bầu là cá nhân xuất sắc của khóa học. Thế nhưng khi vào khóa học tập chính trị hè năm ấy, tôi đã không được cử làm Tổ Trưởng, chỉ vì trong bài thu hoạch cuối khóa học tôi đã kết luận rằng, qua khóa học này tôi đã thông suốt nhận thức, chỉ còn một tồn tại trong tôi, là “Một người Việt Nam Công giáo như tôi, nếu đem hết năng lực, nhiệt tình phục vụ nền giáo dục cách mạng, thì còn hạn chế gì không?” Tôi nhớ sau khi đọc bài thu hoạch cá nhân cuối khoa học này, không khí trong phòng họp Tổ như khựng lại một phút im lặng, mọi người có vẻ suy tư. Chị H.T.T Hiệu phó Trường Nguyễn Thị Minh Khai (Gia Long cũ), lúc đó là Tổ phó ngồi bên nói nhỏ với tôi “Tôi hiểu tâm trạng của Thắng, vì sau khi tiếp thu Hà Nội sau Hiệp Định Genève 1954, tôi cũng có mấy người bạn Công giáo mang tâm trạng hoang mang như Thắng. Nhưng sau thực tế cuộc sống sẽ hóa giải tất cả…” Trước đó chị này cho tôi biết, chị là con gái quan đại thần H.Đ.D đã đi theo kháng chiến sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, chồng chị là luật sư tên V. Chị được điều từ Miền Bắc vào Miền Nam sau 30-4-1975 được cử là Hiệu phó trướng Nguyễn Thị Minh Khai. Được cấp cho một biệt thự trên đường Tú Xương. Lấy sự kiện này, tôi đã cho rằng đảng đã không thực sự tin tôi, chỉ vì tôi là người Công Giáo, nên tôi đã tham gia tổ chức MTNQVN và cũng từ chối cơ hội vào đảng CSVN. Tất nhiên đây là lý do giả tạo, cũng chỉ là cách ngụy biện để làm nhẹ tính “phản động chống chế độ” của mình.
Nhớ lại lúc đó tôi trả lời câu hỏi trên rất mạch lạc, hào hứng, đôi lúc còn khua tay tự nhiên như ngoài đời tôi thường diễn đạt khi tranh luận. Mắt tôi luôn nhìn thẳng và di chuyển theo hướng di chuyển mặt nhìn nghiêng hay nhìn thẳng về phía tôi của viên đội trưởng. Tôi muốn dùng mắt nhìn thẳng vào đối tượng để chứng tỏ sự tự tin, ngay thẳng. Đây là cách tạo thế áp đảo trong các cuộc đối luận mà tôi đã học được đâu đó khi làm luật sư ở Saigon trước 30-4-1975.
Tôi có cảm tưởng những gì tôi nói được viên Đội trưởng chấp pháp quan tâm, suy tư khiến tôi càng hứng thú nói hăng hái. Tôi vững tin hơn khi liên tưởng đến lời cầu nguyện trước khi bước ra khỏi biệt giam đi gặp chấp pháp làm việc “lạy Chúa, xin ban ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho con biết hành động khôn ngoan”. Lời nguyện này trở thành thói quen trong các lần đi gặp làm việc với chấp pháp sau đó. Về đức tin tôn giáo, trước khi vào tù, tôi không phải là một tín hữu sùng đạo, song luôn giữ đạo nghiêm túc, tuân giữ lề luật của giáo hội và thực hành đức tin qua đam mê hoạt động xã hội. Thời Trung, Tiểu học thì tham gia các đoàn thể tôn giáo. Lên Đại học thì thành lập và hoạt động trong đoàn công tác xã hội liên khoa, gồm các sinh viên đồng môn Trung học công lập Ban mê thuột qui tụ trong Hội Ái hữu Trung học Ban mê thuột. Ngoài các hoạt động ái hữu tương thân tương ái là chính, chúng tôi thỉnh thoảng tổ chức các cuộc lạc quyên cứu trợ nạn nhân thiên tai hay chiến tranh. Tôi được các đồng môn Trung học BMT bầu là Chủ tịch Ủy ban cứu trợ cho BMT và hoạt động tích cực cho đến khi quân đội CSBV tiến vào Sài Gòn ngày 30-4-1975. Giờ đây vào tù, đức tin tôn giáo là chỗ dựa duy nhất có thể cứu tôi. Vì vậy, tôi nghĩ đến và nghĩ ra lời cầu nguyện với Chúa trước khi đi làm việc với chấp pháp như trên.
