Đường dẫn truy cập

Phản hồi của blogger trong nước trước bản án của Trương Duy Nhất


Blogger Trương Duy Nhất (TDN Facebook)
Blogger Trương Duy Nhất (TDN Facebook)
Trà Mi xin chào đón quý vị và các bạn đến với Tạp chí Thanh Niên hằng tuần của đài VOA.

Thêm một blogger bị Việt Nam kết án tù về tội danh ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’ theo điều 258 Bộ luật Hình sự, một trong những điều luật bị quốc tế lên án là vi phạm nhân quyền.

Ông Trương Duy Nhất bị bắt từ tháng 5 năm ngoái vì các bài viết trên blog cá nhân Một Góc Nhìn Khác phản ánh thực trạng xã hội, bày tỏ quan điểm trái với nhà nước, và phê phán giới lãnh đạo.

Bản án 2 năm tù Tòa án Nhân dân Đà Nẵng tuyên phạt blogger Nhất hôm 4/3 đã khiến Hoa Kỳ và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới lên tiếng phản đối.

Thế còn phản hồi của giới trẻ viết blog độc lập trong nước về việc xét xử và kết án cựu phóng viên của truyền thông quốc doanh có góc nhìn khác, viết khác với nhà nước như thế nào? Giới trẻ yêu chuộng công bằng-dân chủ sẽ làm gì để bảo vệ công lý-tự do cho những ngòi bút độc lập?

Mời quý vị nghe cuộc thảo luận giữa 3 bạn trẻ trong Mạng lưới Blogger Việt Nam trên Tạp chí Thanh Niên VOA hôm nay: Trần Tuấn Lâm, Đinh Nhật Uy, và Nguyễn Đình Hà.

Bùi Tuấn Lâm: Tôi là Tuấn Lâm tức blogger Peter Lâm Bùi, người thành phố Đà Nẵng hiện đang sinh sống làm việc tại Sài Gòn.

Đinh Nhật Uy: Tôi là Nhật Uy ở Long An.

Nguyễn Đình Hà: Tôi là Đình Hà đang sinh sống làm việc ở Hà Nội.

Trà Mi: Các bạn là những blogger quan tâm đến vụ án của Trương Duy Nhất. Ý kiến các bạn thế nào về tiến trình xét xử và bản án của blogger này?

Bùi Tuấn Lâm: Nhật Uy là người cách đây vài tháng cũng bị nhà nước đem ra xét xử về điều luật 258. Tôi nhường cho Uy nói trước.

Đinh Nhật Uy: Bản án của anh Nhất mọi người đều nói là vô lý. Cơ bản là điều 258 rất mơ hồ, trừu tượng. Bản thân tôi từng bị án 15 tháng tù treo về 258 này. Bây giờ tới anh Nhất. Lẽ ra anh Nhất và tôi phải vô tội. Nhưng họ cố tình nhào nặn, quy chụp là ‘lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước’.

Trà Mi: Từ phía Bắc theo dõi phiên xử này, blogger Đình Hà cũng là một thành viên trong Mạng lưới Blogger Việt Nam, anh có suy nghĩ thế nào?

Nguyễn Đình Hà: Phiên tòa này không đảm bảo đúng các nguyên tắc xét xử. Kết án anh Nhất có tội là không tôn trọng các cam kết nhân quyền quốc tế của chính phủ Việt Nam. Anh Nhất sử dụng quyền tự do ngôn luận để biểu đạt chính kiến là việc đáng trân trọng. Việc xử anh theo tội danh cáo buộc như thế là không thể chấp nhận được.

Trà Mi: Các lý do khiến anh cho rằng việc xét xử ông Nhất không đúng các nguyên tắc luật định?

Nguyễn Đình Hà: Những người quan tâm không được tham dự phiên tòa, có nhiều đe dọa khi họ đứng bên ngoài tòa. Điều này vi phạm nguyên tắc quan trọng trong xét xử đó là công khai và minh bạch ở một nước dân chủ.

Bùi Tuấn Lâm: Về vấn đề phiên tòa công khai, Lâm là một người mới tham dự UPR của Việt Nam về. Chính trong phiên UPR đó, Lâm nghe đại diện của Việt Nam đọc bản trả lời đã soạn sẵn nói về quyền tham dự các phiên tòa ‘công khai’. Đại diện của nhà nước Việt Nam đã nói láo. Lâm cũng là người từng tới rất nhiều phiên tòa mang tiếng ‘công khai’ ở Việt Nam như phiên xử Tạ Phong Tần, Điếu Cày, Nguyễn Phương Uyên-Đinh Nguyên Kha, hay ngay như phiên xử của blogger Đinh Nhật Uy. Người ta nói láo một cách trắng trợn rằng bất cứ ai cũng được tham gia, nhưng thực tế là ngay cả người thân còn không được tham gia. Cách người ta nói và làm trái ngược nhau hoàn toàn. Phiên tòa hôm nay là cái rõ ràng nhất để chứng minh rằng chính quyền Việt Nam nói tốt hơn là làm tốt.

