Đường dẫn truy cập

Pháp: Hội đồng Hiến pháp chấp thuận tăng tuổi nghỉ hưu


Biểu tình của quần chúng tại Paris, Pháp, phản đối cải cách hưu bổng, ngày 13/4/2023.
Biểu tình của quần chúng tại Paris, Pháp, phản đối cải cách hưu bổng, ngày 13/4/2023.

Hội Đồng Hiến Pháp Pháp hôm Thứ Sáu 14/4 thông qua kế hoạch không được lòng dân để tăng tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 64, mang lại thắng lợi cho Tổng Thống Emmanuel Macron sau ba tháng biểu tình của quần chúng phản đối đạo luật đã làm tổn hại đến vai trò lãnh đạo của ông.

Động thái này đe dọa sẽ chọc giận các công đoàn và những người chỉ trích kế hoạch hưu bổng khác, bao gồm cả những người biểu tình tập trung tại các địa điểm trên khắp nước Pháp vào tối thứ Sáu 14/4 khi quyết định được đưa ra. Các đối thủ chính trị của ông Macron thề sẽ duy trì áp lực buộc chính phủ phải rút dự luật.

Hội đồng đã bác bỏ một số biện pháp khác trong dự luật hưu bổng, nhưng tuổi cao hơn là trọng tâm trong kế hoạch của ông Macron và là mục tiêu khiến những người biểu tình tức giận.

Ông Macron có thể ban hành dự luật trong vòng 15 ngày.

Trong một quyết định riêng nhưng có liên quan, hội đồng đã từ chối yêu cầu của các nhà lập pháp cánh tả cho phép trưng cầu dân ý về việc xác định 62 là tuổi nghỉ hưu chính thức tối đa. Hội đồng sẽ đưa ra phán quyết về một yêu cầu tương tự vào tháng tới.

Lực lượng an ninh túc trực sau hàng rào kim loại dựng trước Hội đồng Hiến pháp được bảo vệ nghiêm ngặt.

Vào lúc căng thẳng gia tăng nhiều giờ trước khi quyết định được đưa ra, ông Macron đã mời các công đoàn lao động gặp ông vào thứ Ba 18/4 “bất kể quyết định của Hội đồng Hiến pháp là gì,” văn phòng của ông cho biết. Tổng thống đã không chấp nhận yêu cầu của các công đoàn về một cuộc họp vào tháng trước. Các công đoàn đã tổ chức 12 cuộc biểu tình trên toàn quốc kể từ tháng 1 năm nay và có vai trò quan trọng trong việc cố gắng giảm bớt phản ứng thái quá của người biểu tình.

“Cánh cửa của Điện Elysee (dinh tổng thống) sẽ vẫn mở vô điều kiện cho cuộc đối thoại này,” văn phòng của ông Macron nói. Không có phản hồi ngay lập tức từ các công đoàn đối với lời mời.

Quyết định của hội đồng kết thúc nhiều tháng tranh luận sôi nổi trong quốc hội và sự sôi sục trên đường phố.

Các cuộc biểu tình tự phát đã được tổ chức trên khắp nước Pháp trước phán quyết của hội đồng chín thành viên. Những người phản đối cải cách hưu bổng đã phong tỏa các lối vào một số thành phố, bao gồm Rouen ở phía tây hoặc Marseille ở phía nam, làm chậm hoặc ngừng giao thông.

Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne đã bị một nhóm người chặn đường khi đang đi thăm một siêu thị bên ngoài Paris và hô vang “Chúng tôi không muốn điều đó”, ám chỉ cách bà lách qua cuộc bỏ phiếu của các nhà lập pháp để tiến tới cải cách hưu bổng.

Quyết định của chính phủ nhằm vượt qua một cuộc bỏ phiếu của quốc hội vào tháng 3 bằng cách sử dụng các quyền đặc biệt theo hiến pháp đã làm tăng thêm sự giận dữ của những người phản đối dự luật, cũng như quyết tâm của họ. Một nhóm khác chờ bà Borne ở bãi đậu xe.

“Chúng ta đang ở trong một nền dân chủ, vì vậy mọi người đều có thể thể hiện bản thân,” thủ tướng nói với đài truyền hình BFM TV. Bà nói: “Ưu tiên của tôi là mang lại sự bình tĩnh” và giải quyết những mối quan tâm cụ thể. Bà đi vào cửa hàng để thảo luận về các biện pháp chống lạm phát.

Nỗ lực tăng tuổi nghỉ hưu của tổng thống đã gây ra nhiều tháng đình công và biểu tình. Bạo lực do các nhóm cực tả cực đoan gây ra đã đánh dấu 12 cuộc tuần hành ôn hòa trên toàn quốc mà các công đoàn tổ chức kể từ tháng Giêng.

Các nhà lãnh đạo công đoàn nói rằng các quyết định của hội đồng sẽ được tôn trọng. Tuy nhiên, tám công đoàn đã gửi một “tuyên bố chung” tới Hội đồng Hiến pháp nêu rõ lập trường của họ.

Tổng Liên đoàn Lao động CGT cánh tả cho biết hôm thứ Sáu 14/4 rằng họ đã đệ trình “những cứu xét chính xác hơn” lên hội đồng. Công đoàn nói “chính phủ đã bắt cóc thủ tục của quốc hội” bằng cách đưa kế hoạch cải cách hưu bổng vào một dự luật tài trợ cho an sinh xã hội, do đó cho phép họ thông qua biện pháp này mà không cần bỏ phiếu.

“Hội đồng Hiến pháp chỉ có thể không tán đồng cải cách tàn bạo và phi lý này,” công đoàn cho biết trong một tuyên bố.

Các công đoàn đã tuyên bố sẽ tiếp tục các hành động phản đối trong nỗ lực buộc ông Macron phải rút lại biện pháp này.

Bà Sophie Binet, Tổng giám đốc CGT hôm thứ Năm 13/4 nói: “Chừng nào mà cải cách này không bị rút lại, thì việc biểu tình sẽ tiếp tục dưới hình thức này hay hình thức khác.”

Lãnh đạo Liên đoàn Lao động Dân chủ CFDT ôn hòa, Laurent Berger, cảnh báo rằng “sẽ có những hậu quả bất ngờ” nếu Hội đồng Hiến pháp bật đèn xanh cho chính phủ.

Các cuộc thăm dò đã liên tục chỉ ra rằng phần lớn công dân Pháp phản đối việc phải làm việc thêm hai năm nữa trước khi có thể hưởng trợ cấp hưu trí.

Giữ vững hy vọng đảo ngược được quyết định, các công đoàn và một số người biểu tình nhớ lại những điểm tương đồng với một biện pháp gây tranh cãi năm 2006 về hợp đồng lao động cho thanh niên đã đưa sinh viên, tham gia bởi các công đoàn, xuống đường. Đạo luật đó đã được thông qua quốc hội mà không cần bỏ phiếu và được Hội đồng Hiến pháp bật đèn xanh — và sau đó bị hủy bỏ để mang lại bình yên cho đất nước.

Diễn đàn

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG