Đường dẫn truy cập

Philippines, Trung Quốc đồng ý cải thiện quan hệ


Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau tại Pasay City, phía nam Manila, ngày 10/11/2015.
Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị gặp nhau tại Pasay City, phía nam Manila, ngày 10/11/2015.

Philippines cho hay đã đồng ý với Trung Quốc để cải thiện mối quan hệ song phương bị khựng lại, sau khi gần như không tiếp xúc với nhau trong những năm gần đây vì những yêu sách chủ quyền chồng lấn nhau ở Biển Đông. Thông tín viên VOA Simone Orendain của đài VOA tường trình từ Manila.

Thông báo được đưa ra trong những ngày trước khi diễn ra cuộc họp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khối Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương, tức APEC, tại Manila mà theo dự kiến sẽ có sự tham dự của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết trong cuộc họp hôm thứ ba giữa Bộ trưởng Ngoại giao Albert del Rosario và Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, hai bên cho biết sẽ dẹp qua một bên “vấn đề gây tranh cãi” về Biển Đông và đi trở lại đúng hướng.

“Bộ trưởng del Rosario cho biết ông lấy làm hài lòng. Ông rất vui mừng đón tiếp Bộ trưởng Vương Nghị và nói ông đã trông đợi chuyến thăm bởi vì bản thân chuyến thăm này là một dấu hiệu cho thấy chúng ta có thể thúc đẩy bang giao song phương đi tới.”

Ông Jose nói phái đoàn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định rõ là phía họ sẽ không đề cập gì đến những vấn đề tranh chấp lãnh hải trong cuộc họp thượng đỉnh này. Ông cho biết họ đã đến để đặt nền tảng cho điều họ gọi là một chuyến thăm Philippinese “êm thắm, an toàn và thành công” cho ông Tập Cận Bình.

Người phát ngôn này nói Manila cam kết sẽ không nêu vấn đề ra.

Năm 2013, Manila đã đệ đơn ra trước một tòa án trọng tài quốc tế để nêu thắc mắc về tính hợp pháp của điều mà họ gọi là “yêu sách quá đáng” của Trung Quốc khi đòi chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông. Philippines cũng mưu tìm sự xác minh của các vị thẩm phán về vấn đề là những thực thể đất đai trong vùng biển này có quyền có khu vực đặc quyền kinh tế hay không. Trong một năm rưỡi nay, Trung Quốc đã tiến hành xây dựng ít nhất 6 thực thể được liệt kê trong vụ này thành hòn đảo nhân tạo.

Brunei, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam, tất cả đều là thành viên APEC, cũng có những khẳng định chủ quyền chồng chéo ở Biển Đông.

Bắc Kinh vẫn liên tục bác bỏ và không tham gia vụ trọng tài.

Ông Jose nói Philippinese hôm nay đã không nêu ra vụ tranh chấp biển với Trung Quốc bởi vụ kiện trọng tài vẫn còn chưa được giải quyết. Hơn nữa, ông nói APEC không phải là nơi thích hợp với điều ông gọi là một vấn đề có liên quan đến an ninh.

Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lý Bảo Đồng hôm nay đồng ý là bộ không nghĩ vấn đề này sẽ được đưa ra thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh APEC.

Ông Lý nói APEC chủ yếu là về hợp tác kinh tế và thương mại trong khu vực châu Á Thái Bình Dương.

Nhưng ông Jose nói các nước khác được tự do nói về vấn đề đó bên lề hội nghị. Tổng thống Philippines Benigno Aquino đã dự định mở 11 cuộc họp song phương, trong đó có các cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo của Việt Nam, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Chuyên gia phân tích an ninh châu Á Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Australia nói có phần chắc sẽ có một cuộc trao đổi “ngắn, gọn” giữa ông Aquino và ông Tập Cận Bình.

“Nó gửi đi một thông điệp mà Trung Quốc muốn truyền đạt là “Hãy ngừng nhìn vào các đảo nhân tạo mà nhìn vào toàn cục. Chúng tôi đang trỗi dậy. Chúng tôi theo đuổi hòa bình. Hãy cùng đi với chúng tôi. Chúng tôi là tương lai.”

Ông Thayer nêu ra rằng trong mấy ngày vừa qua, chuyến thăm đến Việt Nam của ông Tập Cận Bình và cuộc hội kiến lịch sử với Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu tại Singapore cũng định ra một đường lối để “tìm cách giảm bớt độ nóng” của dự án xây đảo.

Tin Vắn Thế Giới

XS
SM
MD
LG