Trà Mi: Ngoài tính chất của phiên tòa, các bạn có nói bản án và việc xét xử ông Nhất không đảm bảo cam kết nhân quyền của Việt Nam với quốc tế. Là người dự phiên báo cáo nhân quyền của Việt Nam ở Liên hiệp quốc, anh Lâm liên hệ vấn đề này thế nào với vụ việc của ông Trương Duy Nhất?

Bùi Tuấn Lâm: 258 là điều luật rất mơ hồ. Họ dựng lên điều luật này để triệt tiêu những tiếng nói đối lập. Đây là một trong những điều luật bị các nước yêu cầu xóa bỏ vì sai trái, vi phạm nhân quyền. Tại UPR, rất nhiều chính phủ đã khuyến nghị Việt Nam phải xóa bỏ điều 258 đó. Việt Nam thì luôn muốn giữ điều luật này để ngăn chặn, cản trở những người dân trong nước nhìn nhận được những điều sai trái để nêu lên qua quan điểm qua lời nói hoặc việc làm của mình thúc đẩy xã hội tốt hơn. Phiên tòa ông Nhất là bất công và tôi phản đối.

Trà Mi: Ông Nhất bị kết tội vi phạm điều 258 qua các bài viết ‘không đúng sự thật, bôi nhọ lãnh đạo, làm giảm lòng tin nhân dân vào đảng và nhà nước’. Cáo trạng dành cho nội dung các bài viết của ông Nhất có thuyết phục không, đối với giới blogger ở Việt Nam?

Đinh Nhật Uy: Họ có cơ sở nào nói các bài viết của anh Nhất là xúc phạm tới ai? Những bài viết của anh chỉ nói lên quan điểm cá nhân về các sự kiện trong xã hội và đánh giá trình độ, năng lực lãnh đạo của cán bộ nhà nước. Đó là quyền tự do ngôn luận cá nhân của anh, một góc nhìn khác của công dân. Anh hoàn toàn vô tội.

Trà Mi: Anh Hà có suy nghĩ thế nào về cái gọi là ‘nói đúng’ hay ‘nói sai sự thật’ trong các cáo trạng như của ông Nhất?

Nguyễn Đình Hà: Công tố muốn buộc tội ‘nói sai sự thật’ hay ‘bôi nhọ’ người khác thì phải chứng minh được điều đó. Đằng này họ cứ chỉ cáo buộc mà không chứng minh bằng văn bản, cũng không đưa ra được câu chữ nào của ông Nhất là ‘sai sự thật’.

Trà Mi: Ông Nhất trên trang blog của mình có nói rằng việc chỉ trích lãnh đạo đảng-nhà nước không phải là điều kiêng kỵ vì họ là ‘đầy tớ của nhân dân’. Bản án hai năm tù dành cho ông hôm nay đã cho thấy rằng quan niệm của ông tuy đúng nhưng đặt không đúng chỗ, không phải là ở Việt Nam?

Bùi Tuấn Lâm: Đó là những gì đang diễn ra ở Việt Nam, nơi rất nhiều quyền tự do của con người luôn bị nhà nước chà đạp.

Nguyễn Đình Hà: Ngày Quốc tế Nhân quyền tháng 12 vừa rồi có ba nhân viên an ninh chặn xe tôi, không cho tôi đi làm. Họ bảo tôi những cái quyền mà tôi nói đó ở nơi khác chứ không có ở Việt Nam. Ở Việt Nam, người dân không có quyền tự do ngôn luận, những quyền đó họ đã tước đoạt mất hết rồi. Các nhân viên an ninh bảo tôi “Những quyền đó ở chỗ khác chứ không phải ở đây. Ở đây tao muốn mày làm gì thì mày phải làm thế.”

Trà Mi: Như vậy có thể hiểu ở Việt Nam người dân không thể nhìn khác, nói khác, hoặc viết khác nhà nước?

Bùi Tuấn Lâm: Lâm vừa nói chuyện với an ninh sau khi trở về từ UPR. Họ cho rằng những người lên tiếng cho những tiếng nói của sự thật hiện tại trong nước hoặc đem tiếng nói đó ra ngoài quốc tế là đi nói xấu đảng và nhà nước. Nhưng Lâm phản bác lại rằng chúng tôi không có nói gì xấu và không nói gì sai vì đó là những điều đang xảy ra trong đất nước này. Việt Nam là nước vừa tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc thì những tổ chức xã hội dân sự và những người dân bên trong Việt Nam khi thấy những vấn đề mà đảng và chính phủ này đang sai phạm thì người ta có quyền nêu lên để thúc đẩy sự phát triển. Nhưng họ đã tịch thu passport và cấm Lâm xuất cảnh. Đó rõ ràng là một vấn đề nhân quyền.

Trà Mi: Có thể nói điểm mấu chốt gây tranh cãi đối với các bản án 258 nằm ở chỗ ‘nói xấu’ hay ‘nói thật’. Một bên cho là ‘nói xấu’, còn một bên cho là ‘nói thật’. Vậy làm sao có thể bảo vệ những điều các bạn cho là ‘nói thật’?

