Bộ trưởng Ngoại giao Philippines hôm Chủ nhật, nói với các vị ngoại trưởng 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam, ASEAN, rằng Trung Quốc đang "sắp sửa chiếm quyền kiểm soát trên thực tế” ở Biển Đông qua các hoạt động lấp biển lấy đất tại các bãi đá đang có tranh chấp chủ quyền. Thông tín viên Simone Orendain của đài VOA gởi về từ Manila.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippine Albert del Rosario nói với vị tương nhiệm của ông tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN rằng “hiệp hội này nên nói với Trung Quốc rằng những gì mà họ đang làm là sai và những hoạt động ồ ạt để lấp biển lấy đất phải chấm dứt ngay lập tức.”
Philippines đến dự cuộc họp ở Kuala Lumpur với một mục tiêu rất rõ ràng là để cảnh báo về các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang ráo riết xây dựng tại 7 bãi cạn trong quần đảo Trường Sa.
Ngoại trưởng Anifah Aman của Malaysia, nước chủ nhà tổ chức hội nghị ASEAN năm nay, nói rằng khối ASEAN sẽ “rất cảm kích” nếu Trung Quốc có thể ngừng hành động này và ngồi xuống để thảo luận về tình hình. Ông nói:
“Các nước thành viên ASEAN muốn thấy vấn đề được giải quyết hoàn toàn trong tinh thần hữu nghị vì việc này không chỉ ảnh hưởng đến các nước tuyên bố chủ quyền mà còn ảnh hưởng đến toàn thể khối ASEAN. Vì chúng tôi ở trong khu vực này và nếu có bất kỳ tình huống bất ổn nào xảy ra trong khu vực, ngay cả các nước không tuyên bố chủ quyền cũng sẽ bị ảnh hưởng.”
Những công trình xây dựng của Trung Quốc tại 7 bãi cạn, mà Philippines, Việt Nam và Đài Loan cũng có yêu sách chủ quyền, đang ở trong các giai đoạn khác nhau. Một số có cấu trúc nhiều tầng, một số khác có các hải cảng mà tàu chiến có thể cập bến, và có ít nhất là một bãi đá có một đường băng cho phi cơ chiến đấu gần như hoàn tất.
Ông Carl Thayer, một chuyên gia về an ninh thuộc Học viện Quốc phòng Australia, nói rằng bất cứ sự bày tỏ ý kiến nào của nhóm này về tình hình hiện nay đều phải thông qua nhiều tầng.
"Các vị ngoại trưởng có thể đưa ra một tuyên bố và các nhà lãnh đạo có thể làm dịu bớt tính chất kịch liệt của tuyên bố đó. Và chắc chắn là Trung Quốc đang ráo riết vận động ở hậu trường để ngăn chận sự đồng thuận về vấn đề này. Và trong bản chất, Thủ tướng Malaysia Najib Razak không phải là người muốn đối đầu với Trung Quốc."
Nhiều người xem Biển Đông như một điểm nóng có thể gây ra những vụ xung đột nghiêm trọng. Năm 2002 khối ASEAN và Trung Quốc ký một thỏa thuận không có tính cách ràng buộc pháp lý nhằm giải quyết vụ tranh chấp một cách ôn hoà. Và những nỗ lực để có được một Bộ Qui tắc Ứng xử COC, có tính cách ràng buộc về mặt pháp lý, đã kéo dài trong những năm sau đó. Philippines và Việt Nam, cùng với Hoa Kỳ và nhiều nước khác, đang ra sức vận động để nhanh chóng có được một Bộ Qui tắc Ứng xử.
Năm 2013, chính phủ Philippines đã đệ đơn kiện lên Toà án Trọng tài Thường trực ở La Haye để chống lại những yêu sách chủ quyền rộng lớn của Trung Quốc ở Biển Đông. Bắc Kinh bác bỏ vụ kiện, viện dẫn một điều khoản về quyền không tham gia khi họ ký Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển.
Trung Quốc là một đối tác thương mại quan trọng của Malaysia. Ngoại trưởng Anifah nói rằng Trung Quốc và ASEAN là những đối tác quan trọng của nhau “cho nên không cần có những hoạt động hay những tình huống đối đầu với nhau vì những điều đó sẽ không mang lại lợi ích cho bất kỳ nước nào.”