Khác với người tiền nhiệm tên H., tôi không gọi đội trưởng chấp pháp tên N. là cán bộ, mà xưng hô anh và tôi. Nhưng không thấy anh ta nói gì, im lặng và kiên nhẫn ngồi nghe tôi nói thao thao cả giờ đồng hồ về câu hỏi được đặt ra như vừa trình bày.
Trở lại buổi làm việc đầu tiên với đội trưởng chấp pháp T. A. N. Sau khi chăm chú nghe tôi trả lời có vẻ hăng say câu hỏi trên, tôi thấy dường như có sự chuyển biến tư duy của viên Đội trưởng chấp pháp, theo chiều hướng có nhiều thuận lợi cho tôi. Vì tôi thấy được sự chuyển biến thể hiện trên khuôn mặt và thái độ lời nói, cư xử của N. với tôi sau đó. Anh ta có vẻ cởi mở và nói với tôi trong khi chờ trại giam cho phép viết thư, tôi có thể viết thư ngay bây giờ gửi cho vợ tôi để anh chuyển cho. Tôi có hơi nghi ngờ hậu ý không tốt của sự cho phép viết thư không bình thường này. Nhưng càng về sau, tôi mới biết tôi đã nghi ngờ sai về lòng tốt của viên Đội trưởng chấp pháp này. Lòng tốt được thể hiện ra sao tôi sẽ kể lại sau. Chỉ biết rằng trong niềm tin của mình, tôi tin rằng Chúa đã gửi đến một người để cứu tôi. Vì nếu không có sự thay đổi, tôi sẽ phải làm việc với Đội trưởng chấp pháp tên H., gốc Nghệ Tĩnh, cái nôi của cách mạng Đỏ, nơi sản sinh ra các lãnh tụ CS hàng đầu như Hồ Chí Minh, Lê Duẩn. H. là người tôi đánh giá rất “Bolsevic” (tên đảng CSLX, với nghĩa bóng là “rất chuyên chính kiểu cộng sản”, theo kiểu đảng CS Bolsevic Nga đối xử tàn ác, không khoan nhượng với người dân Nga bị coi là kẻ thù của chế độ XHCN thiết lập sau cách mạng Tháng 10 -1917 lật đổ chế độ Nga Hoàng.
Khoảng gần 2 tuần sau khi làm việc với Đội trưởng chấp pháp T.A.N, lần đầu tiên tôi nhận được quà của vợ tôi gửi cho, vào đúng dịp lễ Giáng Sinh đầu tiên trong tù, Giáng sinh năm 1978.
GIÁNG SINH ĐẦU TIÊN TRONG BIỆT GIAM SỐ 6 KHU C.2.
Nhận được quà nuôi chứ chưa được thăm để gặp mặt, chỉ khoảng một tuần trước lễ Giáng sinh 25-12-1978. Tôi rất vui mừng vì từ hôm bị đưa vào nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu, hàng ngày tôi chỉ ăn bobo với nước muối pha loãng. Những ngày sống ở buồng giam tập thế số 8, thỉnh thoảng tôi cũng được anh em bạn tù có thăm nuôi hàng tháng chia sẻ cho chút ít đồ ăn nên cũng đỡ khổ. Nhưng mấy tuần bị nhốt trong biệt giam thì ngày nào cũng cố nuốt bobo với nước muối. Nay nhận được đồ nuôi của vợ gửi cho, tôi nghĩ ngay đến việc chia sẻ chút ít muối mè, mì gói cho mấy anh em chưa có thăm nuôi ở buồng giam tập thể số 8. Tôi lén nhờ một anh làm lao động khi chia phần ăn cho tôi đưa chút ít đồ ăn cho anh Trần Liệu để anh chia sẻ cho anh em bạn tù chưa có thăm nuôi.
Anh làm lao động này là một trong hai người làm nhiệm vụ phát đồ ăn cho các buồng giam Khu C.2. Anh này trạc ngoài 20 tuổi, có cha tập kết, sống với mẹ ở Miền Nam, được làm trong công ty vận chuyển hải sản. Bị bắt giam trong một chuyến chở cá lóc từ Miền Tây về Sài Gòn, đã tuồn ra bán lậu. Anh này người Miền Nam phóng khoáng, lại có thế, nên sẵn sang chuyển đồ cho anh em, dù nội quy trại giam cấm. Còn người lao động thứ hai là một anh tù già gốc Nghệ Tĩnh, khoảng ngoài 50 nhưng khuôn mặt khắc khổ như người già ngoài 60. Ông ta là cán bộ đảng viên cộng sản, bị bắt ở tù vì tội tham ô, những vẫn còn rất Bolsevic” (rất cộng sản). Mặc dầu ở tù anh lao động này vẫn ca ngợi “Bác và Đảng ta”, vẫn tin vào duy vật biện chứng về tình cha mẹ với con cái. Ông ta có lần nói bô bô “Tình nghĩa gì? Khi con cái sinh ra chỉ là kết quả của những giây phút khoái lạc …” Ông ta nói điều này khi nghe ai đó lên án một đứa con bất hiếu, đã phải ngồi tù vì sát hại cha mẹ vì tài sản, của cải chia cho con cái bất công sao đó. Vì thế, không ai giám nhờ anh lao động già này làm bất cứ điều gì hay nói điều gì bị coi là phản động, có thể bị báo cáo để tránh hại vào thân.
