Tổ chức Y tế Thế giới đang thúc giục các nước Á Châu cắt giảm phân nửa số thương vong vì tai nạn xe cộ trước năm 2020. Thông tín viên Ron Corben của đài VOA tường thuật từ Bangkok.
Cuộc nghiên cứu năm 2015 của Đại học Kỹ thuật Chalmers ở Thuỵ Điển được thực hiện tại 24 nước Á Châu, chiếm 56% dân số thế giới. Kết quả nghiên cứu cho thấy số tử vong vì tai nạn xe cộ tại các nước này lên tới 750.000 người mỗi năm và là nguyên do gây tử vong hàng đầu của những người dưới 30 tuổi.
Cuộc nghiên cứu cho thấy số người bị thương lên tới hơn 50 triệu người, trong đó có 12% được đưa vào bệnh viện, gây ra thiệt hại kinh tế khoảng 800 tỉ đô la, tương đương với 3,6% GDP ở 24 quốc gia đó.
Tại Thái Lan, giới hữu trách ghi nhận số tử vong vì tai nạn xe cộ trong dịp Tết cổ truyền tăng 30%, giết chết hơn 400 người.
Các giới chức Thái Lan cho biết chạy quá tốc độ là nguyên do chính gây ra tai nạn, cùng với nạn lái xe khi say rượu, với khoảng 80% dính líu tới xe gắn máy. Các giới chức Bộ Y tế cho biết số người bị thương lên tới 25.000, trong đó hơn 3.200 người bị thương nặng phải điều trị tại bệnh viện.
Thương vong đã gia tăng như vậy mặc dù cảnh sát đã bắt hơn 110.000 người và bắt giam 5.700 chiếc xe tại những trạm kiểm soát an toàn giao thông trên cả nước.
Bà Nana Soetantri, chuyên gia giao thông của Ngân hàng Phát triển Á Châu (ADB), nói rằng tính theo đầu người, thương vong vì tai nạn xe cộ ở Thái Lan cao hơn hầu hết các nước khác trong khu vực.
"Điều không may là Thái Lan nằm ở hàng đầu trong số các nước hội viên đang phát triển của ADB. Tỉ lệ tử vong vì tai nạn xe cộ của Thái Lan là 36,2 trên 100.000 người, cao hơn Việt Nam và Trung Quốc."
Trong một nỗ lực nhằm gây sốc cho tài xế để họ chú tâm nhiều hơn vào vấn đề an toàn giao thông, cảnh sát Thái Lan cho biết những người phạm luật sẽ bị buộc làm việc công ích tại các nhà xác ở bệnh viện.
Tuy nhiên, tờ Bangkok Post, trong bài xã luận mới đây, nói rằng chiến lược an toàn giao thông của chính phủ là không thích đáng. Họ nêu nghi vấn về kế hoạch đưa người tới làm việc tại nhà xác – một chương trình mà họ nói đã được áp dụng và sau đó bị huỷ bỏ cách nay một thập niên.
Theo tờ Bangkok Post, tỉ lệ tử vong của người đi xe gắn máy rất cao vì nạn say rượu lái xe và thái độ xem thường luật lệ về mũ bảo hiểm và thắt đai an toàn cũng góp phần gây ra tình trạng này.
Bà Soetantri của ADB hoan nghênh những biện pháp cứng rắn của giới hữu trách Thái Lan, nhưng bà nói rằng chính sách an toàn giao thông cần dựa trên kiến thức cụ thể mới có hiệu quả.
"Những gì mà họ tìm cách đạt được qua việc bắt giữ những người này là đáng khen ngợi ở một mức độ nào đó. Nhưng chúng ta cần phải đặt câu hỏi là căn cứ khoa học ở đâu? Vì họ đang nhắm vào những người lá xe khi say rượu, vậy thì phải chăng uống rượu lái xe là yếu tố chính gây ra chết chóc trên đường ở Thái Lan?"
Ông Jac Wismans, đồng tác giả bản phúc trình của Đại học Kỹ thuật Chalmers, cho biết sự gia tăng nhanh chóng của số lượng xe cộ tại các nước đang phát triển là nguyên do chính dẫn tới sự gia tăng của số thương vong. Ông cũng nói rằng sự gia tăng đó đã làm cho một số quốc gia phải hành động.
Các số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy từ năm 2004, Trung Quốc – là nước có khoảng 261.000 người tử vong hàng năm vì tai nạn xe cộ, đã chứng kiến một sự sút giảm đều đặn nhờ vào những hệ thống đường sá an toàn hơn cộng với việc chấp hành các luật lệ về lái xe khi uống rượu và thặt đai an toàn.
Tại Việt Nam, nơi xe gắn máy chiếm khoảng 95% số xe đăng ký, giới hữu trách đã chấp hành nghiêm nhặt hơn những luật lệ đòi hỏi người lái xe và người ngồi chung xe phải đội mũ bảo hiểm. Báo cáo của cảnh sát cho biết hơn 1.500 mạng người được cứu và 2.500 vụ thương tích nghiêm trọng được ngăn chặn.
Giáo sư Wismans cho biết như sau về đề nghị của Tổ chức Y tế Thế giới.
"Từ 5 năm nay, gần 10 năm nay, tổng số người chết và bị thương đã được bình ổn trên toàn cầu. Nơi có sự giảm thiểu là Hoa Kỳ, Âu châu và Nhật Bản -- trong khi vẫn có sự gia tăng tại các nước đang phát triển. Nhưng mục tiêu của Tổ chức Y tế Thế giới là có thể đạt được. Nhờ vào tất cả những biện pháp đang được áp dụng chúng ta sẽ thấy có sự sút giảm của số tai nạn và thương tích tại các nước đang phát triển."
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu không có chính sách hành động để giảm số thương vong, tai nạn giao thông có thể gây ra khoảng 1 triệu 300 ngàn ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới vào năm 2020.