Hải quân Philippines đang nâng cấp khả năng vào thời điểm căng thẳng tiếp tục với Trung Quốc về tranh chấp ở Biển Đông.
Trong mấy tuần lễ vừa qua, một hãng đóng tàu hải quân của Indonesia đã bắt đầu công tác về hai “tàu chiến lược” mà Philippines sắp mua với giá hơn 87 triệu đôla.
Phát ngôn viên Hải quân Philippines, Trung tá Lued Lincuna nói những tàu này dự kiến sẽ đến trong 2 năm sắp tới.
Ông nói: “Nó sẽ gia tăng khả năng phòng vệ và hoạt động của chúng tôi. Nó có một sân đáp cho trực thăng và có chỗ cho 3 chiếc trực thăng một lúc… nó có thể chứa một tiểu đoàn thuỷ quân lục chiến và dĩ nhiên là hải quân biệt động và bộ chỉ huy kiểm soát trong các cuộc hành quân.”
Hải quân đã mua nhiều thiết bị lớn, trong đó có hai tàu chiến từng hoạt động trong đội Tuần duyên Hoa Kỳ. Những tàu có tuổi thọ gần 50 năm, không còn thích hợp với đạn dược hiện đại và trực thăng đi kèm, đã đi tuần ven biển của quần đảo này trong 2 năm qua.
4 chiến hạm khác đã được đặt mua và thêm 2 máy bay trực thăng hải quân tương tự như 3 chiếc đã được sử dụng dự kiến sẽ được giao vào tháng 5. Tất cả các thiết bị này nằm trong khuôn khổ chương trình hiện đại hoá quân đội với kinh phí 1 tỷ 800 triệu đôla.
Tập trung nguồn lực
Mức chi thường niên của quân đội Philippine tương đối nhỏ - khoảng 2,6 tỷ, so với ngân sách 132 tỷ của Trung Quốc trong năm 2014. Nhưng Manila đã tập trung các nguồn lực vào việc cải thiện khả năng theo dõi và đáp ứng các diễn biến ở vùng Biển Đông.
Trung Quốc vẫn khẳng định chủ quyền toàn vùng biển này, đã liên tục gia tăng sự hiện diện trong vùng có tranh chấp trong những năm vừa qua. Nay các toán xây dựng của Trung Quốc đang đòi lại chủ quyền các hòn đảo trong số đảo thuộc quân đảo Trường Sa mà Philippines nhận chủ quyền.
Các tàu hải giám Trung Quốc cũng thường xuyên xua đuổi tàu thuyền Philippines ra khỏi những bờ đá và bãi cạn có tranh chấp, kể cả Bãi Cạn Scarborough mà Philippines nói nằm trong phạm vi 370 kilomet thuộc khu kinh tế đặc biệt của họ. Việt Nam, Đài Loan, Malaysia và Brunei cũng đòi chủ quyền vùng biển giàu tài nguyên này.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Philippines và Bộ Quốc phòng Nhật Bản lần đầu tiên đã ký một thoả thuận thiết lập quan hệ quốc phòng chặt chẽ hơn về những vấn đề như tập trận chung và hợp tác về an ninh toàn cầu.
Không cho biết chi tiết cụ thể, các giới chức nói cả hai nước có cùng quan điểm về tình hình ở Biển Đông và Hoa Nam, nơi sự hiện diện nổi bật của Trung Quốc đã gây lo ngại cho các nước láng giềng.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Philippines Peter Paul Galvez nói Philippines trông đợi sự hỗ trợ của Nhật Bản về tình báo, theo dõi và trinh sát.
Ông nói: "Ngoài ra còn cả an ninh hàng hải. Mọi khả năng mà họ có thể giúp chúng tôi, đó là điều chúng tôi yêu cầu. Chúng tôi hy vọng họ có thể dành cho chúng tôi một số chọn lựa trong tương lai rất gần để chúng tôi có thể thảo luận.”
Tự giúp mình
Philippines đang xây dựng một trung tâm chỉ huy theo dõi bờ biển có kinh phí 18 triệu đôla. Trung tâm này sẽ phối hợp thông tin liên lạc giữa hải quân, tuần duyên, cảnh sát biển và các cơ quan khác để bảo vệ biên giới biển. Ông Lincuna nói hệ thống theo dõi duyên hải bao gồm một hệ thống thiết bị theo dõi đặt căn cứ trên đất liền và trên các tàu bè.
Ông Galvez nói Philippines cũng đang trông đợi Nhật Bản giúp đỡ về các khả năng nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Ông Carl Thayer là một chuyên gia phân tích an ninh Đông Nam Á của Học viện Quốc phòng Australia. Ông nói việc Philippines củng cố ở quy mô nhỏ chứng tỏ với Hoa Kỳ, nước đồng minh theo hiệp ước duy nhất của họ, rằng họ đang tự giúp mình chứ không phải chỉ trông chờ vào các đối tác bên ngoài.
Ông nói: “Nay nó có nghĩa là các tàu chiến Philippines nếu bị tấn công, sẽ châm ngòi cho những cuộc tham khảo ý kiến với Hoa Kỳ. Nó không có nghĩa là họ phải bừa bãi, nhưng có nghĩa là Trung Quốc nay phải tính tới những tàu bè đó. Ta gọi đó là sự răn đe mở rộng, tấn công Philippines, là có Chú Sam đứng đằng sau ngay.”
Philippines cũng đang duy trì và xây dựng các đối tác chiến lược với các nước láng giềng khác. Tuần trước, các vị ngoại trưởng Philippines và Việt Nam đã mở các cuộc hội đàm về việc tăng cường quan hệ an ninh.
Australia tuần trước thông báo sẽ tặng cho Philippines hai chiếc tàu 40 năm tuổi được tân trang có khả năng chuyên chở đến bờ biển “những kiện hàng lớn, nhân sự và thiết bị.”