Gần một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump ký sắc lệnh hành pháp tạm cấm nhập cảnh Hoa Kỳ đối với bảy nước có đa số người Hồi giáo, các đại biểu Dân chủ ở Quốc hội một lần nữa yêu cầu tân tổng thống Mỹ chấm dứt chính sách di trú gây nhiều tranh cãi này.
Từ các cuộc phản đối ở các phi trường cho đến một cuộc tụ tập biểu tình trước Tối cao Pháp viện, rồi một cố gắng bất thành ở hội trường Hạ viện, các đại biểu Dân chủ bất mãn kết thúc tuần lễ làm việc với cáo buộc cho rằng tân tổng thống đã phá vỡ những nguyên tắc mà ông hứa sẽ bảo đảm khi tuyên thệ nhậm chức.
Dân biểu Nancy Pelosi, lãnh tụ khối thiểu số Dân chủ ở Hạ viện, phát biểu:
"Chính quyền của ông Trump đã vi phạm tuyên thệ nhậm chức với những hành động không những vi hiến mà còn phương hại tới sự an toàn của người dân Mỹ."
Bất chấp lệnh cấm nhập cư gây ra biểu tình phản đối trên cả nước, chính quyền của Tổng thống Trump vẫn lập luận rằng công chúng đứng về phía họ.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sean Spicer nói:
"Rõ ràng là đa số cử tri Mỹ đều ủng hộ lệnh tạm cấm nhập cảnh đối với người tị nạn từ các nước Syria, Iraq, Iran, Libya, Somalia, Sudan, và Yemen, cho đến khi nào chính phủ cải thiện tiến trình thanh lọc, để loại những phần tử xấu có thể đặt ra một mối đe doạ cho nước Mỹ."
Trong cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất Hoa Kỳ ở thành phố Dearborn, bang Michigan, lệnh cấm nhập cư tạm đã khiến nhiều người hoang mang lo sợ.
Dân biểu Debbie Dingell của Ðảng Dân chủ, đại diện cho khu vực, nói:
"Tôi không thể tả hết với quý vị nỗi lo sợ đang ám ảnh người dân ở đó. Họ lo rằng một ai đó sẽ đến đập cửa nhà họ vào lúc 3 giờ sáng, lôi họ ra khỏi giường và tống xuất họ ra khỏi nước Mỹ."
Dân biểu Dingell cho rằng cái giá phải trả cho sắc lệnh hành pháp này là quá cao:
"Tất cả chúng ta đều muốn bảo vệ an ninh quốc gia, nhưng vấn đề an ninh quốc gia còn có nghĩa là phải bảo vệ những rường cột của Hiến pháp, trong đó có tự do tôn giáo."
Những người phản đối nói rằng lệnh cấm nhập cư làm tổn thương hình ảnh của Mỹ dưới con mắt của quốc tế, đe dọa an ninh ngay tại chính các nước mà lệnh cấm trực tiếp nhắm tới, và trong cả thế giới Hồi giáo.
Ông Thomas Countryman, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp Mỹ đã về hưu, bày tỏ lo ngại:
"Mỹ là quốc gia luôn mở rộng vòng tay chào đón di dân và người tị nạn từ tất cả các nước và thuộc mọi tôn giáo trong suốt mấy trăm năm qua. Tôi hy vọng họ sẽ nhận ra rằng đây chỉ là một lệnh cấm tạm thời, nhưng tôi thực sự lo lắng về cách thức phổ biến lệnh cấm này và cách thi hành lệnh cấm nhập cư đã gởi đi một thông điệp ngược lại."
Nhưng Chủ tịch Quốc hội Paul Ryan nói với các phóng viên báo chí rằng ông không bao giờ ủng hộ một lệnh cấm đối với người Hồi giáo, mà ngược lại ông xem sắc lệnh vừa ban hành là một sự tạm ngưng chương trình di dân với những lý do xác thực. Chủ tịch Paul Ryan:
"Sau vụ khủng bố nổ súng tấn công ở Paris, chúng ta đã thấy rõ rằng các phần tử khủng bố đã trà trộn vào khối người tị nạn từ Syria, do đó chúng tôi muốn bảo đảm chuyện đó sẽ không xảy ra ở đây, trên đất nước này. Đó là nguyên tắc cơ bản nhất về an ninh quốc gia."
Có một dấu hiệu cho thấy mặc dù những người phản đối sẽ chống lại sắc lệnh cấm nhập cư tại tòa, chính quyền của ông Trump có phần chắc sẽ không lùi bước.