Đường dẫn truy cập

Phòng thí nghiệm sáng tạo gây hứng thú mạnh tại các trường Việt Nam


Các sinh viên tại Fablab Sài Gòn.
Các sinh viên tại Fablab Sài Gòn.

Những phòng thí nghiệm sáng tạo đang gây hứng thú mạnh ở các trường ở Việt Nam. Thông tín viên Liên Hoàng của đài VOA tường thuật từ Sài Gòn.

Khi các nhà ngoại giao Mỹ thăm thành phố Đà Nẵng năm ngoái, các sinh viên Việt Nam đã trưng bày với các vị khách một bản sao Tòa Bạch Ốc thu nhỏ do họ làm ra bằng một máy in 3D.

Chiếc máy đó và các máy móc khác, được cung cấp tại Fablab Đà Nẵng, là một phần của mạng lưới toàn cầu gồm các phòng thí nghiệm mở cho phép nhiều người chế tạo các sản phẩm và phát minh mà nếu làm một mình sẽ khó có thể thành công. Fablab cũng là một phần trong phong trào đang phát triển ở Việt Nam, đó là dựa vào công nghệ và đào tạo thực tế để làm cho những người trẻ tuổi hứng khởi về việc tìm kiếm một nghề nghiệp.

Sáng tạo và kỹ năng liên quan

Sự sáng tạo đi vào các phòng thí nghiệm này và những nỗ lực khác có mục đích sửa chữa một khuôn mẫu xấu ở Việt Nam: các nhân viên chỉ học lý thuyết vô dụng trong trường học, và không biết áp dụng kiến thức của họ ra sao tại nơi làm việc.

Ông Trần Hoàng Quân, giảng viên khoa điện tử của trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, muốn thay đổi khuôn mẫu này bằng cách thực hiện việc học tập dựa vào các dự án. Ông nói sinh viên sẽ có động lực hơn nếu họ có thể liên kết các nghiên cứu của họ với những công trình thực tế ngoài đời và phát triển dự án "gây sửng sốt".

Không còn sinh viên học hành vật vờ trong lớp

Các phát minh sáng tạo như thế này được thực hiện tại Fablab, là một phần của một phong trào đang phát triển tại Việt Nam dựa trên công nghệ và đào tạo thực tế
Các phát minh sáng tạo như thế này được thực hiện tại Fablab, là một phần của một phong trào đang phát triển tại Việt Nam dựa trên công nghệ và đào tạo thực tế

Ông Quân phát biểu hôm 15/4 khi thuyết trình tại Hội nghị Giáo dục Kỹ thuật Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh rằng "Ở trường đại học, họ nghiên cứu những cái mà họ không có cảm hứng, đó không phải là một nghề nghiệp. Họ vật vờ như những cái xác trong lớp học".

Ông Quân và những người khác đang ủng hộ những môi trường sáng tạo, có thể bơm sức sống mới vào các thể xác vật vờ ở trường học. Fablabs, và những "không gian của nhà chế tạo" tương tự, cung cấp tất cả mọi thứ, từ máy cắt laser, máy khâu, cho đến các dụng cụ cầm tay.

Áp dụng các thiết bị vào thế giới thực

Ông Võ Minh Trí đã chia sẻ kinh nghiệm về không gian cho nhà chế tạo tại Đại học Cần Thơ, nơi ông phụ trách khoa công nghệ tự động hóa. Học sinh kết hợp phần mềm và phần cứng, bao gồm máy quét 3D và máy in. Họ thử nghiệm với các thiết bị như máy đếm ấu trùng có mục đích tăng năng suất nuôi tôm, là một ngành nghề quan trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Trí cho biết tại hội nghị: "Sinh viên của tôi được khuyến khích đến đó và làm những gì các em thích".

Mức lương thấp đã giúp Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, nhưng có những người lo ngại rằng đất nước 90 triệu dân sẽ chỉ trở thành công xưởng giá rẻ tiếp theo trên thế giới.

Việt Nam muốn nâng cấp lực lượng lao động giữa lúc các nước láng giềng trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng đang tìm cách làm như vậy. 10 nước đang chuẩn bị cho sự cạnh tranh dự kiến sẽ gia tăng trong khuôn khổ khối thương mại Cộng đồng Kinh tế ASEAN đang hình thành.

Ông Quân nói việc nâng cấp lực lượng lao động có thể gắn với một vòng xoáy nhân quả theo hướng tốt đẹp. Ông bày tỏ: "Khi một người càng giỏi một việc, người đó càng có động lực làm việc đó nhiều hơn".

Theo cách nhìn của ông, khi người Việt Nam trở nên đam mê hơn về công việc của mình, kỹ năng của họ được cải thiện, và cùng với kỹ năng tốt hơn, niềm đam mê của họ lại càng tăng.

Nêu ra một ví dụ, ông mô tả việc dạy sinh viên về các cảm biến và vi điều khiển, để họ có thể tập tành làm ra các sản phẩm có thể trở thành một phần của những gì trên internet.

Kết hợp giới học thuật với những công ty khởi nghiệp

Fablab là một phần của mạng lưới toàn cầu gồm các phòng thí nghiệm mở cho phép nhiều người chế tạo các sản phẩm và phát minh.
Fablab là một phần của mạng lưới toàn cầu gồm các phòng thí nghiệm mở cho phép nhiều người chế tạo các sản phẩm và phát minh.

Tại Fablab Đà Nẵng, các nhà sản xuất đã có những phát minh về theo dõi thời tiết, làm sạch bụi, và giúp cho người khuyết tật có thể đọc sách.

Tại Fablab Sài Gòn, sinh viên có vị trí tương đối thấp hơn trong khi mối liên kết với những người khởi nghiệp công nghệ cao lại rõ ràng hơn. Các phòng thí nghiệm kết hợp không gian cộng tác với quán cà phê và công viên cộng đồng, và cũng tổ chức các sự kiện để kết nối các lĩnh vực khác nhau.

Bà Phan Hoàng Anh, người tự giới thiệu mang chức danh là người trông nom Fablab Sài Gòn, cho biết: "Chúng tôi hoàn toàn không thay thế các trường đại học. Chúng tôi chỉ mang lại một sân chơi bổ sung".

Ngân hàng Thế giới ước tính rằng hai phần ba nhà tuyển dụng tại Việt Nam phàn nàn về việc những người tìm việc thiếu các kỹ năng mềm, bao gồm giải quyết vấn đề, làm việc theo nhóm, lãnh đạo, khả năng thích ứng, và học tập độc lập.

Đây cũng là những kỹ năng mà, về mặt lý thuyết, những người trẻ tuổi có thể phát triển thông qua các không gian của nhà chế tạo và các Fablab.

VOA Express

XS
SM
MD
LG