Đêm Giáng Sinh đầu tiên trong tù 24-12-1978, trong bốn bức tường biệt giam số 6, ánh sáng mờ mờ hắt xuống từ một bóng đèn ngủ trong khung lưới sắt thông hơi trên trần cao. Tôi nằm ngửa trên bệ xi măng là giường ngủ của tù nhân, nhìn thấy hai con thằn lằn đuổi nhau trên trần và biến mất rất nhanh sau khi cả hai chui qua lưới sắt. Không gian nhỏ hẹp trong biệt giam hoàn toàn im lặng. Tôi nhớ về gia đình, không biết giờ này Mẹ già, người vợ hiền và hai con thơ dại tôi đang làm gì? Tất cả có đi lễ đêm Giáng sinh 24-12 tại ngôi Thánh đường họ lẻ Chánh Hưng, thuộc Giáo xứ Nam Hải, Quận 8 Saigon như những Giáng sinh tôi còn ở nhà?
Trong đầu tôi vang vọng những khúc nhạc thánh ca Giáng sinh quen thuộc. Tôi nằm nhắm mắt chờ đợi tiếng chuông báo lễ Giáng sinh từ ngôi nhà thờ Gia Định cổ kính gần chợ Bà Chiểu phía đường Nguyễn Chế Nghĩa. Đường này nối với ba đầu đường khác tạo thành ngã tư gồm: Bạch Đằng chạy ra Hàng Xanh xa lộ Saigon, Biên Hòa, đường Lê Công Định chạy về hướng Gò vấp, qua trường Hồ Ngọc Cẩn và đường Chi Lăng chạy qua Tòa Tỉnh Gia định cũ về hướng Phú Nhuận. Khu vực này quá quen thuộc và có nhiều kỷ niệm với tôi thời Việt Nam Cộng Hòa. Tôi nằm chờ đợi trong suy tư, thầm hát nhỏ bài Thánh ca “Đêm Thánh vô cùng” và “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời” thường vang lên trong các mùa Giáng sinh năm nào; mà hầu như tín đồ Công Giáo già trẻ nào đều thuộc nằm lòng.
Bên ngoài biệt giam thì hoàn toàn vắng lặng, bình thường như những đêm bình thường trong nhà tù số 4 Phan Đăng Lưu. Tôi dần thiếp ngủ mà không biết tiếng chuông báo hiệu lễ Giáng sinh có vang lên từ tháp cao của ngôi thành đường cổ kính gần nhà tù hay không. Tôi bị đánh thức khi tiếng vang lạch cạch cửa gió biệt giam được mở ra vào sáng hôm sau, 25-12-1978, ngày lễ Giáng sinh chính thức của các giáo hội Thiên Chúa Giáo trên khắp thế giới. Nhưng trong nhà tù của một chế độ cộng sản chủ trương vô thần, vào thời gian mới thiết lập ở Miền Nam, dường như nhà cầm quyền không muốn tù nhân thấy có gì đặc biệt hơn mọi ngày. Ngay cả ngoài nhà tù, trên cả Miền Nam mới bị cộng sản hóa, khi chưa bị tù, tôi cũng thấy các sinh hoạt tôn giáo nói chung, sinh hoạt trong các dịp lễ truyền thống của Công giáo nói riêng, như Giáng sinh, cũng bị hạn chế rất nhiều. Bởi vì, dưới chế độ cộng sản vô thần, tôn giáo bị coi như thuốc phiện mê hoặc con người, một lực lượng phản động mang tính mâu thuẫn đối kháng (một mất, một còn) với chế độ. Vì vậy nhà cầm quyền luôn coi tôn giáo là đối tượng phải đề phòng, ngăn chặn đẩy lùi từng bước, tiến tới mục tiêu tối hậu là tiêu diệt hoàn toàn tôn giáo.
Kỳ tới: Từ biệt giam số 6 nhà tù Phan Đăng Lưu, đến cái Tết đầu tiên trong biệt giam số 9 công an TPHCM 1979.
Thiện Ý
Houston, Giáng sinh 2020.