Nguyễn Đình Hà: Thực tế cuộc sống sẽ chứng minh điều đó. Nhà cầm quyền muốn buộc tội ông Nhất thì phải chứng minh ông sai bằng những gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam. Chính quyền Việt Nam phải chứng minh được những gì họ làm là đúng.

Trà Mi: Trong khi nhà nước chưa đáp ứng được nhu cầu của các bạn trong việc chứng minh ‘nói sai sự thật’ là sai như thế nào, thì những bản án như thế này vẫn được tuyên ra…

Bùi Tuấn Lâm: Nếu chính phủ Việt Nam là một chính phủ mạnh, thật sự được lòng dân thì họ không sợ những tiếng nói sự thật này là ‘nói xấu’. Đúng ra, nhà nước nên lắng nghe và coi đó như một tấm gương để phản chiếu lại, để thay đổi.

Trà Mi: Nhưng các bạn làm thế nào để bảo vệ mình khi các bạn nói khác hoặc có những cái nhìn khác với quan điểm của nhà nước?

Bùi Tuấn Lâm: Đây cũng là câu hỏi tôi tự đặt ra cho mình. Lấy gì để bảo vệ mình khi mình đưa ra tiếng nói đối lập thì rất khó ngoài việc mình chỉ có tình yêu của mình dành cho đất nước này. Mình đi ra ngoài nhiều, mình thấy rằng đáng ra Việt Nam mình phải phát triển được hơn bây giờ nhưng vì sự lãnh đạo yếu kém, còn nhiều sai phạm của đảng cộng sản.

Đinh Nhật Uy: Họ lạm dụng quyền lực sẵn có trong tay để bóp chết những người dám chỉ trích họ. Bản án của Nhất thách thức lòng can đảm, sự can trường của các blogger Việt Nam hiện tại. Cái mà các blogger có thể bảo vệ bản thân mình là càng phải nói lên sự thật để càng ngày có nhiều người ủng hộ mình. Có bị đàn áp thì cũng phải chấp nhận.

Trà Mi: Mạng lưới Blogger Việt Nam được thành lập vì phản đối điều 258. Từ sau bản án của ông Nhất, Mạng lưới có những kế hoạch thế nào để bảo vệ công lý, tự do cho những ngòi bút độc lập?

Nguyễn Đình Hà: Chúng tôi tự bảo vệ chúng tôi bằng cách liên kết với nhau, có chung tiếng nói, lên tiếng phản đối việc xâm phạm nhân quyền. Những tiếng nói thống nhất phản đối bản án là việc đầu tiên cần thiết.

Bùi Tuấn Lâm: Chắc chắn chúng tôi, những người yêu chuộng tự do-công lý ở Việt Nam sẽ có những kế hoạch và việc làm rõ ràng để lên án sự bất công này.

Nguyễn Đình Hà: Bản án ông Nhất là sự đe dọa đối với những người phản biện trong xã hội Việt Nam.

Trà Mi: Cũng có ý kiến cho rằng nó thể hiện sự lo sợ của nhà nước đối với các blogger và những trang blog độc lập như ông Nhất. Các bạn nghĩ sao?

Nguyễn Đình Hà: Họ sợ sự phản kháng nên dùng các bản án để răn đe.

Trà Mi: Trước sự răn đe này, liệu các bạn có lo sợ hay cẩn thận hơn khi có cái nhìn khác với những gì nhà nước mong muốn?

Nguyễn Đình Hà: Chúng tôi vẫn sẽ tích cực áp dụng các quyền của mình để nói lên tiếng nói của mình.

Bùi Tuấn Lâm: Chúng tôi vẫn đang là số ít nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ không bao giờ sợ hãi.

Đinh Nhật Uy: Rõ ràng các bản án nối tiếp các phiên tòa bất công nhưng các blogger đứng lên nói lên tiếng nói của mình ngày càng tăng. Các blogger đến với nhau trên một niềm tin và ý chí để đạt tới một đất nước dân chủ, công bằng, và nhân quyền. Ước mơ đặt ra phải vươn tới để đạt được nó. Những bản án thế này không làm chúng tôi run sợ, càng làm tăng thêm ngọn lửa tranh đấu của chúng tôi.

Bùi Tuấn Lâm: Qua cuộc nói chuyện này, tôi muốn nhắn gửi tới những người đang lãnh đạo đất nước này rằng nếu bắt Trương Duy Nhất thì hãy bắt tất cả mọi người, trong đó có tôi. Những người có góc nhìn khác, những người thấy rõ được sự sai phạm của nhà nước này hiện giờ rất nhiều, nhưng cơ bản là họ chưa dám lên tiếng.

Nguyễn Đình Hà: Chúng tôi biết quyền của mình, sẽ tiếp tục thực hiện quyền của mình, và phổ biến cho những người khác. Đó là một trong những cách chúng tôi đang giúp những người xung quanh sử dụng quyền của họ và cải tạo xã hội này đi lên tốt hơn.

Trà Mi: Xin cảm ơn các bạn rất nhiều đã dành thời gian cho chương trình hôm nay.

please wait

No media source currently available

0:00 0:14:57 0:00
Tải xuống

VOA Express

XS
SM
MD
LG