Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ cùng các quan chức Việt Nam chủ trì sự kiện chính thức khai trương văn phòng Khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) tại Hà Nội vào thứ Tư tuần sau, các quan chức cao cấp của chính quyền Mỹ cho biết ngày thứ Năm, trong một chuyến công du mà vấn đề y tế công có phần chắc sẽ đứng đầu nghị trình thảo luận.
Bà Harris theo lịch trình sẽ thăm Việt Nam trong hai ngày 25 và 26 tháng 8 trong chuyến thăm đầu tiên từ trước đến nay của một phó tổng thống Mỹ tới Việt Nam giữa lúc Mỹ đang nỗ lực củng cố quan hệ với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Chuyến đi cũng diễn ra trong bối cảnh Việt Nam, nước đã kiểm soát thành công đại dịch COVID-19 trong thời gian đầu, đang chật vật tìm cách cách khống chế một đợt bùng phát mạnh do biến thể Delta của virus corona gây ra, với hàng ngàn ca nhiễm được ghi nhận mỗi ngày.
Bà Harris dự kiến sẽ thảo luận trực tiếp với các quan chức Việt Nam và trực tuyến với các quan chức của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về biện pháp ứng phó đại dịch của Mỹ và “cách thức mà tất cả chúng ta cần làm việc cùng với nhau để chấm dứt đại dịch và tăng cường an ninh y tế toàn cầu,” một quan chức cao cấp của chính quyền nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo.
“Chính quyền Biden - Harris đã thể hiện rõ thông qua các hành động của mình, việc cung cấp vaccine, gia tăng số lượng vaccine trên khắp thế giới bao gồm hơn 23 triệu liều cho vùng Đông Nam Á, rằng chúng tôi nhận thức tầm quan trọng của vấn đề này,” một quan chức cao cấp khác của chính quyền nói thêm. “Và chúng tôi hiểu chúng tôi có lợi ích quốc gia cũng như lợi ích nhân đạo trong việc giúp các quốc gia khác giải quyết vấn đề này.”
Quan chức này từ chối cho biết liệu bà Harris sẽ loan báo bất cứ sự hỗ trợ tiềm năng nào từ Mỹ hay không trong chuyến đi.
Mỹ đã hai lần viện trợ vaccine ngừa COVID-19 cho Việt Nam thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, với tổng số lượng là 5 triệu liều Moderna. Chính phủ Mỹ cũng đã hỗ trợ hơn 20 triệu đôla và 77 tủ âm sâu trữ vaccine, tuy nhiên Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất trong khu vực.
‘Cam kết trường tồn’
Trước khi ghé qua Việt Nam, Phó Tổng thống Mỹ sẽ dừng chân tại điểm đến đầu tiên là Singapore, nơi bà gặp gỡ các quan chức chính phủ và thăm một căn cứ hải quân nơi chiến hạm USS Tulsa của Mỹ đang neo đậu.
Các quan chức cao cấp của chính quyền nói hai quốc gia Đông Nam Á tiêu biểu cho nỗ lực của Mỹ củng cố và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác trong khu vực, nơi được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới đến năm 2050 và hiện là thị trường lớn cho hàng hóa và dịch vụ của Mỹ.
Chuyến đi của bà Harris cũng nêu bật chính sách đối ngoại của chính quyền Biden chú trọng vào việc “hồi sinh các liên minh và các quan hệ đối tác khắp thế giới,” trái ngược với chủ trương “Nước Mỹ Trước tiên” được cổ súy dưới thời chính quyền tiền nhiệm của Tổng thống Donald Trump.
“Và trong chuyến thăm này, Phó Tổng thống sẽ làm đúng như vậy – làm việc với các đối tác hiện hữu và thông qua các tổ chức đa phương, như ASEAN,” một quan chức cao cấp của chính quyền nói.
“Chính quyền cũng nêu rõ là chúng tôi có một cam kết trường tồn với vùng này, rằng chúng tôi là một phần của vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và sẽ luôn như vậy.”
Sự trỗi dậy của một nước Trung Quốc với ảnh hưởng ngày càng tăng và những hành động ngày càng quyết đoán trong khu vực đã thôi thúc Washington giao tiếp sâu rộng hơn với khu vực này để tạo đối trọng.
Việt Nam trong những năm gần đây thắt chặt quan hệ với nước từng là kẻ thù thời Chiến tranh Việt Nam trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc ở Biển Đông làm nảy sinh những căng thẳng và ngờ vực giữa hai nước láng giềng gắn bó bằng ý thức hệ cộng sản.
Một quan chức cao cấp của chính quyền từ chối trả lời câu hỏi liệu bà Harris sẽ có bất cứ thông báo hay cuộc thảo luận nào về việc nâng cấp mối quan hệ “đối tác toàn diện” lên “đối tác chiến lược” giữa Mỹ và Việt Nam hay không khi bà đến thăm nước này.
“Chúng tôi rất tin tưởng vào tầm quan trọng của mối quan hệ và quan hệ đối tác với Việt Nam,” quan chức này nói. “[Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd] Austin đã đến đó vào tháng 7 và Phó Tổng thống sẽ đi tới đó, và tôi nghĩ đó là dấu hiệu về cam kết của chúng tôi đối với một mối quan hệ đối tác vững mạnh hơn.”
Các quan chức chính quyền cũng bác bỏ những so sánh giữa Việt Nam và Afghanistan, nơi mà chính phủ được Mỹ hậu thuẫn sụp đổ khi Taliban tiến vào thủ đô Kabul đầu tuần này, gợi liên tưởng tới sự sụp đổ của đồng minh Việt Nam Cộng hòa của Mỹ vào năm 1975 trước sự tiến công của quân cộng sản miền Bắc.
“Việt Nam ngày nay là đối tác ngày càng lớn của Mỹ, và đó là lý do vì sao Phó Tổng thống sẽ tới đó,” một quan chức cao cấp của chính quyền nói.
Lịch trình tại Việt Nam
Phó Tổng thống Harris sẽ đến Hà Nội vào tối ngày thứ Ba 24 tháng 8.
Chương trình làm việc chính thức bắt đầu vào ngày thứ Tư 25 tháng 8.
Buổi sáng, bà sẽ có những cuộc họp cấp chính phủ. Sau các cuộc gặp đó vào buổi chiều, bà sẽ dẫn đầu phái đoàn Mỹ cùng với chính phủ Việt Nam chính thức khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của CDC.
Phó Tổng thống sẽ gặp trực tiếp cùng với các quan chức Việt Nam và trực tuyến với các quan chức chính phủ các nước ASEAN, cùng với Papua New Guinea, để thảo luận về sự ứng phó của Mỹ đối với đại dịch và cách thức tất cả các nước cần làm việc cùng nhau để chấm dứt đại dịch và tăng cường an ninh y tế toàn cầu.
Ngày thứ Năm 26 tháng 8, bà Harris sẽ gặp một số đại diện xã hội dân sự để “nhấn mạnh sự chú trọng của chúng tôi đối với việc hỗ trợ xã hội dân sự như một động lực thúc đẩy thay đổi xã hội,” một quan chức cao cấp của chính quyền nói.
Cuối cùng bà sẽ tham gia buổi lễ tại đại sứ quán và gặp gỡ các nhân viên đại sứ quán và gia đình họ.