Đường dẫn truy cập

Philippines tập trận chung với Mỹ, Nhật gần Biển Đông


Chuẩn Đô đốc Hải quân Philippines Leopoldo Alano (phải) và Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ William Merz trong lễ khai mạc cuộc thao dượt chung tại trụ sở hải quân ở thành phố Puerto Princesa, Palawan, ngày 22/6/2015.
Chuẩn Đô đốc Hải quân Philippines Leopoldo Alano (phải) và Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ William Merz trong lễ khai mạc cuộc thao dượt chung tại trụ sở hải quân ở thành phố Puerto Princesa, Palawan, ngày 22/6/2015.

Cuộc diễn tập quân sự hỗn hợp giữa Hoa Kỳ và Philippines bắt đầu hôm nay trong lúc hải quân Philippines và Nhật Bản tiến hành những cuộc thao dượt chung. Theo tường thuật của thông tín viên Simone Orendain của đài VOA tại Manila, cả hai hoạt động này diễn ra ở Palawan, gần khu vực đang có tranh chấp gay gắt ở Biển Đông.

Cuộc thao dượt Mỹ-Phi có sự tham gia của chiến hạm USS Fort Smith và một chiếc máy bay trinh sát P-3 Orion. Hải quân Philippines cho biết các binh sĩ sẽ được huấn luyện về việc thực hiện những phi vụ trinh sát, tập trận bắn đạn thật, lục soát và chiếm giữ tàu bè cùng với những hoạt động khác. Các giới chức nói rằng những cuộc diễn tập chung sẽ diễn ra trong hải phận Philippines ở duyên hải phía đông của đảo Palawan.

Phát ngôn viên của Hải quân Philippines, Thiếu tá Lued Lincuna nhấn mạnh với đài VOA rằng cuộc thao dượt với Lực lượng Tự vệ Hải dương Nhật Bản là “một hoạt động hải dương chứ không phải là một cuộc diễn tập trên biển.” Ông Lincunna cho biết hoạt động này tập trung vào cứu trợ thiên tai cùng với tìm kiếm và cứu hộ.

Người phát ngôn của Hải quân Philippines nói rằng máy bay của hai nước, trong đó có máy bay trinh sát P-3C Orion của Nhật, sẽ bay trong khu vực nằm ngoài lãnh hải 22 kilomét của Philippines.

"Khái niệm về hoạt động hải dương là máy bay của cả hai nước sẽ cất cánh và bay tới khu vực - mà hiện giờ tôi chưa biết rõ là khu vực nào, và tại đó họ sẽ tiến hành một số hoạt động liên quan tới công tác tìm kiếm cứu hộ."

Biển Đông nằm ở duyên hải phía tây của đảo Palawan, với quần đảo Trường Sa nằm cách đó khoảng 300 kilo mét về hướng tây bắc. Trung Quốc đang xây các đảo nhân tạo tại ít nhất 7 bãi đá ngầm trong vùng biển này và Philippines có yêu sách chủ quyền đối với hầu hết các bãi đá đó.

Tuần trước, trang mạng Sina của Trung Quốc đã cho đăng 17 tấm hình của hòn đảo nhân tạo trên bãi đá Chữ Thập, trong đó có hình của những nữ quân nhân của Trung Quốc đứng cạnh những tấm bia, một vườn rau và một chuồng heo.

Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam cũng có những yêu sách chủ quyền chồng chéo nhau trong vùng biển giàu tài nguyên và có những tuyến hàng hải hết sức quan trọng cho thương mại quốc tế. Nhật Bản cũng có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với một quần đảo ở Biển Hoa Đông mà Bắc Kinh gọi là Đảo Điếu Ngư và Tokyo gọi là Senkaku.

Trong những năm gần đây, Philippines – là nước có ngân sách quốc phòng thấp nhất trong khu vực, đã bắt đầu bổ sung các khí tài quân sự và tăng cường những mối quan hệ hợp tác chiến lược với các quốc gia đồng minh trong lúc Trung Quốc ngày càng hung hăng hơn trong việc khẳng định điều mà họ gọi là “chủ quyền không thể tranh cãi” đối với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Các giới chức quân sự Philippines cho biết cuộc diễn tập chung với Mỹ năm nay nằm trong khuôn khổ của các cuộc tập trận thường niên và không dính líu tới vụ tranh chấp giữa Manila với Bắc Kinh ở Biển Đông. Tuy nhiên, các nhà phân tích nói rằng cuộc thao dượt với Nhật Bản có ý nghĩa tượng trưng rất quan trọng đối với Nhật Bản.

Đảng Liên minh Ái quốc Mới của Philippines là đảng chống đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines. Tổng thư ký của đảng này, ông Renato Reyes, nói rằng giờ đây nước ông phải “lo lắng” về những ý đồ quân sự của Nhật Bản.

"Có lẽ là họ định phô trương thêm sức mạnh quân sự trong những năm sắp tới. Chúng tôi không muốn bị họ lợi dụng để làm bàn đạp. Chúng tôi không muốn bị dùng làm bàn đạp cho chủ nghĩa can thiệp của Mỹ hoặc chủ nghĩa quân phiệt của Nhật."

Hồi đầu tháng này, Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã đến thăm Nhật Bản và cho biết hai nước sẽ thương thuyết để có một hiệp định chính thức về các lực lượng thăm viếng ngõ hầu các lực lượng Nhật Bản có thể được luân phiên bố trí ở Philippines.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG